Học sinh bị bắt nạt trực tuyến: Một kiểu bạo lực học đường mới

16/01/2024 - 18:10

PNO - Thông tin được thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh - Phó trưởng khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm TPHCM công bố trong đề tài Xây dựng và đánh giá kết quả chương trình phòng ngừa bắt nạt trực tuyến cho học sinh tại Việt Nam.

Theo thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh, bắt nạt trực tuyến là một loại bắt nạt, bạo lực học đường với hành vi lặp đi lặp lại việc gây tổn thương hoặc gây rắc rối cho người khác thông qua sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ. Đây là hình thức mới, để lại hậu quả nghiêm trọng hơn với những hình thức bạo lực học đường khác. Không chỉ là những vết thương trên thân thể, nó tác động đến mối quan hệ xã hội, học tập, gây ra tổn thương tâm lý, tinh thần, nghiêm trọng hơn có thể ảnh hưởng tính mạng học sinh… 

“Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đã có những văn bản pháp luật quy định về hành vi bắt nạt, bạo lực học đường. Tuy nhiên, chưa có chương trình phòng ngừa và hướng xử lý kịp thời khi các vụ việc liên quan đến hành vi bắt nạt trực tuyến xảy ra…”.

Theo nghiên cứu, gần 52% học sinh trung học bị bắt nạt trực tuyến
Theo nghiên cứu, gần 52% học sinh trung học bị bắt nạt trực tuyến

Với nghiên cứu Xây dựng và đánh giá kết quả chương trình phòng ngừa bắt nạt trực tuyến cho học sinh tại Việt Nam, thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh đã tiến hành khảo sát thực trạng hành vi bắt nạt trực tuyến và công tác phòng ngừa bắt nạt trực tuyến trên 1.302 học sinh từ 12-18 tuổi tại TPHCM, Cần Thơ cùng 400 giáo viên.

Kết quả, 60,8% học sinh đã từng có hành vi bắt nạt trực tuyến. Ước tính cứ 10 học sinh thì có tới 7 học sinh thực hiện hành vi bắt nạt trực tuyến; 51,7% học sinh từng bị bắt nạt trực tuyến, trong đó 2,1% bị rất thường xuyên, 7,9% học sinh bị thường xuyên, 11,1% học sinh thỉnh thoảng bị… Ngoại hình, giới tính, lối sống, quan điểm sống, hứng thú cá nhân là những vấn đề chủ yếu bị đem ra bắt nạt trên các nền tảng trực tuyến.

Cũng theo nghiên cứu, 98,6% học sinh sử dụng Facebook/Messenger để thực hiện hành vi bắt nạt trực tuyến; 79,2% chọn TikTok; 56,9% chọn Zalo; 31,9% chọn tin nhắn điện thoại; 23,6% chọn gmail. Ngoài ra còn có các nền tảng như YouTube; Shopee; Lazada, Sendo, Tiki...

“Khi trở thành nạn nhân của bắt nạt trực tuyến, đa phần học sinh tự đưa ra những cách ứng phó với hành vi bắt nạt trực tuyến mà bản thân cho là phù hợp. Học sinh thường xuyên phải đối mặt với các hình thức của bắt nạt trực tuyến, nhiều bạn lựa chọn im lặng để cho qua, còn với những học sinh bắt nạt trực tuyến người khác lại cho rằng đó là hành động cho vui, không ảnh hưởng gì đến ai”- thạc sĩ Mỹ Hạnh thông tin.

Mặc dù vậy, trong nghiên cứu, thạc sĩ Mỹ Hạnh chỉ rõ thực trạng đáng báo động là tần suất thực hiện phòng ngừa bắt nạt trực tuyến cho học sinh tại trường học: đa phần chỉ là 1 lần/năm học (48,4%), tối đa là 2 lần/năm học (24,3%), thậm chí 27,3% trường học không triển khai công tác này trong suốt năm học. 

Các nội dung phòng ngừa chủ yếu hướng tới là giao tiếp, ứng xử hiệu quả khi tham gia vào môi trường trực tuyến, khi bị bắt nạt trực tuyến. Đa phần được lồng ghép vào tiết học, sinh hoạt trên lớp, xen kẽ hoạt động khác của giáo viên song lại chưa bao giờ được lồng ghép trong các tiết học kỹ năng sống. Việc triển khai chưa mang đến lợi ích mong đợi cho học sinh.

Chương trình phòng ngừa bắt nạt trực tuyến

Từ thực trạng trên, thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh đã tiến hành xây dựng và thử nghiệm chương trình phòng ngừa bắt nạt trực tuyến cho học sinh Việt Nam, thử nghiệm tại 8 trường học trên địa bàn quận Tân Phú, TPHCM.

Cần thiết có chương trình phòng ngừa bắt nạt trực tuyến
Cần thiết có chương trình phòng ngừa bắt nạt trực tuyến

5 nội dung phòng ngừa bắt nạt trực tuyến được áp dụng vào chương trình phòng ngừa thực nghiệm, gồm: Hiểu về bắt nạt trực tuyến; Sàng lọc nguy cơ bắt nạt trực tuyến và bị bắt nạt trực tuyến; Rèn luyện kỹ năng ứng phó với bắt nạt trực tuyến; Can thiệp và hỗ trợ tâm lý liên quan đến hành vi bắt nạt trực tuyến; Truyền thông lan toả ý thức phòng ngừa bắt nạt trực tuyến trên không gian mạng.

“Kết quả thực nghiệm tại một số trường trung học tại TPHCM cho thấy, học sinh có thay đổi trong ứng phó với bắt nạt trực tuyến, các em có sự thay đổi quan điểm về hình thức sàng lọc nguy cơ bắt nạt trực tuyến, tìm kiếm sự hỗ trợ tư vấn tâm lý học đường. Hầu hết học sinh trong nhóm thực nghiệm đều được nâng cao hiểu biết, được hỗ trợ và thực hiện được những cách bảo vệ bản thân, tham gia không gian mạng an toàn, hiệu quả, phòng ngừa bắt nạt trực tuyến”- thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh nêu.

Đồng thời kiến nghị Bộ GD-ĐT ban hành các quy định, hành lang pháp lý cụ thể về tổ chức công tác phòng ngừa bắt nạt trực tuyến cho học sinh trong trường học; xử lý nghiêm các trường hợp thực hiện hành vi bắt nạt trực tuyến, có quy định pháp lý cụ thể về xử lý những nhóm đối tượng bắt nạt trực tuyến…

Tr.Quốc

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nguyễn thị Túc 17-01-2024 04:13:17

    Cần phải có biện pháp nghiêm túc mạnh mẽ,ngày xưa chính bản thân tôi cũng bị áp lực,bị các bạn coi thường chỉ vì mình nghèo phải vừa đi làm,vừa đi học
    Các bạn cùng lớp thì được sung sướng tự do không bị áp lực cơm áo gạo tiền
    Rất là xem thường tôi,nhưng rất hên là tôi có một cô giáo tốt đã tìm hiểu và giúp tôi vượt qua khó khăn về tinh thần
    Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cô giáo và hy vọng sẽ có một ngày cô trò sẽ gặp nhau
    Nhưng có lẽ thời gian không cho phép trong khi tôi đang cố gắng tìm kiếm cô thì giờ này e rằng........
    Tôi chỉ còn cách làm theo niềm đam mê của mình là sinh hoạt hội và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình khi có thể
    Vì hiện tại tôi cũng chẳng khá giả gì cho lắm
    Độc thân sống cùng mẹ già 91 tuổi và em gái út
    Chị em chúng tôi nương tựa lẫn nhau để hỗ trợ nhau chăm mẹ già
    Khi có việc gì hội cần đến tôi đều tham gia tích cực để trả ơn đời đã cho tôi gặp được cô giáo tốt và những người bạn,người chị,người anh tốt,"khác cha,khác mẹ"đã đối xử tốt với tôi
    Tôi hy vọng những việc không tốt như trên sẽ không còn tái diễn
    Trả lại môi trường học đường môi trường sống lành mạnh
    Để những nhân tài sẽ hình thành tự nhiên giúp đời và giúp mình cùng gia đình,người thân.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI