edf40wrjww2tblPage:Content
Điệp khúc kiểm tra, trả bài
Chị Hoàng Ngọc, phụ huynh (PH) HS lớp 7 một trường quốc tế than thở: “Gia đình sắp xếp công việc dự định làm một chuyến du lịch cuối năm. Xe, chỗ ở đã lên kế hoạch đâu vào đấy, chỉ chờ giờ xuất phát. Ai ngờ đến phút 89, chuyến du lịch phải hủy vì lịch kiểm tra của con. Ngày 19/1, cô thông báo trong lịch báo bài có đến 5 tiết kiểm tra trong hai tuần tới: ngày 29/1 kiểm tra 1 tiết Anh văn, ngày 30/1 kiểm tra 1 tiết tiếng Việt (môn văn), rồi ngày 5/2 làm tiếp kiểm tra 2 tiết tập làm văn, ngày 6/2 kiểm tra tiếp 1 tiết toán đại số. Nhìn mặt con tiu nghỉu thấy tội lắm…”.
Cảnh truy bài tại một trường ở TP.HCM - Ảnh: Trần Hùng |
Theo chị Trần Thị Hoa có con học lớp 9 ở Q.12, lịch học, kiểm tra, trả bài của HS ngày nay quá kinh khủng. “Con tôi học bán trú, ở trường gần như cả ngày, với HS cuối cấp nếu buổi chiều có 3 tiết học chính, giáo viên (GV) sẽ giữ lại thêm 1 tiết để ôn tập; học 4 tiết thì ở lại thành 5 tiết. Lịch học có ngày gồm các môn sử, địa, sinh, lý, hóa, toán, vừa môn học bài vừa có môn làm bài tập, HS làm sao kham nổi. Nhất là với mật độ kiểm tra 1 tiết, kiểm tra miệng hầu như tuần nào cũng có một-hai lần”, chị Hoa chia sẻ.
Tương tự, nhiều PH lớp 6 cho biết, trẻ gần như bị sốc khi chuyển từ môi trường tiểu học sang ứng phó với lịch học thay đổi từng tiết. Bài học nhiều, kiểm tra gần như liên tục, không làm bài kiểm tra miệng thì có kiểm tra 1 tiết. Nhưng “sốc” nhất phải kể đến các kỳ kiểm tra giữa học kỳ, thi học kỳ có sự xáo trộn lớp và GV lạ gác thi. Không chỉ căng thẳng trên lớp, thời gian ở nhà, HS gần như chỉ biết gồng mình ứng phó với các kỳ thi, kiểm tra ở trường, không còn thời gian để tham gia những hoạt động khác sau giờ học.
Không chỉ HS đuối, PH xót con mà ngay cả GV cũng ngao ngán. Chỉ vào bản phân phối chương trình lớp 9, một GV dạy văn ở Trường THCS-THPT Hồng Hà nói: Một học kỳ, HS phải làm khoảng sáu-bảy bài kiểm tra bao gồm kiểm tra thường xuyên dưới dạng kiểm tra miệng, 15 phút và kiểm tra định kỳ gồm kiểm tra 1 tiết, 2 tiết. Cả năm con số này tăng lên gấp đôi.
Ở trường ngoài công lập, mỗi lớp có 30-40 em, ở trường công lập sĩ số lên đến 40-50 em/lớp. Mỗi GV không chỉ dạy một lớp nên mỗi lần đến đợt kiểm tra, phải chấm đồng loạt hàng trăm bài. Với số lượng bài kiểm tra nhiều như thế, làm sao GV đủ sức chấm kỹ, góp ý, chỉnh sửa chi tiết cho từng em được.
Bộ GD-ĐT quy định chương trình khung “cứng” chi tiết với bao nhiêu bài kiểm tra, quy định cụ thể từng thể loại nên việc kiểm tra trở nên dày đặc, trùng lắp. GV mệt đã đành nhưng khổ nhất vẫn là HS phải gồng gánh quá nhiều áp lực bài vở.
Nghỉ Tết cũng… ám ảnh lịch thi
Một chuyên viên Phòng Trung học Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: GV căn cứ vào quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS và HS THPT theo Thông tư 58, cùng với phân phối chương trình các môn để cho kiểm tra.
Theo quy chế của Thông tư 58, HS phải làm bài kiểm tra thường xuyên (bao gồm kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, kiểm tra viết hoặc thực hành dưới 1 tiết) và kiểm tra định kỳ (kiểm tra hoặc thực hành từ 1 tiết trở lên) ở mỗi môn học. Cụ thể, với những môn học có 1 tiết trở xuống/tuần phải kiểm tra thường xuyên ít nhất 2 lần/học kỳ; môn học có từ trên 1 tiết đến dưới 3 tiết/tuần phải kiểm tra thường xuyên ít nhất 3 lần; môn học có từ 3 tiết trở lên/tuần ít nhất 4 lần...
Ngoài ra, tùy theo phân phối chương trình ở từng bộ môn mà GV sẽ cho HS làm bài kiểm tra 1 tiết, 2 tiết.
Chưa nghỉ Tết Nguyên đán nhưng nhiều HS tại TP.HCM đã được GV chủ nhiệm, GV bộ môn cảnh báo về lịch kiểm tra, thi giữa học kỳ ngay sau Tết khiến HS phát hoảng.
Chị Hoa kể, trong buổi họp PH mới đây, cô chủ nhiệm của con chị đã tuyên bố với PH rằng Tết này không thể lơ là, cha mẹ phải nhắc nhở các em chuyện học tập, không được bỏ quên bài vở bởi ngay khi nhập học sau Tết thì đã cận thời điểm thi giữa học kỳ II, rồi các đợt kiểm tra học kỳ II, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả cả năm học, xếp loại xét tốt nghiệp THCS.
Học - kiểm tra - thi đã trở thành điệp khúc ám ảnh HS. Nhiều em căng thẳng dẫn đến stress trước mỗi mùa thi, nhất là những HS mới chập chững bước từ trường tiểu học lên bậc trung học. Thi và kiểm tra là hình thức để đánh giá lại kết quả quá trình học tập nhưng dường như việc phân phối lịch thi cử, kiểm tra dày đặc đang khiến người học chỉ lo học để đối phó với những kỳ thi.
Đó là chưa kể, ngành giáo dục kêu gọi đổi mới phương pháp giảng dạy các môn xã hội, dạy theo năng lực người học, tăng cường câu hỏi mở để HS ở bậc THCS liên hệ thực tế. Nhưng khi ra đề thi học kỳ, nhiều phòng GD-ĐT quận, huyện vẫn theo lối mòn dựa theo chuẩn kiến thức kỹ năng. Độ vênh giữa lý thuyết và thực tế đã khiến nhiều GV ngần ngại không dám đổi mới, vẫn bám lấy chuẩn kiến thức kỹ năng cho an toàn.
Trước khi nghĩ đến những đổi mới to tát, trước mắt hãy “cởi trói” cho GV và HS. Người thầy cần được tự chủ trong tổ chức hoạt động dạy học cũng như đánh giá năng lực HS. Quan trọng hơn, đừng bắt HS làm quá nhiều bài kiểm tra như hiện nay. Lịch kiểm tra, thi cử dày đặc chỉ khiến các em học đối phó, liệu sau bài kiểm tra đó có bao nhiêu kiến thức đọng lại trong đầu các em?
GIA TUỆ