Để thực hiện phổ cập giáo dục cấp trung học cơ sở (THCS), từ sau năm 2020, Chính phủ sẽ có lộ trình áp dụng miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở công lập và hỗ trợ học phí cho học sinh các cơ sở giáo dục tư thục. Quy định được nhắc đến trong Luật Giáo dục mới được công bố ngày 4/7. Với phụ huynh, đó là một chính sách đúng đắn, tuy nhiên, họ chưa vội mừng.
Học phí chỉ chiếm 10% chi phí đóng cho nhà trường
Trong khi chờ đợi lộ trình miễn học phí THCS của cả nước, từ ngày 1/1/2019, TP.HCM đã áp dụng giảm học phí bậc THCS từ 100.000 đồng/tháng xuống còn 60.000 đồng/tháng với đối tượng học sinh tại 19 quận. Tại các huyện, mức học phí giảm từ 85.000 đồng/tháng xuống còn 30.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, điều đó không thấm vào đâu so với gánh nặng chi phí học hành cho con mà phụ huynh phải bỏ ra. Ngược lại, nó có chiều hướng tăng lên và “đẻ” thêm ở những khoản thu khác.
Có con vừa học xong lớp Chín tại một trường THCS công lập ở Q.Phú Nhuận, chị Hồng Hạnh cho biết, trung bình mỗi tháng, chị đóng khoảng 500.000 - 600.000 đồng cho nhà trường. Như vậy, ngoài khoản học phí 60.000 đồng, số tiền còn lại bao gồm tiếng Anh tăng cường, sổ tay liên lạc điện tử, tiền nước uống, tiền điện, phí vệ sinh, tiền thể dục... cứ tăng theo từng năm.
Tính ra, tiền học phí chỉ chiếm 10-15% trong tổng số tiền hằng tháng chị đóng cho con. Tuy nhiên, theo liệt kê của chị Hồng Hạnh, đó chưa phải là tất cả.
Học phí của học sinh THCS hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng chi phí đóng cho nhà trường và tiền học thêm. Ảnh: Học sinh lớp Chín dự kỷ thi tuyển sinh lớp Mười tại TP.HCM năm 2019.
Là người thường xuyên họp hành cho con, anh Tuấn cho biết, ngoài các khoản thu được thông báo từ nhà trường, thì trong năm học, còn có những khoản “tùy tâm” do hội phụ huynh đứng ra thu, nhưng có quy định đính kèm là không được ít hơn 200.000 đồng.
Chưa kể, “thỉnh thoảng, đi họp cho con, tôi thấy phòng học trống trơn, nắng rọi chói chang vào lớp học, đến mức nhìn không rõ chữ giáo viên viết trên bảng. Con về kể, khoảng 2g chiều, nắng hắt vô nóng không chịu nổi. Thế là phụ huynh phải cùng nhau đóng góp để mua bộ rèm trang bị thêm cho lớp. Máy lạnh thì có sẵn từ lớp học trước để lại, nhưng học sinh phải trả tiền điện hằng tháng. Chưa kể, phí bảo trì máy lạnh, nhà trường cũng chia cho phụ huynh”, anh Tuấn cho biết.
Tại một ngôi trường được xem là “trường nghèo” ở Q.Thủ Đức, không có các loại hình tiếng Anh tăng cường hay tiếng Anh với người bản xứ, phụ huynh N.T.T.A. có con chuẩn bị vào lớp Tám cho biết, chị đóng tiền cho con theo mỗi học kỳ. Khoản tiền dao động từ 900.000 - 1.300.000 đồng, bao gồm học phí 60.000 đồng/tháng, học phí buổi hai 80.000 đồng/tháng, học phí vi tính 25.000 đồng/tháng), tiền đề kiểm tra, giấy thi 17.000 đồng, sổ liên lạc điện tử 50.000 đồng…
Tính ra, với một học kỳ năm tháng, tiền học phí là 300.000 đồng, chiếm khoảng 25-30% trong tổng số tiền đóng cho nhà trường.
Chưa kể, thi học kỳ xong, các trường đều phải tham gia hoạt động ngoại khóa, tiết học ngoài nhà trường dưới hình thức du lịch. Mặc dù nhà trường luôn nói rằng phụ huynh có quyền đăng ký hoặc từ chối, tuy nhiên, với những điều kiện đi kèm (là đến trường học bù để viết bài thu hoạch, hoặc hạ một bậc hạnh kiểm), hầu hết phụ huynh đều đăng ký để con mình khỏi trở thành “cá biệt”. Tùy tour học tập mà số tiền cho hoạt động này cũng suýt soát số tiền học sinh sẽ phải đóng trong một học kỳ.
Những khoản trời ơi đất hỡi cứ được “đẻ ra”
Không chỉ ở thành thị, chi phí học hành cho con cái cũng có chiều hướng tăng ở các vùng nông thôn. Khi được hỏi về những khoản tiền phải đóng cho con, chị L.T.L.P. có con vừa học xong lớp Tám, xã Thiện Nghiệp, tỉnh Bình Thuận, chép miệng lắc đầu: “Thôi, khỏi nói. Đủ loại tiền, nhớ không nổi. Cứ vài bữa nó về xin tiền đóng hết cái này đến cái nọ. Tôi bực quá, biểu nghỉ quách đi”.
Theo chị kể, đầu năm, nhà trường thu 1.200.000 đồng, trong đó, tiền học phí chỉ 270.000 đồng, còn lại là bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tiền ấn phẩm, phí vệ sinh… “Số tiền đó cũng lớn so với chúng tôi nhưng không ai phàn nàn vì nó rõ ràng, cũng là ráng cho tương lai của con. Mà nhiều lúc những khoản tiền lắt nhắt nó làm mình tức”, chị P. cho biết.
Chị kể, bữa con mang thông báo về, trong đó giáo viên yêu cầu phụ huynh đóng 100.000 đồng tiền hội phí. Không biết tiền này là tiền gì nhưng chị cũng đi đóng cho xong. Thế nhưng, trong cuộc họp phụ huynh cuối học kỳ I, khi giáo viên nhắc đóng tiền thì một số phụ huynh phản ứng.
Cô giáo cho biết khoản tiền đó nhà trường “thu hộ bên xã”. Phụ huynh càng bức xúc vì “xã không cho thêm tiền thì thôi, sao lại đòi tiền học sinh”, thì đến học kỳ II, giáo viên xin lỗi và nói rằng tiền đó thu để “bồi dưỡng cho hội phụ huynh” và giảm giá theo kiểu “tùy tâm”…
“Ngay cả tiền mua lồng đèn cho nhà trường đi rước đêm trung thu, học sinh cũng phải đóng mỗi em 60.000 đồng. Rồi tự nhiên bắt tôi đóng 70.000 đồng để mướn đồng phục cho con biểu diễn văn nghệ. Rồi vài bữa dã ngoại, vài bữa tiền giấy thi, cứ vài chục ngàn đến 100.000 đồng đóng suốt”, chị P. ấm ức.
Khi biết tin sắp tới học sinh THCS được miễn học phí, chị P. xua tay: “Thôi thôi, tôi không ham. Thà bắt tôi đóng học phí rồi đừng vẽ ra các khoản tiền khác, khổ lắm!”.
Cùng tâm trạng với chị P., rất nhiều phụ huynh ở thành thị cũng bày tỏ lo ngại về việc không thu học phí, các trường sẽ có thêm nhiều khoản thu không phù hợp khác, mà các khoản thu này gấp bao nhiêu lần so với khoản học phí được miễn.
Kịp định thần sau câu “vậy hả?” khi nghe nói vài năm tới, đứa con nhỏ của mình không phải đóng tiền học phí, chị Hạnh chùng giọng: “Mà thôi em ơi, miễn mấy chục ngàn đồng rồi thu các khoản khác cũng vậy à. Có khi phụ huynh còn khổ hơn”.
Thu Lê