Học sinh đi học bị nhiễm COVID-19 sẽ được điều trị ra sao?

11/02/2022 - 06:19

PNO - Phụ huynh lo lắng khi 20 triệu học sinh trở lại trường thì số trẻ nhiễm bệnh có thể tăng lên, đặc biệt với nhóm trẻ chưa được tiêm vắc xin. Chuyên gia cho rằng, cần phải có hướng dẫn điều trị COVID-19 riêng cho học sinh.

Những tình huống khi ca nhiễm gia tăng

Ngày 10/2, tất cả học sinh lớp 1 - 6 tại 18 huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội bắt đầu đến trường. Trước đó, từ ngày 8/2, hơn 600.000 học sinh khối 7 đến 12 toàn thành phố cũng đã bắt đầu học trực tiếp. Cùng với Hà Nội, hàng loạt tỉnh, thành khác cũng đã bắt đầu cho trẻ đi học trở lại sau thời gian dài học trực tuyến. Bên cạnh sự vui mừng, nhiều vấn đề được đặt ra, do nguy cơ gia tăng các ca nhiễm ở trẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, dù tỷ lệ trẻ em nhiễm SARS-CoV-2 diễn biến nặng và tử vong rất thấp, song không phải không có. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính từ lúc có dịch COVID-19 cho đến ngày 9/2, Việt Nam đã ghi nhận hơn 2,4 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2. 1,6% trong số này đã tử vong (tương đương hơn 38.600 ca). Vào giữa tháng 1/2021, tỷ lệ tử vong ở nhóm tuổi dưới 17 là 0,34% trong tổng số ca tử vong (tương đương khoảng 130 trẻ), trong đó tỷ lệ tử vong ở nhóm trẻ từ 0 - 2 tuổi là 0,19%, từ 3 - 12 tuổi là 0,06%, còn từ 13 - 17 tuổi là 0,09%.   

Học sinh tại 18 huyện, thị xã thuộc ngoại thành Hà Nội quay trở lại trường học vào ngày 10/2 (trong ảnh: Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh trước giờ vào lớp) - Ảnh: Bảo Khang
Học sinh tại 18 huyện, thị xã thuộc ngoại thành Hà Nội quay trở lại trường học vào ngày 10/2 (trong ảnh: Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh trước giờ vào lớp) - Ảnh: Bảo Khang

Bác sĩ Nguyễn Thành Lê, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết trong số 30 bệnh nhi mắc COVID-19 đang điều trị tại cơ sở này có bốn ca diễn biến nặng phải thở oxy. Trong đó, có hai trường hợp có bệnh nền (ung thư máu), hai ca còn lại 12 - 13 tuổi ở Hà Nội, tiền sử khỏe mạnh nhưng vào viện đã suy hô hấp. Trước đó, các trường hợp diễn biến nặng lên chủ yếu là các bé mắc bệnh lý nền nặng như thận mạn tính, ung thư, béo phì... “Cứ 100 bệnh nhi COVID-19 thì có khoảng hai trường hợp tiền sử bình thường nhưng vẫn suy hô hấp, phải thở oxy”, bác sĩ Nguyễn Thành Lê thông tin.

Vị trưởng khoa lý giải, trẻ suy hô hấp chủ yếu do bội nhiễm hơn là do COVID-19. Với những trường hợp này, việc điều trị như viêm phổi bình thường. 

Cần hướng dẫn điều trị riêng 

Chia sẻ với những lo lắng của phụ huynh, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho hay tỷ lệ bệnh nhi mắc COVID-19 chuyển nặng chiếm phần rất nhỏ, nhưng khi xảy ra tình huống số nhiễm lớn đột biến thì con số tuyệt đối sẽ trở thành lớn. Chưa kể, một vài hệ lụy có thể xảy ra như vòng lây nhiễm khi trẻ có diễn biến nhẹ mang bệnh về lây nhiễm cho người cao tuổi, người nguy cơ cao, bệnh nền, phụ nữ mang thai… chưa tiêm vắc xin. 

Cũng liên quan tới vấn đề này, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, đã đề xuất Bộ Y tế có hướng dẫn điều trị riêng cho trẻ mắc COVID-19 theo hai tầng, thay vì tháp ba tầng như hiện nay đang áp dụng.

Cụ thể, bệnh nhi sẽ tự theo dõi, chăm sóc tại nhà và nhập viện điều trị khi có diễn biến nặng lên. Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế cho hay bộ này đang nhanh chóng cập nhật phác đồ điều trị học sinh nhiễm COVID-19 cho cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương, nhất là không được để xảy ra tình huống số ca nhiễm là học sinh tăng đột biến gây quá tải.  Theo bác sĩ Cấp, điều cần thiết là phải soạn thảo bộ hướng dẫn gọn nhất để các tuyến áp dụng, thay vì chuyên sâu như hiện nay gây khó khăn cho các bác sĩ tuyến một và hai. 

“Có hai nhiệm vụ quan trọng để hạn chế khả năng tăng nặng bệnh ở trẻ. Thứ nhất, đảm bảo trẻ diễn biến nhẹ phải được chăm sóc đầy đủ ở tầng thấp, phát hiện sớm diễn biến nặng, lực lượng y tế cơ sở phải đảm nhiệm được. Điều này sẽ giúp giải quyết tình huống gia đình khi có trẻ thành F0 rất dễ lo lắng, lúng túng và nhu cầu đi bệnh viện trong khi điều đó không cần thiết với trẻ mắc nhẹ. Thứ hai, nâng cao năng lực điều trị ca nặng vì thực tế số bệnh nhi diễn biến nặng ít nhưng số cơ sở hồi sức nhi nhỏ tuổi cũng rất ít”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói. 

Ngoài ra, các chuyên gia y khoa lưu ý, ngoài béo phì, nguy cơ chuyển nặng sẽ gia tăng với trẻ em mắc bệnh lý nền như tim mạch, đái tháo đường, ung thư…. Lãnh đạo Bộ Y tế đặt ra vấn đề tăng cường bảo vệ bệnh viện nhi, khoa nhi, đặc biệt là nhóm sơ sinh dù điều này không mới, bởi khi COVID-19 tấn công mạnh vào đây sẽ không khác nhóm bệnh nhân chạy thận nhân tạo, ung thư hay hồi sức cấp cứu… Hiện có rất ít cơ sở chăm sóc tốt cho nhóm sơ sinh đặc biệt là trẻ sơ sinh nặng. Điều này sẽ dồn áp lực lên các cơ sở chính như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bạch Mai hay Khoa Nhi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. 

Tại cuộc họp mới đây bàn về công tác chuẩn bị điều trị trong tình huống học sinh mắc COVID-19 khi trở lại trường, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, phải chú trọng đến sức khỏe nhân dân, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe của trẻ em: "Trẻ em thuộc nhóm thể chất chưa phát triển toàn diện, trẻ em dưới năm tuổi, trẻ sơ sinh đều chưa được tiêm vắc xin và nhóm đối tượng này chưa biết diễn đạt về triệu chứng bệnh, do đó, đòi hỏi kỹ năng chăm sóc khó hơn". 

Phó thủ tướng đề nghị các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục - Đào tạo để đảm bảo an toàn trường học, nhất là tập huấn kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong trường học, nhằm vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa không ảnh hưởng hoạt động sinh hoạt trong cộng đồng và hoạt động học tập trong nhà trường.

Huyền Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI