Học sinh bị kỷ luật do vi phạm luật giao thông: Cần phạt nặng phụ huynh

11/10/2019 - 09:30

PNO - Chỉ trong hai tháng đầu năm học, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM đã phát hiện 160 học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản đề nghị các trường kỷ luật học sinh.

Chỉ trong hai tháng đầu năm học, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM đã phát hiện 160 học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, phần lớn ở vùng ven như: H.Củ Chi, H.Nhà Bè và Q.Bình Tân... Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản đề nghị các trường kỷ luật những học sinh này. 

Học sinh đi xe máy, không nón bảo hiểm

Sáng 10/10, có mặt tại đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân, TP.HCM), chỉ trong 15 phút, chúng tôi bắt gặp hơn chục học sinh (HS) điều khiển xe máy. Theo chân hai nam sinh vào một trường THPT, chúng tôi phát hiện, hai nam sinh này mang xe máy vào gửi trong nhà dân gần trường chứ không đi vào trường, vì sợ thầy cô phát hiện.

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, trong hai tháng đầu năm học, tại Q.Bình Tân, Trường THCS và THPT Phan Châu Trinh là nơi dẫn đầu về số HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) với gần 20 trường hợp.

Anh Nguyễn Bích (ngụ P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân) cho biết: “Trên trục đường gần Trường THCS và THPT Phan Châu Trinh, hằng ngày, tôi đều thấy HS chạy xe máy đi học, không đội nón bảo hiểm. Không chỉ HS cấp III mà nhiều HS cấp II cũng được cha mẹ cho chạy xe máy đến trường. Chưa đủ tuổi mà chạy xe máy, nguy cơ tai nạn sẽ cao”.

Cán bộ ở Đội Cảnh sát giao thông phụ trách địa bàn H.Củ Chi cho biết, nhiều năm nay, lực lượng chức năng rất đau đầu trong việc ngăn chặn tình trạng HS vi phạm Luật GTĐB. Mặc dù đơn vị đã nhiều lần phối hợp với nhà trường, địa phương tuyên truyền cho phụ huynh lẫn HS nhưng trường hợp vi phạm vẫn nhiều. 

Hoc sinh bi ky luat do vi pham luat giao thong: Can phat nang  phu huynh
Trong số 160 học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị đề nghị kỷ luật, đa số là ở các trường ngoại thành.

Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM cho biết, mới đây, đơn vị đã gửi danh sách 160 HS vi phạm Luật GTĐB trong tháng 8 và 9/2019 cho Sở GD-ĐT TP.HCM.

Ngày 9/10, sở này thông báo đến các Phòng GD-ĐT; hiệu trưởng trường THPT; giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đề nghị xử lý kỷ luật HS vi phạm theo danh sách PC08 cung cấp. Lỗi vi phạm của HS chủ yếu là: không đội mũ bảo hiểm; không có giấy đăng ký xe, bảo hiểm trách nhiệm; không chấp hành chỉ dẫn của biển báo hiệu...

Sở GD-ĐT đề nghị thủ trưởng các đơn vị phối hợp cùng gia đình HS giáo dục và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.  

Cần tăng mức phạt đối với phụ huynh

Hiệu trưởng một trường THPT tại Q.Bình Tân cho biết: “HS vi phạm luật giao thông thì trong học kỳ đó sẽ bị xếp hạnh kiểm yếu. Sau đó, nếu HS phấn đấu rèn luyện thì đến cuối năm sẽ xét lại mức hạnh kiểm. Nếu HS lớp 12 vi phạm luật giao thông vào cuối năm thì có khả năng không được dự thi tốt nghiệp THPT do bị xếp hạnh kiểm yếu”. 

Cuối năm học trước (tháng 1-4/2019), danh sách của PC08 chỉ ghi nhận 61 trường hợp HS vi phạm Luật GTĐB. Tuy nhiên, chỉ hai tháng đầu năm học này, số vi phạm đã tăng lên gấp ba lần.

Nhận định về nguyên nhân tỷ lệ HS ở vùng ven vi phạm luật giao thông nhiều hơn trong nội thành, một hiệu trưởng nhận định: “Ở vùng ven, huyện ngoại thành, hệ thống xe đưa đón, xe buýt không đảm bảo như trong nội thành. Ngoài ra, phụ huynh ở vùng ven không cố định giờ giấc để đưa đón HS nên thường để con đi xe máy đến trường”.

Theo vị hiệu trưởng này, để giảm tình trạng HS vi phạm luật giao thông, các trường cần tổ chức tốt hệ thống xe đưa rước. Khi phụ huynh yên tâm với việc đưa đón con thì sẽ không cho con mình điều khiển xe máy.

Còn theo cán bộ Trạm Cảnh sát giao thông Tân Túc (thuộc PC08), ngoài việc xử lý vi phạm trên đường thì nhà trường cần phối hợp với cơ quan chức năng địa phương xử lý các điểm giữ xe máy cho học sinh ở ngoài trường. 

Luật sư Nguyễn Tri Đức, Giám đốc Công ty Luật 360, cho biết, Luật GTĐB và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định đối tượng tham gia giao thông là học sinh, sinh viên hay người lao động… mà luật phân chia theo độ tuổi chịu trách nhiệm vi phạm hành chính khi điều khiển phương tiện GTĐB. Nếu học sinh ở độ tuổi 14-16 tham gia giao thông vi phạm với những lỗi cố ý thì chỉ bị phạt cảnh cáo. Với người từ 16-18 tuổi vi phạm Luật GTĐB sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP46.

“Theo tôi, không nên tăng mức phạt nhưng cần thêm mức phạt bổ sung đối với phụ huynh hoặc chủ phương tiện. Bởi, nếu phụ huynh giao phương tiện cho con em mình sẽ bị xử phạt về hành vi giao phương tiện cơ giới cho người không đủ điều kiện điều khiển và mức phạt là 900.000 đồng”, luật sư Nguyễn Tri Đức nói. 

Tai nạn giao thông độ tuổi học sinh đang ở mức đáng báo động
Theo báo cáo tổng kết sáu tháng đầu năm 2019 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, toàn quốc xảy ra 8.385 vụ tai nạn giao thông, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, số người chết giảm 7,55% và số người bị thương giảm 9,52%. Tai nạn giao thông xảy ra đối với trẻ em ở lứa tuổi HS đang được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng. Theo thống kê, trung bình mỗi năm có tới 2.000 trẻ em thiệt mạng vì tai nạn giao thông trên cả nước.

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI