Học sinh hiếu động không phải là tội đồ

05/10/2017 - 11:32

PNO - Học sinh là trung tâm quá trình dạy học. Theo đó, các em phải biết tư duy, phản biện, năng động trong học tập… chứ không phải ngoan ngoãn như một bầy cừu.

Đi học về, cậu con trai lớp Tám của tôi băn khoăn: “Mẹ ơi, hiếu động có phải là một cái tội không mẹ?”. Biết con mình có “tật nhiều chuyện”, tôi phân tích, việc hiếu động nếu làm cho mọi người xung quanh vui vẻ hơn mà không gây ảnh hưởng xấu đến ai thì cũng không thành “tội”.

Lúc ấy, cháu mới kể: “Cô phạt con vì tội hiếu động”. Điều này khiến cháu ấm ức. Tối đó, cháu thức rất khuya. 

Hoc sinh hieu dong khong phai la toi do

Đợi mãi không thấy con đi ngủ, tôi ra hỏi thăm mới biết cháu phải chép phạt đến 70 lần bản nội quy nhà trường (dài 4 trang giấy tập), cô hẹn đến giờ sinh hoạt lớp tuần sau phải nộp. Tìm hiểu kỹ hơn, tôi được biết, học sinh (HS) nào phạm một lỗi, bị tổ tưởng, tổ phó ghi tên là phải chép phạt 5 lần. Tuần qua, con tôi mắc 14 lỗi nên phải chép 70 lần.

Cô quy định thêm, trong tuần, nếu vì lý do chép phạt mà không thuộc bài, làm bài đầy đủ thì sẽ tội chồng tội.

Trong tuần, lớp con tôi có 32/45 bạn bị chép phạt, có bạn bị chép đến 105 lần, các bạn không bị phạt hầu hết là các tổ trưởng, tổ phó và ban cán sự lớp.

Oái oăm hơn, trong tiết âm nhạc, cô dạy nhạc mang cây organ lên để trong lớp rồi bỏ đi. Khoảng chục bạn biết chơi nhạc chạy lên mở đoạn đề mô cho cả lớp nghe. Sau đó, cả nhóm bị rầy tội “phá đàn”.

Tuy đàn không hư hỏng gì nhưng khi phân xử trước lớp, cô chủ nhiệm cho rằng: “G.H. bị xui nên phải chịu phạt, còn các bạn khác thì may mắn thoát tội”. Con tôi còn ấm ức: “Tuần này, lớp con không bị điểm 9 nào, toàn điểm 10, được xếp hạng cao nhất từ trước tới nay mà vẫn bị cô phạt”.

Trong lúc đang bất bình trước quy định khá nghiệt ngã và có phần vô tác dụng, bất khả thi của cô chủ nhiệm thì tôi nhận được điện thoại của một phụ huynh cùng lớp. Chị kể, con gái chị cũng bị chép phạt và cháu vừa chép vừa khóc. Chị cho rằng bắt HS chép phạt như thế chẳng mang lại lợi ích gì cho các em ngoài sự căng thẳng, mệt mỏi, phân tâm và ác cảm hơn với cô giáo chủ nhiệm.

Tôi đến trao đổi với cô chủ nhiệm. Cô cho rằng, lớp các cháu là lớp chọn của khối nên rất hiếu động, nói chuyện nhiều, gây khó cho việc giảng dạy. Cô cũng thừa nhận chuyện “hên xui” và hứa lần sau sẽ “truy tới nơi tới chốn” cho công bằng (!).

Tôi góp ý về việc cô dựa vào ghi chép của tổ trưởng, tổ phó để phạt đang gây nhiều bất bình cho các em; cô hứa sẽ cho phụ huynh số điện thoại của các em để… phụ huynh đối chất.

Thấy không thể làm cho cô hiểu vấn đề, tôi đành ra về trong sự thất vọng. Không dè, hai tiết chủ nhiệm của hai tuần liên tiếp sau đó, cô dành hết thời gian và dành thêm 30 phút cuối buổi để truy tìm những HS phạm lỗi, mặc kệ phụ huynh đang chờ đón các em dưới nắng.

Tiếp thu ý kiến của phụ huynh, cô đã xóa hình thức chép phạt, nhưng bắt HS viết kiểm điểm, bao nhiêu tội là bấy nhiêu bản, rồi đưa cho cha mẹ ký tên. Ngoài ra, cô còn dành thời gian của những giờ lên lớp trong tuần để… xử phạt.

Công cuộc đổi mới dạy học mà ngành giáo dục - đào tạo đang tiến hành xác định HS là trung tâm quá trình dạy học. Theo đó, các em phải biết tư duy, phản biện, năng động trong học tập… chứ không phải ngoan ngoãn như một bầy cừu. Nhưng, việc nào thu hút được HS vào bài giảng, phát huy được sự năng động ở các em phụ thuộc vào bản lĩnh và nghệ thuật dạy học của người thầy chứ không phải bằng những mệnh lệnh áp đặt. Và suy cho cùng, hiệu quả của một tiết dạy chính là làm cho HS tự tin, năng động, hứng thú với học tập, chứ không phải làm cho HS ngoan hiền, thụ động. 

Vẫn biết, các thầy cô chủ nhiệm phải chịu nhiều áp lực, nhưng HS hiếu động không phải là tội đồ và càng thông minh, giỏi giang thì các em càng hiếu động. Khi nào thầy cô giáo còn chưa hiểu, chưa “quen” được với sự hiếu động của các em thì khi ấy, các thầy cô giáo vẫn còn phải tiếp tục hoàn thiện mình. 

Hiền Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI