Học sinh đánh bạn tử vong: Trẻ hành xử bạo lực, do đâu?

14/07/2022 - 16:23

PNO - Khi người lớn đang hành xử với nhau bằng bạo lực thì trẻ cũng dễ bắt chước. Trẻ coi nắm đấm là thể hiện sức mạnh.

 

Khoảng 20g ngày 11/7, tại sân Nhà văn hóa thôn Đồng Hội (xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương), nam sinh Đ.V.H. đang hướng dẫn cho thiếu nhi sinh hoạt hè thì bị một nhóm thiếu niên tấn công, đấm đá vào người. Sau đó, nhóm thiếu niên trên rời khỏi hiện trường.

Em H. ngã xuống bất tỉnh, được người dân đưa vào nhà văn hóa và báo y tế xã Hồng Phong đến cấp cứu nhưng H. đã tử vong. 

Nguyên nhân của vụ việc được xác định do mâu thuẫn tình cảm.  Khoảng 2 ngày trước đó, P.Q.C. (sinh năm 2005 ở thôn Đông Cao, xã Đông Xuyên, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương (học sinh trường THPT Khúc Thừa Dụ) cho rằng H. tán tỉnh người yêu của mình nên đã rủ thêm 3 nam sinh khác đi tìm H. để đánh.

Trước đó, tại trường THCS Châu Giang (phường Châu Giang, thị xã Duy Tiên, Hà Nam), em N. V.V. (SN 2006, ở thôn Du My, phường Châu Giang) và N.T.Đ cùng học lớp 9 xảy ra xô xát. Đ. đấm vào vùng đầu và bụng của V. khiến nam sinh này bị ngất. Dù đã nhanh chóng được đưa đi cấp cứu nhưng em V. tử vong ngay sau đó.

Đầu năm 2022, em P.V.H. học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Du (Phú Riềng, Bình Phước) cũng bị  một nhóm nam sinh 16 tuổi chặn lại dùng nón bảo hiểm đánh hội đồng. Một em rút dao đâm H. khiến nạn nhân gục tại chỗ.  Dù được thầy cô và bạn bè đưa đi cấp cứu nhưng nam sinh đã tử vong.

Những vụ việc trên gây bức xúc trong dư luận. Thật khó tin khi còn ở tuổi học sinh, các em đã có hành vi côn đồ hung hãn đến mức tước đoạt mạng sống của người khác.

A
Người lớn cũng thường ứng xử với nhau bằng bạo lực, trẻ dễ học theo (ảnh minh họa)

PGS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) cho rằng đây là tiếng chuông cảnh báo cho tình trang bạo lực của học sinh. 

PGS Bình phân tích, tâm lý ở tuổi mới lớn trẻ thường có suy nghĩ thích thể hiện sức mạnh của mình. Trẻ thấy trên ti vi, phim ảnh hoặc mạng xã hội những người lớn thể hiện sức mạnh hơn thua bằng đánh nhau, học sinh có xu hướng bắt chước. Trẻ chưa từng trải, chưa có suy nghĩ nên không thể lường trước được hành vi của mình.

PGS Bình cho rằng hiện tại chúng ta đang sống trong thời kỳ chuyển đổi xã hội, đầy rẫy các thách thức. Người lớn cũng bị dồn nén dưới rất nhiều áp lực, học sinh cũng tương tự. Khi xảy ra mâu thuẫn, người ta thích giải quyết bằng bạo lực. Ai có mạnh thì giành chiến thắng. Người lớn ngày càng trở nên hung hãn với nhau hơn, thích hành xử theo “luật rừng” nên khó tránh việc trẻ bị ảnh hưởng.

Để trẻ không suy nghĩ và xử lý mọi chuyện bạo lực, PGS Bình cho rằng ngay trong nhà, các bậc cha mẹ không nên la rầy con cái. Nhiều phụ huynh bận rộn mưu sinh thời gian dành cho con quá ít. Nhiều người chỉ cho con tiền và nghĩ rằng nhiêu đó là đủ, thả nổi con. Hoặc có cha mẹ quan tâm nhưng hướng dẫn con một cách chung chung. Thậm chí, có gia đình thì can thiệp một cách thô bạo vào đời sống riêng tư của con cái, nghĩ giúp, quyết định giúp thậm chí làm giúp cho con cái. 

Các bậc cha mẹ cần gần gũi con cái bằng bất cứ hình thức nào. Cha mẹ cần chia sẻ, động viên không nên để con "lọt" ra khỏi mối quan tâm của mình.

Vai trò của nhà trường, giáo viên cũng rất quan trọng. PGS Bình cho biết ông từng chứng kiến một nhóm học sinh học giỏi, ưu tú nhưng các em ganh đua nhau rồi dẫn tới xung đột, thậm chí bạo lực. Thầy cô của các em không hề hay, chỉ tới khi bạo lực xảy ra, nhà trường, thầy cô mới vỡ lẽ.

PGS Bình cho rằng thầy cô không nên chỉ làm tròn trách nhiệm "dạy chữ" mà cần nắm được tâm tư, suy nghĩ, biết được sinh hoạt của các nhóm trong một lớp. Thầy cô phải là "người trong nhóm" của học sinh mới biết được các mâu thuẫn tiềm ẩn để ngăn chặn từ sớm.

Thực tế, trẻ thời nay tiếp cận với nhiều luồng văn hóa từ sách báo, Internet, phim ảnh. Trẻ có thiên hướng yêu sớm, thể hiện tình cảm sớm hơn thế hệ của cha mẹ, thầy cô. Vì vậy, cha mẹ, thầy cô không nên nghĩ các con còn nhỏ, mà cần chia sẻ, dạy con về giới tính và tình yêu. Cha mẹ cần biết về bạn bè của con để nắn chỉnh con kịp thời.

An Nhiên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI