Học sinh có thoát học thêm, mang cặp nặng?

22/07/2020 - 07:24

PNO - Là thắc mắc của nhiều đại biểu tại buổi giám sát thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và khảo sát tình hình triển khai thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn TP.HCM của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.

Chương trình mới tác động gì đến học sinh?

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho rằng báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mới như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị nhưng lại vắng bóng nội dung quan trọng là học sinh. Sở đánh giá khi triển khai hai nghị quyết trên, người học tiếp nhận và thụ hưởng chính sách đổi mới như thế nào? Đặc biệt là có giảm tình trạng học sinh đi học ở trường rồi mà vẫn phải đi học thêm, mang cặp sách nặng như trước nay...

Đại biểu Phan Thị  Bình Thuận: Con tôi  học hai buổi/ngày  vẫn phải đi học thêm Ảnh: Lê Nhật
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận: Con tôi học hai buổi/ngày vẫn phải đi học thêm - Ảnh: Lê Nhật

Lấy ngay chính trường hợp của con mình làm dẫn chứng, bà Thuận kể: “Con học cả ngày ở trường. Sau giờ học, phải đi học thêm. Sau đó về nhà ăn uống qua loa rồi lại tiếp tục ngồi vào bàn học, làm bài đến 12g khuya. Học miệt mài nhưng khi lên lớp vẫn có nhiều bài chưa làm được, nhiều kiến thức chưa nắm…”. 

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: ngành giáo dục luôn chỉ đạo giáo viên không được tổ chức dạy thêm, học thêm đối với trường công lập nhưng được quyền tham gia hoạt động dạy thêm có đăng ký. Phụ huynh nếu có nhu cầu cho con em mình học thêm thì đưa đi học, còn không có nhu cầu thì đừng. Ngành kiên quyết với tình trạng dạy thêm học thêm không đúng quy định nhưng có nhu cầu nên nếu có cơ sở nào đáp ứng đầy đủ quy định thì phụ huynh cứ lựa chọn.

“Mong mỏi hơn hết là học sinh sẽ trưởng thành nếu biết tự học tốt, đừng dựa dẫm vào kiến thức của thầy cô. Thầy cô đổi mới phương pháp dạy học để học sinh tự học, tự nghiên cứu để có thể chiếm lĩnh kiến thức. Chỗ nào chưa tốt sẽ tiếp tục điều chỉnh”, ông Tân nói.

Khó khăn khi học hai buổi/ngày

Khó khăn về cơ sở vật chất để đảm bảo 100% học sinh được học hai buổi/ngày luôn là thách thức với TP.HCM. Toàn thành phố có 70% học sinh tiểu học được học hai buổi/ngày nhưng tại một số quận, huyện như 12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh… tỷ lệ này chưa đến 50% do áp lực tăng dân số cơ học.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, sắp tới bỏ hộ khẩu nữa thì càng áp lực lên sĩ số, trường lớp. 

Qua khảo sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, dẫn chứng một số quận, huyện sẽ gặp khó khăn khi tỷ lệ học hai buổi còn hạn chế. Như Q.Tân Phú chỉ có 13% học sinh lớp Một năm học này được học hai buổi/ngày. Toàn quận chỉ có một trường được học hai buổi 100%. Nếu đòi hỏi nữa cũng khó vì phải ưu tiên cho tất cả học sinh có chỗ học. 11 dự án của Q.Tân Phú không triển khai được hiện cũng đang vướng về mặt bằng thì không chỉ khó khăn khi triển khai chương trình mới vào năm học tới mà còn ở các năm cuốn chiếu tiếp theo. 

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: thành phố chắc chắn đảm bảo thực hiện 100% học sinh lớp Một sẽ được học hai buổi/ngày. Sau đó, đến lớp hai phải xây trường để thực hiện bước tiếp theo. Kể cả ba quận khó khăn cũng có kế hoạch. Như Q.Bình Tân, học sinh tăng nhiều đã xây 261 phòng học; để đảm bảo điều kiện học hai 
buổi/ngày cần xây 974 phòng học đến năm 2025. Q.Tân Phú đã xây 634 phòng học, cần 777 phòng nữa. Q.12 đã xây 1.041 phòng và có kế hoạch xây thêm... 

Đã xuất hiện sách giáo khoa giả

Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc nêu thắc mắc năm bộ sách giáo khoa (SGK) đã công bố và lựa chọn xong thì cần thông tin cụ thể cho người dân biết. Thời gian khai giảng đã có rồi thì thời điểm nào phụ huynh sẽ tiếp cận bộ sách? Mua trong trường hay ở đâu? Cử tri cũng quan tâm giá SGK là 179.000 - 199.000 đồng/bộ, tăng bao nhiêu so với giá SGK cũ? Tăng như vậy, khả năng chi trả của hộ nghèo, cận nghèo như thế nào? Nếu gặp khó, sở có giải pháp gì để người dân chuẩn bị năm học mới cho con đầy đủ SGK?

Ông Nguyễn Quang Vinh cho hay, việc lựa chọn SGK đã hoàn tất trong tháng Năm và đã công bố ở bảng thông tin và cổng thông tin điện tử của trường để công khai đến phụ huynh. Khi tuyển sinh lớp Một, nhà trường cũng đã thông tin bộ SGK được sử dụng đến phụ huynh. Nếu phụ huynh cần, nhà trường sẽ hỗ trợ cung ứng hoặc phụ huynh có thể ra nhà sách. “Các nhà xuất bản thông tin hiện trên thị trường đã xuất hiện SGK giả. Để đảm bảo quyền lợi, phụ huynh cần gắn với nhà trường để được cung cấp SGK thật”, ông Vinh nói. 

Cũng theo ông Vinh, bộ SGK Chân trời sáng tạo (do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp cùng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện) không phải là bộ sách có giá cao nhất. Trong năm bộ sách được phê duyệt thì bộ Cánh diều có giá cao nhất. 

Về giá SGK có ảnh hưởng đến học sinh nghèo không, ông Lê Hoài Nam cho biết: chắc chắn sẽ có kiến nghị, giải pháp sau khi thống kê học sinh nghèo. Khi đó, sở sẽ có kế hoạch cụ thể, học sinh nghèo được mượn sách đem về, tủ sách dùng chung...

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI