Học sinh dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn: Người lớn bó tay?

01/11/2019 - 06:44

PNO - Tựu trường mới hai tháng đã liên tục xảy ra những vụ học sinh đánh nhau. Không chỉ diễn ra trên diện rộng mà mức độ bạo lực ngày càng khốc liệt. Mới đây, học sinh ở TP.HCM còn sử dụng hung khí để “xử” nhau...

Vì sao ngành giáo dục liên tục có văn bản nhắc nhở, nhà trường ra sức ngăn chặn, chuyên gia tâm lý cũng vào cuộc nhưng kết quả thì… vẫn như cũ?

Không thích thì… đánh!

Trước sự “đổ bộ” của mạng xã hội, của các trào lưu văn hóa mạng mà các người lớn chưa kịp kiểm chứng thì người trẻ đã nhanh chóng tiếp thu và “hội nhập”. Suy nghĩ, hành động, quan điểm của thế hệ 9X đời cuối, 2K thực sự khác biệt và vượt ngoài sự hiểu biết của thế hệ lớn hơn.

Khi tiếp xúc với học sinh trường phổ thông, dễ dàng nhận ra các bạn có quan niệm rất mạnh mẽ. Có bạn không ngần ngại nói: cuộc đời đó có bao lâu mà… rùa bò, phải dám làm dám chịu, “dám yêu dám hận”. Bởi thế, trong mối quan hệ hằng ngày, chỉ cần thích liền “nhích”, và chỉ cần nhìn thấy không hợp nhãn là “xử” cho bõ ghét! Nghe qua rất ngỡ ngàng, nhưng đó là cách mà nhiều bạn trẻ đang lựa chọn để thể hiện mình. 

Vì mâu thuẫn trên mạng, hẹn nhau ra nói chuyện và hậu quả là hai học sinh Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) đã bị những học sinh khác dùng dao rượt chém phải vào bệnh viện. 

Cách đây 10 ngày, ba nữ sinh lớp Tám Trường THCS Lê Quý Đôn (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) tham gia túm tóc, đánh tới tấp bạn nữ sinh lớp Chín. Khoảng hơn 10 học sinh khác đứng bên ngoài, không can ngăn mà còn hò reo, cổ vũ, quay video đưa lên mạng xã hội. Nguyên nhân của vụ đánh nhau này là do mâu thuẫn vì… màu giày thể dục.

Hoc sinh dung bao luc giai quyet mau thuan: Nguoi lon bo tay?
Nữ sinh tỉnh Bình Dương đánh nhau vì… màu giày thể thao

Ngày 23/10, hai nữ sinh lớp Tám Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Q.10, TP.HCM) cũng choảng nhau trước cổng trường. Nguyên nhân cũng như đùa: không ưa nhau trên mạng xã hội. 

Ngày 28/10, lãnh đạo Trường THCS-THPT Phạm Ngũ Lão (Q.Gò Vấp, TP.HCM) xác nhận: video dài 53 giây ghi lại cảnh một nữ sinh bị hai bạn nữ khác dùng mũ bảo hiểm tấn công vào mặt, đầu, bị túm tóc, đạp vào người, lột áo… là học sinh của trường. Nhóm nữ sinh này có mâu thuẫn với nhau trên mạng xã hội.

Chưa hết, người bị đánh còn đang rất lo lắng, hoảng sợ, do bị đe dọa là không được nói với ai, nếu không sẽ còn bị đánh tiếp. Đây đều là những nữ sinh đang học lớp 11 nhưng đã có hành xử không khác dân “anh chị” thứ thiệt. 

Thống kê của ngành công an cho thấy, trong quý I/2019, có 310 vụ bạo lực học đường trên toàn quốc, chủ yếu ở lứa tuổi THCS và THPT. Riêng cuối tháng Ba và đầu tháng Tư, hàng loạt vụ bạo lực giữa học sinh với nhau xảy ra ở nhiều tỉnh, thành như Hưng Yên, Nghệ An và mới nhất là Quảng Ninh.

Tìm kiếm trên Google, chỉ cần chưa đầy 1 giây, công cụ này sẽ cho ra vài chục triệu kết quả về cụm từ “bạo lực học đường”.

Trong hội nghị về giáo dục đạo đức và giải pháp gần đây, người ta đã đưa ra thống kê chỉ trong năm 2018, có khoảng 2.000 vụ bạo lực liên quan đến đạo đức, sát phạt lẫn nhau, trong đó có hơn 53% số vụ xảy ra trong trường học. Những con số thống kê, nghe qua cũng đủ khiến chúng ta rùng mình. 

Nói nhiều nhưng khó làm

Về lý thuyết, môi trường để một người trẻ hình thành nhân cách chịu tác động của ba yếu tố: môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Đi từ yếu tố ít ảnh hưởng nhất đó là xã hội mà những đứa trẻ đang sống, người ta đang “đổ lỗi” cho các trào lưu văn hóa du nhập ồ ạt trong khi các bạn trẻ chưa sẵn sàng bản lĩnh nên đã tiếp nhận theo chiều hướng thụ động, đôi khi là thích tiếp nhận những giá trị tiêu cực hơn. 

Còn giáo dục trong nhà trường dường như vẫn đang loay hoay tìm giải pháp. Văn bản không thiếu, hình phạt xử lý cũng có, các buổi hội thảo, tọa đàm được tổ chức ngày càng nhiều… nhưng hiệu quả vẫn chưa thấy.

Ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5, TP.HCM), chia sẻ: “Nếu có thông tin kịp thời thì vai trò tham vấn tâm lý học đường rất quan trọng trong việc tư vấn tâm lý cho học sinh, giải tỏa bớt những mâu thuẫn để hạn chế xung đột. Nhưng biện pháp này chỉ có hiệu quả trong trường hợp có thời gian, mâu thuẫn kéo dài. Hiện nay, học sinh nhiều khi vừa đi lướt qua thấy đối phương nhìn chướng mắt liền có thể hẹn nhau buổi chiều ra “nói chuyện”.

Với trường hợp đánh nhau, vai trò của phòng tham vấn khó nắm bắt và xử lý kịp thời vì tình huống xảy ra rất nhanh và bất ngờ, các em học sinh đang trong trạng thái rất hung hăng”.

Ông Cang cũng cho rằng, trong trường hợp giải quyết mâu thuẫn giữa học trò thì vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng. Khi thực sự quan tâm, giáo viên chủ nhiệm sẽ hiểu rõ từng học sinh, từ đó thuận lợi hơn trong việc giáo dục, hạn chế xảy ra đánh nhau. Giáo viên chủ nhiệm cũng dễ dàng tạo ra nhiều “tai mắt” nắm bắt các mâu thuẫn của học sinh… Nhưng số làm được việc này không nhiều, bởi công tác chủ nhiệm vẫn còn nhiều vấn đề, chủ yếu do thời gian.

Một giáo viên ở Q.8 thừa nhận: “Giáo viên chủ nhiệm có nhiều cơ hội hơn so với các bộ phận khác ở trường trong việc tiếp cận học sinh. Tuy nhiên, hiện nay, áp lực với giáo viên chủ nhiệm rất lớn: dạy chuyên môn, công tác chủ nhiệm, sổ sách, giấy tờ hành chính… Nhiều lúc về nhà rồi vẫn còn ôm mớ sổ sách về làm, gia đình còn lơ là thì lấy thời gian đâu chăm chút cho chuyện khác”. 

Thế nhưng, theo các chuyên gia, không phải ngẫu nhiên mà trong các mắt xích hình thành nhân cách một đứa trẻ, yếu tố gia đình được đặt lên đầu tiên. Bởi đây là môi trường đầu tiên và cũng là xuyên suốt tác động đến lối sống, hình thành nên nhân cách của một con người. Gia đình được xem là chốt chặn trong quá trình giáo dục. Vì vậy, “bạo hành học đường” còn có trách nhiệm của gia đình, không chỉ nhà trường. 

Để con sống tử tế, cha mẹ phải tự rèn mình

Hồi nhỏ, mỗi lần đi phá làng phá xóm, tôi bị cha mẹ lôi về mắng: “Con hư, người ta chửi lên đầu lên cổ cha mẹ, nói cha mẹ không ra gì nên con mới vậy!”. Hồi đó, nghe câu này, tôi không thấy có lý gì.

Lớn lên, càng quan sát càng thấy rõ câu nhận định này đúng, nhất là với trẻ nhỏ. Trừ các trẻ được xác định rối nhiễu hoặc khuyết tật, đại đa số trẻ có trí tuệ bình thường mà có vấn đề về hành vi thì quay lại nhìn cha mẹ cũng thấy... có vấn đề nghiêm trọng. Không thô lỗ, cộc cằn, bạo lực thì cũng kiểu nói ra là toàn điều tiêu cực, phàn nàn, chỉ trích suốt ngày về đủ thứ trên đời, trong đó có chính con họ. Ngược lại, tôi gặp những cha mẹ mà họ mang lại cảm giác cực kỳ thoải mái cho người khác, cư xử nhã nhặn, lịch sự với người khác, thấy rõ con của họ cũng cư xử chuẩn mực hơn.

Các báo cáo nghiên cứu cũng chứng thực về khía cạnh này. Năm 2012, Bộ Giáo dục Anh công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, cha mẹ tiêu cực như kỷ luật không nhất quán, áp dụng trừng phạt thân thể thì con có nguy cơ có hành vi chống đối xã hội cao gấp hai lần so với cha mẹ không tiêu cực. Họ đã nghiên cứu và kết luận rằng: các yếu tố như chủng tộc, nền tảng học vấn lẫn kinh tế gia đình cũng được xem xét nhưng cho thấy không ảnh hưởng, vấn đề chính nằm ở cách giáo dục của cha mẹ.

Một nghiên cứu khác trên 117 gia đình ở Hà Lan có con tuổi ấu nhi đến bốn tuổi cho thấy, cha mẹ với độ ổn định cảm xúc thấp/năng lực kiểm soát trạng thái tâm lý thì ảnh hưởng trực tiếp tới hành vi gây hấn và các vấn đề chú ý của trẻ. Trong đó, hành vi gây hấn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn các vấn đề chú ý. 

Tôi nhận thấy cha mẹ luôn có cảm xúc tiêu cực, không chỉ với con mà với mọi vấn đề trong cuộc sống thì khó kỳ vọng con kiểm soát hành vi, cảm xúc của mình tốt được. Thử hình dung một người mẹ ra rả trước mặt con những câu than phiền về sếp, về xã hội, trường học, giáo viên, về chính cha của trẻ thì liệu đứa trẻ đó có thể điềm đạm, biết suy nghĩ thấu đáo trước khi đưa ra hành động không?

Hãy nhớ rằng nhân cách của cha mẹ để lại dấu ấn sâu sắc lên nhân cách trẻ. Đã sinh con, chẳng cách nào khác là phải tự rèn mình để con có thể trở thành người tử tế. 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI