Đánh nhau chỉ vì mâu thuẫn nhỏ
Mới đây, một đoạn clip dài hơn một phút ghi lại cảnh hai nữ sinh lớp Bảy Trường THCS Trường Thạnh (Q.9, TP.HCM) đánh nhau chỉ sau vài mâu thuẫn nhỏ ở trường. Hai em hết nắm tóc thì liên tục tát vào mặt nhau. Riêng nữ sinh Tr.L., học lớp 7/3, vừa đánh vừa chửi bạn bằng những lời thô tục.
Xung quanh nhiều học sinh (HS) cùng trường đứng xem và bàn luận “cái tát hồi chiều mới đau hơn”, khi Tr.L. vung tay tát vào mặt bạn. Các em còn hả hê cười đùa, chửi thề, cân chỉnh góc quay sao cho thấy rõ mặt “người tham chiến”. Trong khi đó, chuyện nên làm là báo người lớn thì không ai làm, chỉ lo quay clip để chuyền nhau xem.
|
Hai nữ sinh Trường THCS Trường Thạnh (Q.9, TP.HCM) liên tục túm tóc, tát vào mặt nhau - Ảnh cắt từ clip |
Sau khi tìm hiểu, ông Phạm Ngọc Lưu, Hiệu trưởng Trường THCS Trường Thạnh, cho biết: hai nữ sinh trên chỉ có mâu thuẫn nhỏ, xuất phát từ việc nói xấu qua lại, thế mà hẹn nhau ra bãi đất trống ở gần trường nói chuyện và dẫn đến đánh nhau. Đi cùng còn có một số HS khác. Trước và sau khi đánh nhau, các em giấu cả cha mẹ, gia đình và thầy cô.
“Qua vụ việc này, tôi thấy rất đáng tiếc và cần phải rút kinh nghiệm trong quản lý dù HS đánh nhau ngoài phạm vi trường. Ban giám hiệu đã sinh hoạt với giáo viên toàn trường phải nắm rõ tình hình diễn biến tâm lý của HS, kịp thời báo cáo các mâu thuẫn xảy ra, dù là mâu thuẫn nhỏ. Bởi mâu thuẫn nhỏ mà không phát hiện sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Trong đó, kênh phân công cho HS ở các lớp như một vệ tinh để nắm bắt kịp thời các mâu thuẫn, hạn chế tối đa đánh nhau”, ông Lưu nói.
Theo vị hiệu trưởng này, trước đó, trong buổi chào cờ đầu tuần, trường có nói chuyện chuyên đề về tình bạn, phòng, chống bạo lực học đường, tình cảm gia đình... Nhưng giới trẻ ngày nay rất dễ bộc phát, thể hiện nhanh chóng. Chỉ cần lời qua tiếng lại, thấy không vừa mắt… là có thể đánh nhau. Thứ Hai tới, trường sẽ sinh hoạt dưới cờ để nhắc nhở HS cách giải quyết mâu thuẫn trong các mối quan hệ, kiềm chế cảm xúc...
Quả thật, hàng loạt vụ HS đánh nhau đã xảy ra, thậm chí đánh đến bị thương cũng chỉ xuất phát từ những cái liếc mắt, hay chỉ cần nhìn "cái mặt không ưa được"… Hậu quả là có em đã bị buộc thôi học, dở dang con đường học vấn.
Phải răn đe hay chỉ giáo dục?
Sau những trận đánh nhau, đâu chỉ có tình bạn sứt mẻ, mà bắt buộc phải có xử lý kỷ luật HS. Nói về việc phải xử lý hai nữ sinh đánh nhau, ông Phạm Ngọc Lưu cho biết: “Hiện tại vẫn chưa áp dụng quy định mới nên việc đánh giá HS vẫn áp dụng theo Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kỷ luật và khen thưởng HS trường phổ thông. Theo quy định này, khi HS đánh nhau, mức kỷ luật cao nhất là buộc thôi học một năm”.
Theo ông Lưu, điều quan trọng hơn là giáo dục HS, không phải xử phạt thế nào. Trường sẽ họp để có hình thức kỷ luật HS đủ sức răn đe, đồng thời cố gắng uốn nắn, dạy dỗ các em trở thành người tốt, điềm đạm, biết cách vượt qua các mâu thuẫn. Hướng của trường là thuyết phục phụ huynh cùng tìm cách giáo dục HS hơn là buộc thôi học.
Cũng có ý kiến cho rằng, các nữ sinh này không phải mới đánh nhau hay đánh bạn lần đầu. Chẳng qua, đây là lần đầu bị phát hiện do quay clip. Nếu chỉ nhắc nhở thì dễ tái phạm. Vì vậy, cần phải có hình thức kỷ luật tương xứng để răn đe các em và những HS khác.
Theo các nhà sư phạm, HS phạm lỗi thường không nhận thức hết vấn đề nên nếu buộc thôi học sẽ mất cơ hội sửa chữa. Quy định về việc đuổi học chỉ sử dụng trong những trường hợp thực sự cá biệt. Ngược lại, cần sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh để có những giải pháp giáo dục, hình thức xử lý nhân văn, tạo cơ hội để các em sửa chữa những sai lầm nhất thời gây ra.
Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho rằng: HS phổ thông ở mỗi bậc học có đặc điểm riêng về thể chất, tâm lý. Mỗi HS có hoàn cảnh gia đình khác nhau. Vì vậy, ở mỗi giai đoạn, giáo dục HS không chỉ bằng kỷ luật mà còn bằng cả trái tim và tri thức của người thầy. Chức năng cao nhất của giáo dục là dạy dỗ, không phải răn đe.
Mỗi nền giáo dục đều có những cách để rèn luyện HS, có thể dùng kỷ luật nhưng trên tất cả là tình yêu thương. Tại Thái Lan, HS sai phạm được nhắc nhở, nặng hơn là làm các việc công ích nhẹ nhàng như quét dọn một buổi trên hành lang hay sân trường…
Ở Singapore, những HS có nguy cơ hư hỏng, giáo viên khi phát hiện phải có kế hoạch phối hợp với gia đình tìm cách giúp đỡ các em. Nếu HS không có tiến bộ, giáo viên phải báo cáo cho hiệu trưởng để báo về Bộ Giáo dục. Nơi đây có một trung tâm giúp HS có nguy cơ hư hỏng. Chuyên viên của trung tâm sẽ đến trường cùng học với HS. Sau đó, tùy mức độ, hành vi sai phạm, sẽ bàn bạc với gia đình cho các em về trung tâm tiếp tục việc học và thực hiện các phương pháp giúp HS trở lại bình thường. Không gian hoạt động giáo dục thân thiện và sôi nổi, không sử dụng các hình phạt răn dạy khiến học trò sợ hãi.
Tại Thụy Điển, khi giáo viên báo có HS hư, không còn dùng được biện pháp nào, hiệu trưởng sẽ mời HS đó cùng nói chuyện. Đó là căn phòng được trang trí đẹp nhất trường, mang tính giáo dục. Hiệu trưởng sẽ nói chuyện với HS theo phương pháp tâm lý sư phạm như hỏi thăm, trao đổi những chuyện chẳng liên quan đến sai phạm của HS ở lớp... Hiệu trưởng từng bước dẫn dắt HS vào nhiệm vụ học tập của mình. Phương pháp này không phải lúc nào cũng thành công nhưng phải kiên trì lắng nghe, chịu khó và nhẫn nại.
Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp
|
Tiêu Hà