“Ná thở” ôn thi THPT quốc gia
Tại trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) thầy và trò các lớp 12 đang tập trung tăng tốc với chín môn thi. Tất cả các buổi sáng và chiều thứ Hai, Tư, Sáu, thầy trò dồn sức cho ba môn cơ bản có tính điểm xét tốt nghiệp (toán, văn, tiếng anh) và ba môn tự chọn (hóa, lý, sinh hoặc sử, địa, giáo dục công dân).
Chưa hết, chiều thứ Ba, Năm, Bảy và sáng chủ nhật, thầy trò trường này lại gặp nhau ở các lớp luyện thi đại học (ĐH) miễn phí. Mỗi buổi học kéo dài khoảng bốn tiết, học sinh (HS) được lựa chọn thầy cô cho từng môn học. Thầy cô có trách nhiệm theo sát từng em để kèm cặp, điều chỉnh bài học cho phù hợp. Những HS trung bình còn có thêm giờ phụ đạo để đảm bảo đạt mục tiêu vào ĐH.
Lịch ôn tập dày đặc như thế nhưng nhiều HS lớp 12 của trường THPT Nguyễn Du vẫn ra sức “cày” thêm ở các trung tâm luyện thi bên ngoài. Xác định thi vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM, HS tên Hòa cho biết, việc ôn thi tại trường không đủ để cạnh tranh với những HS giỏi khắp cả nước. Vì vậy, em phải tìm đến các khóa luyện thi buổi tối tại trung tâm luyện thi.
Trường THPT Nhân Việt (Q.Tân Phú) vẫn theo lối ôn nước rút như các năm trước. Bí quyết “học thật nhiều, ôn có hệ thống” đã giúp tỷ lệ HS đậu ĐH của trường rất cao. Mỗi ngày, HS nội trú phải học bài, giải đề… đến 22g30, còn HS ngoại trú thì “dễ thở” hơn khi chỉ cần học đến 21g30 sẽ được “thả”. Tuy nhiên, nếu chưa làm hết bài tập được giao trong ngày thì vẫn phải học thêm tại nhà để sáng hôm sau thầy cô kiểm tra lại.
Chiến thuật của thầy cô trường THCS-THPT Hồng Hà (Q.Gò Vấp) là tập trung ôn tập trong chương trình lớp 11 và 12, vừa ôn kiến thức vừa giúp HS làm quen với cách thức làm bài thi, đảm bảo đáp ứng cả yêu cầu cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có phần nâng cao để xét tuyển ĐH. Học sinh được chia lớp ôn luyện theo khối thi và lực học.
Thầy Nguyễn Quốc Cường - Phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết: sau thi học kỳ II, HS ôn lại kiến thức học kỳ I trong bốn tuần. Trong ba ngày 14 đến 16/5, toàn bộ HS lớp 12 sẽ thi thử lần 1. Sau đó lại tiếp tục ôn và củng cố kiến thức, cấu trúc đề trong ba tuần tiếp theo. Lại thi thử lần hai và sau đó có tiếp bốn tuần rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho kỳ thi chính thức.
Theo thầy Cường, sau mỗi lần thi thử, cả thầy và trò sẽ điều chỉnh phương pháp để khắc phục khuyết điểm, điều chỉnh kỹ năng làm bài. Qua đợt thi thử thứ hai, giáo viên phải chắc chắn củng cố được những sai sót còn lại của HS và chuẩn bị tâm lý cho các em bước vào kỳ thi chính thức. Giáo viên chủ nhiệm phải bám lớp, dự giờ nắm chương trình, nắm yêu cầu của giáo viên bộ môn đối với từng HS để có biện pháp tổ chức giúp các em ôn tập, dò bài, cấm túc (nếu cần).
"Đua" vào lớp Mười còn cam go hơn ĐH
Với sức nóng của kỳ tuyển sinh vào lớp Mười công lập năm nay, thời gian này đang là thời điểm vàng để… “gạo” bài, giải đề. Ngay sau thi học kỳ II, lịch học của T.Khoa, HS lớp Chín Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), lập tức chuyển sang tăng cường ba môn học thi là văn, toán và tiếng Anh. Từ thứ Hai đến thứ Sáu, mỗi buổi sáng Khoa học hết năm tiết cho ba môn này. Chiều thứ Hai, Tư, Sáu, Khoa học thêm chương trình tiếng Anh tích hợp.
“Có ngày chỉ trong một buổi phải ôn liền ba tiết văn, rất ngán. Ở trường, vùi đầu vào học ba môn thi, nhưng về nhà, buổi tối còn phải giải thêm nhiều đề thi mà mẹ em đã cất công sưu tầm”, Khoa than thở.
Trần Thanh An - HS lớp Chín tại Q.Tân Bình - cho biết, sau giờ học ở trường em đều đặn có mặt tại trung tâm luyện thi Nguyễn Thượng Hiền. Ngoài ba môn toán, văn, tiếng Anh, An học tăng cường thêm môn hóa vì chọn thi lớp Mười chuyên hóa theo hoạch định của gia đình.
Những năm gần đây, cuộc cạnh tranh vào lớp Mười công lập tại TP.HCM ngày càng quyết liệt, nên “công cuộc” luyện thi vào lớp Mười cam go hơn cả luyện thi ĐH.
Nhồi nhét kiến thức cao siêu để làm gì?
Tôi vẫn nhiều lần tự hỏi: chúng ta và con chúng ta đã và đang phải học bao kiến thức cao siêu để làm gì. Rồi tự trả lời: không để làm gì cả.
Để kiểm tra nhận định của mình, tôi thử hỏi biết bao người và số ý kiến đồng tình với tôi rất cao. Trên thực tế, chẳng mấy ai còn nhớ những hằng đẳng thức, gia tốc, đạo hàm, lượng giác, tích phân, quỹ tích… Nếu có nhớ thì cũng không biết ứng dụng vào đâu, hay nó được ứng dụng vào chỗ nào. Nói vậy để thấy, chúng ta đã sử dụng thời gian và sức khỏe của tuổi trẻ không hiệu quả.
Những gì cần thiết cho cuộc sống này thì rất nhiều và càng ngày càng nhiều, nên phải chọn lọc và giới hạn những gì cần để dạy cho HS. Một công trình xây dựng, ngoài những người thợ thì còn có cán bộ kỹ thuật, các kỹ sư và thậm chí có cả tổng công trình sư. Một công nhân lành nghề hay một cán bộ kỹ thuật không nhất thiết phải biết những điều các kỹ sư hay tổng công trình sư phải biết.
Nói vậy để thấy rằng, tình trạng HS phải học ngày học đêm như hiện nay, liệu có đáng không? Nhiều người đổ lỗi do phụ huynh, luôn muốn con đạt điểm 9, điểm 10. Điều đó chỉ đúng một phần. Như đã nói, chương trình mà HS đang phải học là quá khó và quá ôm đồm; khiến thầy cô không có thời gian để dạy kỹ cũng như liên hệ với thực tiễn giúp HS ghi nhớ sâu bài học.
Tôi cho rằng, ngành giáo dục phải mạnh tay cắt bỏ nhiều kiến thức thừa, kiến thức quá khó nhưng không phục vụ thiết thực đời sống, thậm chí vô bổ. Muốn vậy, khâu thiết kế nội dung chương trình nhất thiết phải thực hiện khảo sát đối với phụ huynh là những cựu HS để biết được cái gì cần và không cần. Có như vậy mới mong nội dung chương trình phổ thông được nhẹ nhàng, thiết thực, tránh cho HS phải học hành cực khổ nhưng vô bổ.
Phương Dung
|
Tiêu Hà