Học sinh Hàn Quốc "kém hạnh phúc nhất thế giới" vì áp lực học, thi

08/11/2014 - 11:06

PNO - PN - Trước khi 600.000 học sinh (HS) bước vào kỳ thi đại học đầy áp lực vào ngày 13/11, Bộ Y tế Hàn Quốc vừa công bố số liệu chỉ ra rằng, HS Hàn Quốc nằm trong nhóm thanh thiếu niên kém hạnh phúc nhất thế giới. Bởi các em phải...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hoc sinh Han Quoc

Áp lực học tập khiến các em học sinh không còn hứng thú với trường lớp - Ảnh: Economist

Khảo sát thực hiện với 30 quốc gia có nền kinh tế phát triển thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), về mức độ hài lòng thì Hàn Quốc xếp vị trí áp chót, theo sau là Ba Lan và Romania. Chưa đến 60% HS được hỏi hài lòng về cuộc sống hiện tại. Phần lớn nguyên nhân đến từ gánh nặng bài vở mà các em đối mặt.

Trong một tiêu chí khác của khảo sát, về mức độ thiệt thòi, thì trẻ em Hàn Quốc chịu thiệt thòi nhất vì thiếu những hoạt động ngoại khóa bổ ích, đáp ứng nhu cầu sở thích của mình. Đây là lần đầu tiên chính phủ Hàn Quốc thực hiện khảo sát này dù trước đó, một số tổ chức trong và ngoài nước này cũng công bố bảng xếp hạng trên và Hàn Quốc luôn xếp ở vị trí thấp. Đơn cử, một cuộc khảo sát quy mô toàn cầu đối với 135 quốc gia vừa được công bố, Hàn Quốc xếp vị trí thứ 75 về mức độ hạnh phúc của HS, cũng chỉ vì phải chịu áp lực học tập.

Vì lẽ đó, khảo sát đối với trẻ em ở 4.000 hộ gia đình Hàn Quốc lần này được cho là động thái tích cực của chính quyền Hàn Quốc để gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với hệ thống giáo dục quốc gia và cả những phụ huynh luôn áp đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái. Ở Hàn Quốc, mục tiêu tối thượng phụ huynh đặt ra cho con mình là phải đỗ vào những trường đại học danh giá. Đó sẽ là tấm vé bảo chứng cho công việc lương cao, ổn định về sau.

Hoc sinh Han Quoc

Một học sinh cho rằng, em không mong Hàn Quốc là quốc gia giàu có nhất mà chỉ mong quyền được hạnh phúc của mọi người được tôn trọng và bảo vệ - Ảnh: Koreabridge.net

Năm 2013, các phụ huynh Hàn Quốc chi khoảng 18 tỷ USD cho con học thêm để tăng khả năng cạnh tranh trong kỳ thi đại học. Hơn 80% HS Hàn Quốc phải học đại học. Các em chỉ được ra về từ chiều tối sau khi kết thúc hoàn toàn các buổi học ngoài giờ, thậm chí có khi học đến 11 giờ khuya, dù sáng hôm sau, các em vẫn phải đến trường sớm. Cuộc đua giành một vị trí ở trường đại học uy tín khiến các bậc phụ huynh lo lắng, ngày càng xuất phát sớm hơn khi buộc con họ ngay từ mẫu giáo phải học ngoại ngữ, mặc dù nhiều trường hợp trẻ không hề hứng thú.

Lee Da-bin, HS trung học cho biết: “Em phải tận dụng mọi thời gian trống để học. Giờ ăn, em cũng vừa học vừa ăn. Em thèm một giấc ngủ ngon nhưng hầu như không có. Ngủ năm giờ trong ngày đã là nhiều, vì em còn phải dậy sớm để học bài trong khi đêm trước về nhà rất trễ”.

Cô Oh Hea-young, chuyên viên của Viện Tư vấn thanh thiếu niên Hàn Quốc cho biết: “Nhiều HS rơi vào trạng thái vô cảm, không thể biểu hiện cảm xúc. Các em bị “bội thực” kiến thức nên không còn hứng thú với việc học”. Sue Kim, một phóng viên theo mảng giáo dục ở Hàn Quốc nói rằng: “Trẻ em Hàn Quốc được học để trả lời bất cứ câu hỏi nào. Quan điểm này khác hẳn quan điểm giáo dục của phương Tây là chú trọng quá trình tìm tòi hơn là kết quả sai hay đúng. Vì thế, các em bị “nhồi” kiến thức một cách triệt để”.

Năm 2011, một nam sinh 18 tuổi ở Daejeon đã tự tử chỉ vài giờ trước khi bước vào kỳ thi mà bố mẹ cho là quan trọng nhất cuộc đời em. Em đã không chịu nổi thêm một phút nào sự căng thẳng và áp lực tâm lý quá nặng nề từ cuộc thi trên. Những năm gần đây, Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập mạng lưới hỗ trợ, tư vấn tâm lý các HS qua đường dây điện thoại và trực tuyến để kéo các em khỏi “bờ vực” tự tử mà phần lớn nguyên nhân là để thoát áp lực học tập, thi cử.

Chia sẻ về thực trạng trên khi đến Hàn Quốc tham dự diễn đàn về giáo dục, Chủ tịch Ngân hàng thế giới Kim Jim Yong, cũng là người Hàn Quốc, thừa nhận: “Hàn Quốc có nền giáo dục phát triển. Nhưng chính tâm lý ganh đua, thành tích đã dẫn đến sai lầm mà thế hệ trẻ phải gánh chịu. Khả năng tiếp cận học thêm, học nâng cao tỷ lệ thuận với điều kiện kinh tế gia đình. Điều này về lâu dài có thể làm tổn hại đến sự phát triển bền vững của Hàn Quốc, vì nó không phản ánh được thực chất năng lực của tất cả HS”.

ANH THÔNG
(Theo Reuters, Wall Street Journal, www.openequalfree.org)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI