Học sinh “bén duyên” điệu bài chòi

25/01/2022 - 06:19

PNO - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn video các em học sinh hát bài chòi thu hút đông đảo lượt xem. Lời ca dân dã làm ấm lòng người nghe khi tết đến xuân về. Ít ai biết đó là tiết mục văn nghệ của Trường THCS Phổ Cường (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) tham dự hội thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2021 - 2022.

Người “truyền lửa” bài chòi

Nghệ nhân ưu tú Võ Duy Khánh và nhiều bậc cao niên ở xã Phổ Cường hào hứng khi nói về bài chòi, làn điệu dân ca gắn bó với bao đời người dân nơi đây. Lời ca bay bổng hòa cùng tiếng đàn, nhịp phách khiến người nghe mê say. Dần dà, bài chòi có thêm nhiều lời hay, ý đẹp do người dân quê sáng tác và truyền khẩu qua bao thế hệ. 

Đội hát bài chòi Trường THCS Phổ Cường trình diễn trên sân khấu - ẢNH: MẠNH TÙNG
Đội hát bài chòi Trường THCS Phổ Cường trình diễn trên sân khấu - Ảnh: Mạnh Tùng

“Bài chòi có từ thời người Việt theo chân chúa Nguyễn vào mở mang khai phá đất phương Nam. Rồi cụ Đào Duy Từ phát triển thành hội bài chòi thu hút nhiều người tham gia mỗi dịp xuân về. Phổ Cường nằm cạnh Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định, nơi cụ Đào Duy Từ cư ngụ khi mới vào phương Nam, được xem là “đất tổ” bài chòi) nên loại hình nghệ thuật này càng thêm đặc sắc. Nhưng cách hô bài chòi có sự chỉnh sửa chứ không giống y chang ở Bình Định…”, ông Khánh cho biết.

Chín năm kháng chiến chống Pháp, Phổ Cường là vùng đất tự do. Người dân cần mẫn cuốc cày, góp gạo chuyển ra tiền tuyến nuôi quân đánh giặc. Bài chòi động viên người người hăng say lao động, khích lệ tinh thần thanh niên hăng hái lên đường tòng chinh. Nhiều “nghệ sĩ chân quê” sáng tác lời ca kêu gọi những người lạc lối theo giặc trở về với đồng bào. “Hồi đó, nhiều bài hát hay và ý nghĩa lắm. Mọi người thường hay hát nên hiếm người đi lính cho Pháp, thanh niên hăng hái thoát ly đi bộ đội nhiều lắm”, cụ Trịnh Thị Khâm (97 tuổi) nhớ lại. 

Những năm kháng chiến chống Mỹ, Phổ Cường được mệnh danh là “đất lửa” bởi hứng chịu nhiều bom đạn gây bao cảnh đau thương. Ông Khánh tham gia đội vũ trang tuyên truyền, mang lời ca, tiếng đàn phục vụ chiến sĩ và đồng bào. Sau đó, ông được chuyển về đội văn nghệ H.Đức Phổ. Dưới tán cây rừng, ông cùng đồng đội hăng say sáng tác, luyện tập ca hát giữa tiếng gầm rú của máy bay và những đợt bom rơi, pháo dập đêm ngày. Những câu hát: “… Mẹ anh hùng con lại sá chi/ Bé mười ba tuổi cũng đi diệt thù… Cờ bay trên đỉnh Núi Dâu/ Tay không buộc Mỹ cúi đầu rút lui…” làm nức lòng người. Người dân Phổ Cường nén đau thương vào lòng, vùng lên đánh trả quân thù. 

Đưa bài chòi vào trường học

Trở về cuộc sống đời thường, ông Khánh tiếp tục mày mò sáng tác những khúc hát bài chòi mang hơi thở cuộc sống phục vụ công chúng. Nhưng bài chòi ngày càng mai một bởi sự lấn át của những dòng nhạc hiện đại. Những sáng tác của ông chỉ được trình diễn tại các hội thi, hội diễn văn nghệ và thường đạt giải cao. Điều ấy khiến lòng ông đau đáu vì bài chòi ngày càng phai nhạt trong cuộc sống của người dân quê.

Nghệ nhân Võ Duy Khánh (cầm đàn) hướng dẫn hát bài chòi cho lớp trẻ - ẢNH: MẠNH TÙNG
Nghệ nhân Võ Duy Khánh (cầm đàn) hướng dẫn hát bài chòi cho lớp trẻ - Ảnh: Mạnh Tùng

Rồi một ngày, ông hết sức vui mừng khi được Ban Giám hiệu Trường THCS Phổ Cường mời đến hướng dẫn học sinh hát múa bài chòi và dạy hát dân ca quê mình qua hình thức trực tuyến. Nghệ nhân già như sống lại thời thơ trẻ khi các em chăm chú lắng nghe rồi ngân nga ca hát. “Nhiều cháu say mê bài chòi khiến tôi vui lắm. Tôi sẽ chỉ bảo cặn kẽ cho các cháu với mong muốn gìn giữ làn điệu dân ca của cha ông truyền lại…”, ông tâm sự.

Ngày thơ bé, học sinh Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (lớp 8A3, Trường THCS Phổ Cường) nghe ông bà nội ngân nga làn điệu bài chòi ru em thơ chìm vào giấc ngủ. Em đam mê bài chòi từ dạo ấy, chú tâm tìm hiểu loại hình dân ca đặc sắc của quê mình. Khi nhà trường khuyến khích học sinh tham gia hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, em cùng bạn Dương Đào Anh Thư đăng ký tham gia với đề tài: “Giữ gìn và phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi trong cộng đồng”. Ý tưởng của các em được ban giám hiệu nhà trường tán thưởng. 

Thầy Nguyễn Mạnh Tùng, Phó hiệu trưởng Trường THCS Phổ Cường, cất công sưu tầm tư liệu, hình ảnh hoàn thành báo cáo nghiên cứu khoa học kỹ thuật của đề tài dài hơn 70 trang. Thầy cùng nghệ nhân Võ Duy Khánh tận tình hướng dẫn các em trong đội thi say sưa múa hát. Lời ca: “… Hoạt động nghiên cứu tăng cường/ Nâng cao kiến thức học đường từ đây/ Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy/ Con ngoan, trò giỏi có ngày vinh quy…” nhắn nhủ các em cố gắng học hành. Hạnh bày tỏ: “Em rất yêu thích bài chòi nhưng không biết cách hát. Giờ được dạy cách hát em vui lắm”. 

“Bài chòi khó hát hơn những bản nhạc khác. Nhưng khi hát được rồi thì thấy hay lắm. Lời ca mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa, nặng tình quê hương. Vậy nên em rất thích hát bài chòi…”, em Phan Huỳnh Diệu My (lớp 7A1, thành viên đội hát bài chòi của trường), bộc bạch. 

“Chúng tôi luôn trăn trở là làm sao phải “giữ lửa” bài chòi. Và chỉ có đưa bài chòi vào trường học thì mới làm được điều ấy. Vì thế, nhà trường đã đưa vào giờ chào cờ, sinh hoạt đội, sinh hoạt ngoại khóa và tổ chức dạy online. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa bài chòi vào chương trình giáo dục địa phương, môn âm nhạc và tất cả hoạt động ngoại khóa trong nhà trường. Qua đó, giúp các em hiểu được giá trị của thể loại dân ca này và góp phần nhân rộng ra cộng đồng…”, thầy Nguyễn Mạnh Tùng chia sẻ. 

Qua bao năm tháng, “lửa” bài chòi vẫn âm ỉ trong lòng người Phổ Cường và ngân vang cho đời thêm tươi đẹp. Lời ca dân dã chan chứa tình quê cho xuân nồng nàn trong nắng mới. 

 Minh Kỳ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI