Học sinh dùng điện thoại trong lớp - Cuộc tranh cãi vẫn chưa có hồi kết

21/09/2020 - 15:43

PNO - Có cho phép học sinh mang điện thoại vào sử dụng trong lớp học hay không vẫn đang là một chủ đề gây tranh cãi giữa chính những người làm giáo dục.

Ở Mỹ, nội quy về việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số được nhìn thấy khắp nơi trên tường của các lớp học, còn giáo viên thì chia ra làm hai phe với những cuộc tranh luận chưa có hồi kết về việc cấm hay cho phép sử dụng điện thoại trong lớp.

Cần cho phép sử dụng điện thoại trong lớp học

“Điều quan trọng là cần có kế hoạch, chứ không phải là cấm đoán”, Liz Kline, Phó chủ tịch phụ trách Giáo dục thuộc tổ chức Common Sense Education khu vực San Francisco, và là người ủng hộ việc đưa công nghệ thông tin vào lớp học, nêu quan điểm. “Có nhiều bối cảnh học hành rất cần đến sự hỗ trợ của các thiết bị kỹ thuật số trong lớp, chẳng hạn như tiết học làm phim hay kỹ thuật nhiếp ảnh cơ bản”.

Một số ý kiến cho rằng, sử dụng smartphone trong lớp sẽ giúp ích cho các tiết học như: thực hành làm phim hoặc chụp ảnh - Ảnh: cgmtech
Một số ý kiến cho rằng, sử dụng smartphone trong lớp sẽ giúp ích cho các tiết học như: thực hành làm phim hoặc chụp ảnh - Ảnh: cgmtech

Lisa Highfill, giáo viên công nghệ thông tin tại trường cấp II Pleasanton Unified (California), tin rằng, cho học sinh sử dụng điện thoại khi đến lớp sẽ giúp các em có sự chuẩn bị tốt khi vào đại học, và ngay cả khi đi làm sau khi tốt nghiệp.

“Có ai trong chúng ta đi làm mà không dùng điện thoại ở văn phòng không?”, Lisa lý luận. “Vì thế, tôi cho rằng, để học sinh sẵng sàng cho việc đặt chân vào đại học và sau này ra đời đi làm thì điều quan trọng là dạy cho trẻ cách tránh không bị sao nhãng bởi điện thoại ngay cả khi những thiết bị này được cho phép sử dụng trong lớp”.

Theo Lisa, giáo viên cần có những cuộc trao đổi nói chuyện cụ thể với học sinh của mình để có được những thỏa thuận về việc sử dụng điện thoại. “Cần dạy cho học sinh cách tập trung, cách quản lý, và các kỹ năng cần thiết khác thông qua việc sử dụng điện thoại. Tự quản lý hành vi của bản thân cũng là một kỹ năng quan trọng và thực tế mà chúng ta có thể lồng ghép vào các bài học ở trong lớp”.

Tất nhiên, sẽ có những lúc điện thoại bị tuyệt đối cấm mà không cần phải giải thích gì thêm, chẳng hạn như: trong tiết kiểm tra hay thi cử bởi nếu không thì tình trạng gian lận sẽ xảy ra với sự trợ giúp đắc lực của “giáo sư” Google hay các công cụ tìm kiến khác.

Sử dụng smartphone để gian lận trong thi cữ cũng là mối bận tâm của nhiều giáo viên - Ảnh: UNICEF Guinea
Sử dụng smartphone để gian lận trong thi cử cũng là mối bận tâm của nhiều giáo viên - Ảnh: UNICEF Guinea

Vấn đề an toàn cũng là một trong những lý do được đưa ra để bảo vệ việc cho phép trẻ mang điện thoại đến trường. Chẳng hạn như khi có một sự cố hay tai nạn nào đó xảy ra thì bố mẹ sẽ dễ dàng liên lạc với con.

Tuy nhiên, cô giáo Highfill cũng đưa ra nhận xét đáng để cho phụ huynh lưu tâm: “Tôi hay hỏi học sinh về việc thường nhận tin nhắn của ai nhất khi đang ở trong lớp? Và câu trả lời là: Từ tụi bạn!”.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng, biện pháp cấm đoán thường không phải lúc nào cũng hiệu quả, nhất là với đối tượng được xem là chỉ xếp sau “quỷ và ma”. “Tôi tin rằng, càng quy định và đưa ra nhiều điều cấm mang tính áp đặt thì học sinh sẽ càng tìm cách đối phó. Mà chúng nó thì quá giỏi chuyện đó rồi”, cô giáo Highfill chia sẻ.

Cô đưa ra ví dụ: Mới đây khi bộ phận IT của nhà trường tiến hành chặn các ứng dụng chat thì học sinh trường cô đã tự “xây dựng” một hệ thống server của riêng chúng để chủ động nhắn tin cho nhau ngay trong trường học. Hay nhiều giáo viên còn bị qua mặt một thời gian khi phát hiện ra rằng, trong hộc đựng đồ hoặc các túi nhựa đựng điện thoại của học sinh chỉ chứa những chiếc ốp lưng điện thoại, còn chiếc điện thoại thật sự thì đang giấu đâu đó trong người bọn trẻ.

Không cho phép mang điện thoại vào lớp

“Khi chúng tôi hỏi các em học sinh ở độ tuổi từ 12 đến 13 rằng, liệu các em mang theo điện thoại đến trường nhưng không sử dụng chúng có được không? 100% câu trả lời mà bạn nhận được là: Không thể”, Delaney Ruston, bác sĩ tâm lý và là chủ nhiệm của bộ phim tài liệu Thế hệ màn hình: Lớn lên trong thời đại kỹ thuật số, cho biết. 

Học sinh thường dán mắt vào điện thoại bất cứ lúc nào có thể - Ảnh từ bộ phim tài liệu “Thế hệ màn hình: Lớn lên trong thời đại kỹ thuật số” của Delaney Ruston
Học sinh thường dán mắt vào điện thoại bất cứ lúc nào có thể - Ảnh từ phim tài liệu "Thế hệ màn hình: Lớn lên trong thời đại kỹ thuật số” của Delaney Ruston

Vậy hậu quả của vấn đề này thì thế nào? Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra kết quả tiêu cực trong học tập đối với việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp. Một khảo sát cho biết, 75% giáo viên được phỏng vấn nói rằng khả năng duy trì sự tập trung của học sinh giảm hẳn khi có điện thoại bên cạnh. Một báo cáo khác tiết lộ, học sinh thường hay bị xao nhãng bởi tin nhắn điện thoại thì có kết quả kiểm tra thấp hơn các bạn khác 10,6%.

Cô tin rằng, “cách ly” học sinh với điện thoại sẽ có thể cải thiện được tâm lý và tình trạng sức khỏe tinh thần của học sinh, cũng như giúp các em tập trung hơn vào các hoạt động giáo dục được thiết kế cả bên trong và bên ngoài lớp học.

Năm 2019, giáo viên toán ở một trường công lập thuộc bang Florida đã làm thí nghiệm nhỏ về sự xao nhãng gây ra bởi điện thoại. 23 học sinh trong lớp được yêu cầu cất điện thoại vào hộc bàn, và cứ mỗi lần điện thoại nhận một tin nhắn hoặc thông báo thì đánh dấu lên bảng. Kết quả sau 30 phút: nhận được 58 tin nhắn, 182 thông báo từ các ứng dụng giao tiếp trên mạng xã hội, 28 thông báo từ các ứng dụng khác. Tổng cộng 268 âm thanh gây xao nhãng trong lớp.

Ruston nhận thấy rằng, khi giáo viên đang nói chuyện trực tiếp với học sinh thì tâm trí của chúng lại chỉ hoàn toàn hướng vào tiếng chuông thông báo tin nhắn đến từ chiếc điện thoại. Và kể cả khi chiếc điện thoại đã tắt nguồn đặt ở trên bàn học thì nó vẫn là “trung tâm của sự chú ý” của đứa trẻ trong suốt buổi học.

Ruston cũng phản đối lý do an toàn khi cho trẻ mang theo điện thoại bên mình. Cô dẫn một báo cáo được thực hiện bởi National Public Radio, tổ chức truyền thông phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, cho biết, việc nhiều trường học cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong thời gian bị ảnh hưởng bởi COVID-19 vừa rồi khiến chúng không những không được an toàn, mà còn tạo ra nhiều nguy cơ hơn. Ví dụ, trẻ nhận tin nhắn từ người lạ; phụ huynh liên tục gọi cho con mình sẽ khiến việc giải cứu trẻ trở nên khó khăn hơn trong các trường hợp nguy cấp...

Khi mà “cuộc chiến” về việc cho phép hay không cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong lớp ở Mỹ và một số nơi vẫn chưa ngã ngũ thì chiếc điện thoại có được phép nằm trong ba lô của các cô cậu học sinh mỗi khi đến trường hay không đều tùy thuộc vào cách suy nghĩ và tiếp cận của các nhà giáo dục trong từng trường học.

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI