Học sinh đeo tấm chắn giọt bắn: “Lên đồng” phản đối hay nên xấu hổ?

05/05/2020 - 16:22

PNO - Sáng 4/5, phần lớn học sinh ở các tỉnh thành đã đi học trở lại. Sau kỳ nghỉ kéo dài, giữa mùa dịch COVID-19, chuyện nhập học của các em cùng hàng loạt phương án phòng chống dịch bệnh của trường học đã thu hút sự quan tâm, theo dõi.

Trước đó, chuẩn bị cho ngày nhập học là hình ảnh từng chiếc bàn, ghế, hành lang lớp học được thầy cô lau dọn, vệ sinh, khử khuẩn.

Ngày đầu đến trường, các em được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, đứng đúng vị trí được kẻ sẵn để đảm bảo giãn cách tối thiểu. Lớp học chia đôi, mỗi em một bàn. Tiết học đầu dành cho nội dung phổ biến các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Rất nhiều trường còn cẩn thận, căng dây, chia làn đón học sinh, giáo viên không ngừng nhắc các em ý thức khoảng giãn cách, đo thân nhiệt lại trong giờ giải lao...

Học sinh Trường Tiểu học Núi Thành đeo tấm chắn giọt bắn trong lớp học - Ảnh: Vietnamnet
Học sinh Trường Tiểu học Núi Thành đeo tấm chắn giọt bắn trong lớp học - Ảnh: Vietnamnet

Nhìn cách mà nhà trường chu đáo trang bị cho các em từ “phương tiện” lẫn kiến thức phòng chống dịch bệnh, ít nhiều khiến phụ huynh an tâm. Dẫu vậy, sự an toàn, an tâm kia dường như vẫn còn chưa đủ với những phụ huynh luôn yêu thương con hết mực.

Trên facebook, một phụ huynh chia sẻ nỗi bất an canh cánh. “Chưa bao giờ con đi học mà mình đầy lo lắng” - vị phụ huynh viết, đồng thời đăng kèm dăm tấm ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện với con. Nội dung là đoán chừng dăm phút giữa mỗi tiết con học, chị căn dặn: “Rửa tay đi, chai nước rửa tay khô mẹ bỏ trong cặp ấy. Nhớ không được tháo khẩu trang nghe chưa?”. Cô con gái đang học lớp 9 phản hồi: “Mẹ an tâm, bọn con được thầy cô “chăm sóc” kỹ lắm!”. Vẫn chưa vừa lòng, vị phụ huynh nhắn lại: “Chai sát khuẩn con nhớ xịt quanh chỗ ngồi sau giờ ra chơi nhé”…

Rất dễ hiểu cho nỗi bất an của phụ huynh. Thì, liệu có khó hiểu không cho sự thận trọng của một số trường học khi không chỉ yêu cầu học sinh đeo khẩu trang mà còn đeo cả tấm chắn giọt bắn. Vậy mà đâu đó, hình ảnh các em đeo tấm chắn giọt bắn lại khiến một số phụ huynh, dư luận chê bai, tranh cãi, cho là nhà trường là “diễn trò”.

Thưa các bậc phụ huynh! So với công cuộc phòng chống COVID-19 của nước ta trong ban hành các chỉ thị, cặn kẽ với lộ trình, phương án phòng chống để hôm nay, chúng ta tự hào là đất nước kiểm soát tốt dịch bệnh; việc các em đeo một tấm chắn giọt bắn là một sự thận trọng từ phía nhà trường, vì sự an toàn cho con em của các vị.

Dịch bệnh vẫn đang từng ngày đe dọa sinh tồn của nhân loại. Trong ứng phó, mọi phát kiến, sáng tạo, trước tiên nên đáng được ghi nhận, thay cho sự phỉ báng, chê bai. Còn những sáng tạo, phát kiến - tự phát và chủ động như một gợi ý ấy - có hay không phù hợp thực tiễn - mà dư luận chỉ ra là ảnh hưởng thị giác, cản trở tầm nhìn, vướng víu ngột ngạt, khó thở… hơn bao giờ hết, cần sự vào cuộc thẩm định, đánh giá của giới chuyên môn.

Bởi, có lẽ cần thiết phải nhắc lại, dịch bệnh COVID-19 chưa qua. Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh không có nghĩa sẽ bất khả xuất hiện một nguy cơ nào đó. Huống hồ, thế giới vẫn đang “điên đầu” chế tạo vắc-xin trong sự "oanh tạc" của chủng virus mới này. Rồi, những câu chuyện như thời gian ủ bệnh không còn định đoạt trong giới hạn trong 14 ngày, nhiều triệu chứng mới khi nhiễm bệnh xuất hiện, các ca nhiễm đã chữa khỏi tiếp tục tái dương tính… Tất cả đưa đến sự bất an khôn cùng mà ở đó, chúng ta chưa hiểu hết sự phức tạp của chủng virus mới và mỗi bước đi để đánh bại dịch bệnh vẫn từng ngày diễn ra trong sự mày mò, tìm kiếm…

Có một thực tế rằng, bao nỗ lực của Nhà nước mà việc ban hành Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus corona đến từng lĩnh vực, đơn vị trường học hòng đảm bảo cho an toàn các em; hay ngay cả việc đeo một tấm chắn giọt bắn nếu được đến từ lời khuyên “rất nên” của giới chuyên môn thì cũng nên được cân nhắc, đánh giá điềm tĩnh hơn là sự bỉ bai tức thời.

Bên cạnh những chê bai đó, xin được hỏi về trách nhiệm của chính các vị - những người lớn - trong hành vi thường nhật của mình.

Con số gần 80.000 lượt khách đến Đà Lạt trong bốn ngày nghỉ lễ vừa qua là một minh chứng. Tờ báo nọ đã đăng tải hàng loạt tấm ảnh các anh chị đưa con em mình “rồng rắn”, chen chúc đổ về thành phố này từ khắp các tỉnh thành. Tại các điểm tham quan của phố núi, anh chị mặc nhiên tháo khẩu trang, chụp ảnh check-in. Hoặc ở Vũng Tàu, dù cấm xuống các bãi tắm; nhưng dòng người vẫn lũ lượt kéo về để chen nhau… ngắm biển. Có nhiều gia đình gồm người lớn, trẻ con mặc đồ bơi, không khẩu trang nắm tay lội xuống biển, lập tức bị chặn lại, đuổi lên. Nhiều và rất nhiều điểm du lịch khác cũng trong tình trạng ứ đầy như vậy. Anh chị có đang cùng con phòng chống dịch?

Không đâu xa, sự chủ quan, lơ là với dịch bệnh cũng đang từng khắc diễn ra qua những hình ảnh mà chỉ cần đưa mắt, anh chị đã có thể chứng kiến quanh mình: quán cà phê đông nghẹt, quán nhậu ken kín, từng tốp người tụ tập, nói cười không khẩu trang... Việc đeo khẩu trang, sát khuẩn đã không còn là ý thức, dù, nó là trách nhiệm khi dịch bệnh chưa qua.

Thành thử, thay vì “âu lo” với tấm chắn giọt bắn, nên chăng chúng ta cần nhìn lại, xấu hổ mà tự nhận, rằng: Chúng tôi đã lơ là, chủ quan trước sức khỏe bản thân, con cái, cộng đồng nên mọi sự cẩn tắc - vốn đều không nằm ngoài sự chu đáo, ý chí và trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh của người khác, cụ thể là chính quyền, nhà trường - lại khiến chúng tôi “lo âu” đến mức phản ứng thái quá.

Tuyết Dân

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • 05-05-2020 18:46:11

    Nghĩ mà thương các thầy cô giáo thời nay. Học sinh lớp một một lớp 40 bé, cô giáo "dạy" .... các phụ huynh suốt. Người thì cho con ăn vào tận lớp, người thì dặn cô giáo đủ các kiểu. Người thì say rượu bay vào trường quậy. Nghĩ mà stress.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI