Học sinh cần làm gì để không trở thành người bạo lực học đường?

14/04/2025 - 11:22

PNO - Sáng 14/4, tại Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), báo Tuổi Trẻ phối hợp Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam tổ chức chương trình “Phòng chống bạo lực học đường - Xây dựng môi trường học tập an toàn và thân thiết”.

Sau khi học sinh xem video những vụ bạo lực học đường diễn ra gần đây, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A đặt câu hỏi: “Lý do gì mà mình lại đánh nhau?”

Nhiều câu trả lời được học sinh đưa ra như: nhìn đối phương với ánh mắt khó chịu, ghen tị, bị tẩy chay, hiểu lầm, bị đổ thừa ăn trộm, bị body shaming, tranh giành người yêu, nói xấu, mâu thuẫn trên mạng xã hội…

Từ đây, bà kết luận, có nhiều lý do dẫn đến bạo lực học đường mà phụ huynh không ngờ tới, thậm chí là không liên quan nhưng học sinh làm điều đó để thể hiện sự bảo vệ của mình với một ai đó.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du háo hức lắng nghe chia sẻ từ chuyên gia - Ảnh: T.T.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du háo hức lắng nghe chia sẻ từ chuyên gia - Ảnh: T.T.

Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực ở học sinh. Một là các em đang trong giai đoạn dậy thì, khó bình tĩnh và quan tâm người khác có tôn trọng mình hay không. Hai là học sinh thấy căng thẳng trong gia đình, bị cha mẹ la nhưng không thể giải tỏa nên ấm ức đó đổ dồn lên bạn bè.

“Các em cần chung sống hòa bình với căng thẳng ở tuổi dậy thì bằng cách ăn ngủ đầy đủ, tham gia thể thao bình thường, và có kế hoạch trước khi gặp chuyện không hài lòng. Với ấm ức từ gia đình, các con đừng quên mình còn có bạn bè và nhiều hoạt động lành mạnh khác để xả cơn giận”, bà đưa ra lời khuyên.

Tiến sĩ Tô Nhi A đưa ra lời khuyên cho học sinh - Ảnh: T.T.
Tiến sĩ Tô Nhi A đưa ra lời khuyên cho học sinh - Ảnh: T.T.

Để trả lời cho câu hỏi của phụ huynh rằng cha mẹ có nên đến tìm giáo viên khi con bị bạo lực học đường không, bà Tô Nhi A lại đặt câu hỏi: “Bao nhiêu bạn khi bị bắt nạt sẽ về chia sẻ liền với cha mẹ?”. Số cánh tay đưa lên khá ít ỏi. Nhưng khi bà hỏi ai sẽ kể cho bạn thân của mình, rất nhiều cánh tay đã đưa lên.

Vị tiến sĩ nói: “Trước hết, phụ huynh cần lắng nghe nhưng không giải quyết giùm con, đặc biệt không đổ nguyên nhân về phía con. Hãy chia sẻ cảm xúc với con rằng con có đau, có buồn không và hỏi hướng giải quyết của con. Cuối cùng, hỏi con có cần cha mẹ hỗ trợ như gặp giáo viên hay phụ huynh của đối phương. Việc gặp gỡ này phải dựa trên tinh thần đồng minh, hòa bình chứ không phải căng thẳng, gay gắt làm nghiêm trọng thêm vấn đề. Việc gặp gỡ là bắt buộc nhưng không phải là đầu tiên”.

Về câu chuyện bạo lực trên không gian mạng, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An thông tin, nhiều học sinh ngày nay có điện thoại riêng và có nhiều tài khoản mạng xã hội. Những học sinh bình thường ngoan ngoãn cũng có thể mạt sát, chỉ trích người nào đó bằng tài khoản ẩn danh. Trong khi bắt nạt truyền thống có thể xác định rõ đối tượng để nhờ thầy cô, cha mẹ thậm chí là pháp luật vào cuộc, bắt nạt trực tuyến lại đến từ những người lạ, không rõ danh tính.

“Thầy cô, cha mẹ phải quan tâm, theo dõi sâu sát và trang bị cách ứng xử cho học sinh. Ví dụ, các em có thể báo cáo quấy rối với những tài khoản Facebook công kích. Ngừng đọc những tin nhắn tiêu cực từ đối tượng xấu để không bị ảnh hưởng tinh thần. Khi không thể giải quyết, hãy báo với người lớn để có những giải pháp sâu hơn”, ông nói rõ.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI