Học sinh còn chọn nghề theo kiểu “tới đâu hay tới đó”

24/12/2021 - 11:37

PNO - Có 15% học sinh THPT còn lựa chọn ngành nghề theo kiểu “tính sau”, “tới đâu hay tới đó”, không quan tâm tới tương lai, không có sở thích. 56% học sinh không có sở thích cố định, thích quá nhiều thứ hoặc không biết mình thích gì.

 

Nhà trường chưa quan tâm đúng mức giúp học sinh nhận thức rõ về bản thân

Ông Ngô Thành Nam, thành viên Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam, cho biết thêm: có 29% học sinh dù đã có sở thích về ngành, trường nhưng chưa tìm hiểu kỹ hoặc còn lựa chọn theo cảm tính ngành hot, lương cao, dễ xin việc trường đại học top trên. 

“Các trường phổ thông mới chỉ tập trung giúp học sinh nhận thức về nghề nghiệp, chưa quan tâm đúng mức đến việc giúp các em nhận thức rõ về bản thân - tiền đề quan trọng trước khi lựa chọn nghề nghiệp phù hợp”, ông Ngô Thành Nam nhận định

Nhà trường chưa quan tâm đúng mức giúp học sinh nhận thức rõ về bản thân
Nhà trường chưa quan tâm đúng mức giúp học sinh nhận thức rõ về bản thân

Chuyên gia này phân tích, để giúp người học xây dựng lộ trình định hướng nghề nghiệp phù hợp, trước hết nhà trường cần giúp học sinh nhận thức được bản thân, nghề nghiệp và hoạch định kế hoạch nghề nghiệp thông qua việc giúp các em trả lời những câu hỏi như: tôi là ai, tôi đang ở đâu, tôi muốn trở thành người như thế nào, tôi sẽ chọn ngành gì, tôi sẽ làm việc gì, ngoài ra, các thông tin về kinh tế, xã hội trong và ngoài nước ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp của tôi như thế nào...

Chia sẻ thêm về phương pháp hướng nghiệp cho học sinh trong trường THPT, chuyên gia giáo dục Nguyễn Thị Thu Hà nhìn nhận, thực tế, học sinh mới chỉ đánh giá năng lực và sở trường của bản thân chủ yếu qua khía cạnh các môn học. Trong khi thực tiễn công việc lại đòi hỏi thêm nhiều kỹ năng giải quyết vấn đề trước các tình huống cụ thể.

Phải thay đổi cách hướng nghiệp trong dịch bệnh

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhận định, với giai đoạn hiện nay, bản thân giáo viên phải thay đổi cách tiếp cận và tổ chức các hoạt động hướng nghiệp nhằm trang bị toàn diện kiến thức, kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh, tránh việc lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức của người học nếu chọn lựa nghề nghiệp không phù hợp.

dịch bệnh đã gây cản trở, khó khăn cho các hoạt động hướng nghiệp nhưng lại là tiền đề phát huy tính chủ động, trách nhiệm của người học và cơ sở giáo dục.
Dịch bệnh gây cản trở, khó khăn cho các hoạt động hướng nghiệp nhưng lại là tiền đề phát huy tính chủ động, trách nhiệm của người học và cơ sở giáo dục

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM đánh giá, trong dịch, học sinh lo sợ kiến thức, kỹ năng được tiếp cận không bằng những năm học trước, thị trường lao động thay đổi khó lường sau dịch bệnh nên không biết lựa chọn nghề nghiệp nào phù hợp...  

“Khi chuyển sang hình thức trực tuyến, hoạt động hướng nghiệp học sinh đã đặt câu hỏi thực tế hơn, đi sâu vào những trải nghiệm thực tế nghề nghiệp. Đặc biệt, công tác tư vấn hướng nghiệp của các đơn vị trường ĐH cũng linh hoạt và đa dạng, đáp ứng nhiều hơn đòi hỏi của người học”, ông Trần Anh Tuấn đánh giá.

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP nhận định, đây là lúc các giáo viên đang gặp thử thách nghề nghiệp. Ông cho rằng, hướng nghiệp cho học sinh ở thời điểm hiện tại đòi hỏi người dạy phải có kỹ năng và tâm huyết nhiều hơn. “Đây vừa là thử thách song cũng là cơ hội để qua đó giáo viên biết cách chuẩn bị kỹ năng, tâm lý cho học sinh vượt qua khủng hoảng trong lựa chọn nghề nghiệp”, ông nói.

Én Bông

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI