Học sinh bị gãy chân, cô nghi… viêm họng, táo bón

14/07/2014 - 21:13

PNO - PN - Hơn tám giờ sau tai nạn gãy xương chân, bé N.Q.A.K., hai tuổi, Nhóm lớp mầm non Sao Việt (P.11, Q.Gò Vấp, TP.HCM) mới được đưa đi bệnh viện. Sự chậm trễ này khiến bé chịu nhiều đau đớn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chị V.T.V. mẹ của cháu K. kể: “Khoảng hơn 16g ngày 9/7, tôi đón con, thấy K. cứ rên khóc, hỏi thì cô giáo trả lời: “Tại bé viêm họng nên nhõng nhẽo”. Nghĩ cô nói có lý, tôi cho con đứng phía trước xe như thường lệ để chở về thì K. đứng không vững, tiếp tục rên khóc. Về tới nhà thấy con chưa thôi khóc, nhớ lời cô giáo kể sáng nay con bị bón (cháu K. thường xuyên bị chứng này) nên tôi đưa con vào nhà vệ sinh cho cháu ngồi bô.

Thế nhưng con không ngồi mà cứ khóc. Thấy K. có dáng đứng kỳ lạ quá, tôi gọi chồng đưa con đi khám”. Tại phòng khám khu vực ngã 5 Gò Vấp, các bác sĩ (BS) cho chụp phim mới biết xương chân của cháu K. bị gãy. Phòng khám đề nghị chuyển viện. “Lúc biết con gãy xương chân, nhớ lại cách hành xử của mình với con từ chiều tới giờ phút đó, vợ chồng tôi ân hận vô cùng”, chị V. nói.

Sau khi đưa bé K. vào cấp cứu ở BV Nhi Đồng 2, chị V. gọi điện hỏi cô giáo thì được cô kể, trước giờ nghỉ trưa, bé K. có kêu ré lên và khóc. Cô đã thoa dầu cho bé. Sau đó, lớp di chuyển từ trên lầu xuống sân chơi, bé K. không chịu xuống mà cứ ngồi khóc, cô bế cháu xuống ngồi xe tập đi và lo chăm các bé khác.

Hiện cháu K. đã được các BS cho kéo xương để vết gãy liền lại. Việc căng kéo này khoảng 20 ngày, sau đó bé phải tiếp tục bó bột thêm hai tháng.

Hoc sinh bi gay chan, co nghi… viem hong, tao bon

Bé K., đã được căng kéo xương chân

Chị V. bức xúc nói: “Cháu bị thương nặng như vậy mà giáo viên không phát hiện. Theo tôi, có lẽ do cô giáo phải chăm quá nhiều trẻ. Bình thường nhóm lớp của con tôi chỉ 12 cháu, nay cô phải chăm thêm rất nhiều cháu mới nhập học”. Tuy nhiên, chị V. cũng không muốn làm lớn sự việc, chỉ hy vọng qua vụ việc này, nhà trường có biện pháp chấn chỉnh, giảm tải cho các cô giáo để các cô có thể quán xuyến học sinh kỹ hơn, ngăn chặn được những tai nạn tương tự cho các bé khác. Chị V. nói: “Trường đừng vì doanh thu mà nhận quá nhiều bé, cô không quán xuyến nổi. Khi trẻ có dấu hiệu bất thường, cô giáo nên gọi báo ngay để cha mẹ đưa con đi khám sớm”.

Trao đổi với chúng tôi chiều 10/7, bà Hồ Thị Mai Ca, quản lý Nhóm lớp mầm non Sao Việt cho biết: buổi sáng, khi cô đón bé vẫn bình thường. Trong giờ học, giờ ăn, bé cứ nằm và khóc nhè. Cô giáo tưởng cháu bị táo bón như mẹ cháu nói nên khó chịu, sinh nhõng nhẽo. Ở trường, bé chẳng có biểu hiện nào cho thấy bị gãy chân. Thậm chí lúc thay đồ cho bé sau khi ăn trưa và trước giờ về bé vẫn bình thường, chân không hề bị sưng hay có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường. Đến tối, khi mẹ bé điện thoại báo cho cô giáo, trường mới biết sự việc. Nếu phát hiện trẻ bị bệnh hay có vấn đề, nhà trường đã gọi ngay cho phụ huynh.

Sau sự cố, Nhóm lớp mầm non Sao Việt có hỗ trợ viện phí và cử giáo viên đến bệnh viện chăm sóc bé K. “Việc nhà trường hỗ trợ viện phí và cử giáo viên đến bệnh viện chăm sóc không phải do chịu trách nhiệm với sự cố của bé, vì sự cố này không xảy ra ở trường. Bất kỳ bé nào học ở trường bị bệnh, chúng tôi đều cử người đến thăm, tặng quà. Riêng bé K., bà của cháu nói hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi hỗ trợ viện phí và cử giáo viên phụ chăm sóc”, bà Mai Ca nói. Thế nhưng, cô bảo mẫu Phạm Thị Thanh Thủy, phụ trách lớp bé K., thừa nhận: bé có bị té trong lớp. Vào giờ ăn, bé ngồi trên ghế, thò một chân qua tay vịn nên bị ngã. Khi bé ngã, cô Thủy có giữ lại, nhưng có lẽ chân bé bị kẹt nên bị thương. Sau đó bé có khóc, nhưng vì ngày thường bé cũng hay nhõng nhẽo nên cô Thủy cứ tưởng bé bị viêm họng.

Bà Nguyễn Thị Mai Liên, chủ Nhóm trẻ mầm non Hoa Sen (Q.Gò Vấp) nêu kinh nghiệm: khi trẻ xảy ra tai nạn té ngã hay bị bệnh ở trường, thường là giáo viên phải kiểm tra ngay và phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để xử lý kịp thời. Khi trẻ bị té hay gặp sự cố ở lớp, nếu cô không đủ khả năng nhận biết tình trạng thương tích của trẻ thì phải báo ngay cho hiệu trưởng hoặc chủ trường biết tình hình và kiểm tra sơ bộ. Trường hợp như bé K. thì nên cho bé ngồi và thử giơ chân lên, nếu bé khóc và không giơ chân được thì khả năng bị nứt xương là rất cao. Lúc ấy, phải báo ngay cho phụ huynh để đưa trẻ đi kiểm tra, tránh thương tật về sau cho trẻ.

 Tiêu Hà - Nghi Anh

Theo bà Mai Ca, Nhóm lớp mầm non Sao Việt hoạt động đã hai năm, hiện đang giữ 33 cháu. Riêng lớp Thỏ Ngọc mà bé K. đang học chỉ 10-12 bé, chứ không đông như gia đình phản ánh. Thế nhưng, cô Trần Thị Lý, giáo viên phụ trách lớp Thỏ Ngọc thừa nhận: lúc trước lớp chỉ khoảng 12 bé, nhưng thời điểm này lên đến 20 bé.

Trong giấy phép hoạt động của nhóm lớp này, căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất và quy mô lớp, Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp chỉ cho phép giữ 15 bé từ 18-36 tháng tuổi để đảm bảo an toàn cho trẻ. Nhưng hiện tại, số trẻ đã vượt số lượng cho phép và chỉ có một giáo viên phụ trách chứ không phải hai như quy định.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI