Học sinh ham đọc sách, không thể “tự rèn mà nên”

01/04/2023 - 06:46

PNO - Rất nhiều nghiên cứu đã khẳng định, trẻ có thói quen đọc sách từ nhỏ, khi lớn lên, khả năng từ vựng, phát âm và cả về toán học sẽ phát triển rất tốt.

 

Một đứa trẻ yêu thích, có kỹ năng, phương pháp đọc sách phần lớn đều xuất phát từ truyền thống, sự quan tâm của gia đình. Tuy nhiên, trách nhiệm nuôi dưỡng, rèn luyện, bồi đắp tâm hồn để trẻ trở thành những người yêu đọc sách, lớn lên với một tâm hồn đẹp, biết yêu thương, sẻ chia là của người làm giáo dục. 

3 năm qua, chúng tôi đã cố gắng gieo mầm thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc sách cho học sinh, bắt đầu từ việc trang bị những loại sách phù hợp. Với học sinh từ 5-8 tuổi, cần những quyển sách ít chữ, có hình ảnh, có nội dung “cổ tích”; dần dần sẽ giới thiệu với các em các loại sách danh nhân, văn hóa, lịch sử… Ở độ tuổi từ 9-13, các em bước vào giai đoạn dậy thì, cần những quyển sách như hạt giống tâm hồn, kỹ năng sống, truyền cảm hứng… 

Trong hành trình này, việc tạo ra các không gian đọc rất quan trọng. Không gian đọc ngoài trời, thư viện xanh, góc đọc được trang trí đẹp sẽ thu hút học sinh hơn. Hiện nay, ngoài thư viện, trường tạo ra 5 khu vực đọc sách ngoài trời được phân bố phủ hết khu vực trường học.

Để các em ý thức được tầm quan trọng của việc đọc sách, giáo viên định hướng để học sinh tự tạo “thư viện lớp học” cho lớp mình. Chúng tôi tôn trọng ý tưởng của các em, khuyến khích các em cùng trang trí thư viện lớp với những đồ vật yêu thích và sắp xếp các loại sách do các em mang vào. 

Hình thành thói quen đọc sách cho học sinh, không thể “để tự rèn mà nên” mà phải có tính bắt buộc trong các giờ sinh hoạt, trải nghiệm. Đó phải là những tiết đọc sách, mà ở đó, giáo viên sẽ dạy trẻ cách đọc sách đúng và tạo cơ hội để các em trao đổi, bàn luận về điều mình đã đọc. Hay tổ chức chuyên mục “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng” để các em mạnh dạn thể hiện khả năng của mình. Giáo viên chủ nhiệm cũng sẽ kết hợp với thủ thư giới thiệu những quyển sách phù hợp với từng khối lớp nhằm giúp các em định hướng được nên đọc những quyển sách nào.

Ví dụ, ở khối lớp Bốn, Năm, có thể giới thiệu những bộ truyện tranh lịch sử như chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng, Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, các câu chuyện về Bác Hồ, tâm hồn cao thượng… Nhờ những hoạt động này, học sinh của trường nhiều năm liên tục đạt giải tại cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Không phải bất kỳ hạt giống nào được gieo xuống đất cũng mọc thành cây. Sự nảy mầm của hạt giống phụ thuộc vào điều kiện bên trong lẫn bên ngoài. Gieo mầm, nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho học sinh cũng thế. Cần hành trình kiên trì của gia đình lẫn nhà trường. 

 Đỗ Thị Mỹ Hòa - Hiệu trưởng 
Trường tiểu học Triệu Thị Trinh (quận 10, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI