Học sinh, giáo viên lên tiếng về phương án tổ chức một kỳ thi chỉ để… xét tốt nghiệp

22/04/2020 - 10:58

PNO - Nhiều học sinh, giáo viên không đồng tình về phương án Bộ GD-ĐT vừa đưa ra: tổ chức kỳ thi THPT 2020 nhưng chỉ tập trung vào mục tiêu chính là xét tốt nghiệp.

Sáng 21/4, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ GD-ĐT đã báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án thi THPT năm 2020.

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng thống nhất từ năm nay, các trường đại học - cao đẳng sẽ tự chủ về tuyển sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT có mục tiêu chính là công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Bộ GD-ĐT cũng cân nhắc việc giảm số môn thi so với năm 2019 để giảm áp lực cho học sinh. Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh khâu tổ chức thi để phù hợp với tình huống các nhà trường đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Ngay sau khi phương án này được đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến từ dư luận. Nguyễn Trung Thành, học sinh lớp 12 Trường THPT Trung Văn (Q. Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội), cho hay: “Khi đọc tin tức về kỳ thi, em thật sự bị sốc và lo lắng rất nhiều. Điều mong muốn duy nhất của em Bộ GD-ĐT cứ vẫn giữ nguyên kỳ thi như các năm trước, vẫn số môn thi như vậy nhưng nội dung thi nằm trong chương trình đã được bộ công bố tinh giản là được. Như vậy cho chúng em ổn định tinh thần ôn thi.

Hoặc có cách khác là Bộ GD–ĐT xem xét giảm bớt môn thi. Cụ thể như học sinh nào mong muốn xét tuyển đại học khối B thì thi toán, hóa, sinh. Thí sinh nào thi khối A01 thì thi môn toán, lý, tiếng Anh; còn khối C00 thì là văn, sử, địa”.

Theo em Trung Thành, thí sinh chỉ phải thi 3 môn và dùng kết quả đó để xét tốt nghiệp cũng như là cơ sở để tuyển sinh đại học. Bởi lẽ, do năm nay xuất hiện dịch bệnh kéo dài nên học sinh nghỉ học dài hạn không thể đến trường, học online thì hiệu quả chưa như mong muốn.

“Em chỉ mong lãnh đạo Bộ GD-ĐT hãy đặt mình vào vị trí của chúng em, những học sinh phải nghỉ học vì dịch bệnh, chưa thể đến trường mà vừa phải thi tốt nghiệp, vừa phải thi đại học rất vất vả. Rồi mỗi trường có phương án thi khác nhau, thời gian cũng không còn nhiều, chỉ còn khoảng 3 tháng để làm tất cả mọi việc là điều rất khó khăn, áp lực với học sinh trong tình hình hiện nay”, Trung Thành phân tích.

Nhiều chuyên gia cho rằng tổ chức một kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp rất lãng phí (ảnh minh họa)
Nhiều chuyên gia cho rằng tổ chức một kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp rất lãng phí (ảnh minh họa)

Còn thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy môn toán tại Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.Hà Nội), cho biết: “Tôi khá bất ngờ, phương án thi được Bộ GD-DDT nâng lên, đặt xuống rồi đột ngột rẽ sang hướng khác. Một thực tế là từ trước đến giờ gần như không mấy ai quan tâm đến thi tốt nghiệp vì năm nào thi cũng gần 100% đỗ.

Vậy tổ chức một kỳ thi chỉ để… xét tốt nghiệp thì rất lãng phí. Nó còn khiến các trường đại học “đau đầu” về phương án tuyển sinh, học sinh cũng “vắt chân lên cổ” để vừa thi tốt nghiệp vừa thi đại học”.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ tuyển sinh, Hiệp hội Các trường đại học - cao đẳng Việt Nam, cho hay: “Việc điều chỉnh kỳ thi năm nay sẽ gây xáo trộn không hề nhỏ với cả các trường đại học và với thí sinh”.

Phân tích kỹ hơn về điều này, TS Lê Viết Khuyến cho biết, với thí sinh, việc thay đổi đột ngột phương án thi cũng gây xáo trộn trong tâm lý. Với phương án hiện nay, có thể thí sinh vừa phải thi tốt nghiệp, vữa “lẽo đẽo” chạy theo các trường để dự thi xét tuyển vào đại học.

Một kỳ thi chỉ phục vụ mục đích xét tốt nghiệp thì đề thi sẽ không có độ phân hóa cao, các trường đại học khó có thể dựa vào đó để xét tuyển đầu vào nhất là các trường đòi hỏi cao ở thí sinh như khối ngành y dược, kinh tế, ngoại thương.

Đó là chưa kể theo phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có thể sẽ bỏ bớt một số môn thi. Bỏ bớt môn thi chắc chắn các trường càng khó có thể xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi vì sẽ có những môn nằm trong tổ hợp xét tuyển nhưng không thi.

Vậy là các trường buộc phải tổ chức thi thêm môn hoặc tự tổ chức thi riêng hoặc xét tuyển học bạ, kết hợp thi tuyển với xét tuyển theo Luật Giáo dục ĐH.

"Tuy nhiên, trong ba tháng phải tổ chức thi riêng để xét tuyển thì không phải trường nào cũng làm được. Rồi cảnh thí sinh đổ dồn về các trường để thi tuyển cũng gây xáo trộn không nhỏ, rồi tốn kém cho xã hội”, tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho hay.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI