Học sinh đi xe máy, không thể bình thường

25/10/2022 - 06:04

PNO - Những câu chuyện thương tâm về tai nạn giao thông cướp đi tính mạng của học sinh khi các em đang trên đường đến trường cả khu vực nông thôn lẫn thành thị ngày càng nhiều. Số vụ tai nạn và hậu quả nặng nề gia tăng theo tỷ lệ học sinh đi xe máy ngày càng phổ biến.

Lo ngại trước tình trạng mất an toàn giao thông trên đường con đến trường, mới đây một người quen của tôi đã quyết định mua căn hộ gần trường đại học ở TPHCM nơi con chị vừa nhập học. Trước đó, trong suốt những năm ở bậc học phổ thông, chị cũng cho con học gần nhà, đi bộ đến trường cho an toàn.

Trong số những phụ huynh mà tôi biết, cũng có nhiều người quyết định mua nhà hoặc thuê chỗ ở cho con gần trường vì sợ tai nạn rình rập. 

Nhưng những trường hợp trên chỉ là con số rất nhỏ. Hầu hết phụ huynh phải một ngày 2-4 lượt đưa đón con, hoặc giao phương tiện cho trẻ tự đi đến trường.

Công việc làm ăn quá bận rộn, đời sống quá khó khăn… là lý do nhiều gia đình không thể tổ chức việc đưa đón con. Vì vậy, dù luôn quan tâm đến sự an toàn của con nhưng nhiều phụ huynh cũng đành bấm bụng giao cho con chiếc xe đạp, xe đạp điện, thậm chí xe máy để các em tự đến trường. 

Hiện nay, ngoài những trường hợp học sinh đi xe máy phân khối lớn, học sinh tự đi học bằng xe đạp, xe đạp điện hay xe máy dưới 50 phân khối cũng phổ biến. 

Dù học sinh đi bằng các phương tiện này không vi phạm quy định nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro do mật độ giao thông ở các đô thị quá lớn. Vì thế, chặng đường đến trường không phải là quá trình trải nghiệm thú vị như thời xưa mà trở thành nỗi ám ảnh, lo âu của các bậc phụ huynh. 

Thực tế, hạ tầng giao thông ở nước ta còn chưa đảm bảo an toàn. Ở đô thị, mật độ các phương tiện ngày càng nhiều hơn, xác suất rủi ro tai nạn giao thông ngày càng cao hơn. Trong khi đó, ở lứa tuổi học sinh hiếu động, chưa chín chắn, thích thể hiện, việc sử dụng xe máy luôn tiềm ẩn nguy cơ dễ dẫn đến tai nạn, nhất là khi các em không chấp hành Luật Giao thông đường bộ. 

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm cả nước có đến 2.000 trẻ tử vong do tai nạn giao thông. Trong số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, có đến 90% rơi vào độ tuổi từ 16-18, độ tuổi dễ “bốc đồng, nông nổi”.

Ở nhiều địa phương, lâu nay, một số trường chủ động tổ chức đưa đón học sinh. Tuy nhiên, số trường có xe đưa đón vẫn còn rất thấp, nhất là trong hệ thống công lập. Ngay cả ở TPHCM, năm học này, có hơn 1,7 triệu học sinh các cấp, nhưng số em đi học bằng xe đưa rước cũng chỉ dừng lại ở con số gần 25.000.

Những năm qua, ngân sách thành phố đã chi hàng trăm tỷ đồng trợ giá cho học sinh đi học bằng xe đưa rước, nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa mặn mà vì xe cũ, chất lượng phục vụ chưa tốt. Kinh doanh xe đưa rước học sinh thu nhập không cao nên các doanh nghiệp vận tải không có nguồn lực đầu tư xe mới.

Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, thời kỳ “hoàng kim” của xe đưa rước học sinh là năm 2013. Lúc ấy, số lượng học sinh tham gia dịch vụ này tới 160.413 lượt, nhưng đến năm 2020, con số này giảm gần tám lần, xuống chỉ còn 21.625 lượt. 

Học sinh tự đến trường bằng các phương tiện cá nhân cũng là một trong những nhân tố tạo nên bức tranh kẹt xe giờ cao điểm ở các thành phố lớn. 

Thế nên, bài toán xe đưa rước học sinh hôm nay cần phải được đặt ra và giải quyết rốt ráo một lần nữa. Học sinh cần được toàn xã hội bảo vệ an toàn về tính mạng, về tinh thần. 

Không có gì quý hơn tính mạng con người. Vì thế, trong bối cảnh giao thông hiện nay, việc hạn chế tối đa tình trạng giao phương tiện cá nhân cho học sinh đến trường cũng là cách bảo vệ các em. Việc tổ chức đưa đón học sinh đến trường là cần thiết. Xe đưa rước cũng cần phải đảm bảo chất lượng, an toàn, phục vụ văn minh, để mỗi chuyến xe trở thành những kỷ niệm đẹp của thời áo trắng.

Nếu chúng ta xem việc học sinh đi xe máy đến trường là bình thường thì những vụ tai nạn thương tâm không biết đến khi nào mới chấm dứt. 

Phan Văn Tú (giảng viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI