PNO - H. nhắn tin: “Hôm nay, tao sẽ mua mp40 lv7, tao nạp 1 triệu”. Bạn của H. nhắn: “Chất”. H. tiếp tục: “Nếu không đủ thì 2 triệu”. Ngày tiếp theo: “Mày nạp bao nhiêu tiền rồi?”, “2 triệu. Còn mày?”, “2 triệu”. Một nickname khác: “Tao ở quê chắc cũng gần 5 triệu, mỗi ngày tao nạp 1 triệu”…
Đoạn hội thoại trong ảnh là của một nhóm chat gồm năm học sinh (HS) đang học lớp Năm, Sáu. Cho con sử dụng điện thoại, máy tính và đặt niềm tin rằng con dành thời gian cho việc học. Thế nhưng, vào một ngày, cha mẹ tá hỏa khi kiểm tra điện thoại và phát hiện đứa con ngoan dám lấy tiền triệu để… chơi game.
Cà thẻ vài triệu đồng/ngày
Khi nhà trường cho HS tạm nghỉ học để chống dịch, N.T.H., HS lớp Sáu một trường THCS ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) được cha mẹ gửi qua nhà ông bà ở Q.Bình Tân (TP.HCM) chăm sóc hộ. Trong thời gian đó, H. âm thầm lấy tiền hưu mà ông bà để dành trong tủ để mua thẻ game. Mỗi ngày H. trộm từ 500.000 - 2 triệu đồng mà ông bà không hay biết. Bởi, H. là một đứa trẻ tỏ ra rất ngoan, tiền bạc cha mẹ để hớ hênh không lấy. Thậm chí, qua siêu thị mua đồ, tiền dư H. đều trả lại cho cha mẹ dù là vài ngàn đồng.
Ngoài việc đi học ở trường, buổi chiều, H. đều học thêm ở trung tâm, kể cả sáng Chủ nhật. Thấy con hiểu chuyện nên cha mẹ sắm cho H. một chiếc điện thoại có kết nối internet để tiện học online. Khoảng thời gian này, ông bà tá hỏa khi phát hiện mất 5 triệu đồng trong tủ chỉ trong bốn ngày. Chưa hết, kiểm tra ví tiền lì xì, tiền để dành hơn 3 triệu đồng của H. cũng “mất tích”. Gia đình sinh nghi và quyết định chờ lúc H. ngủ say mở điện thoại ra xem thì vỡ lẽ khi thấy một nhóm chat khoảng năm bạn trên Zalo, tất cả tầm 11-13 tuổi, mạnh tay chi tiền triệu để chơi game.
H. nhắn tin: “Hôm nay, tao sẽ mua mp40 lv7, tao nạp 1 triệu”. Bạn của H. nhắn: “Chất”. H. tiếp tục: “Nếu không đủ thì 2 triệu”. Ngày tiếp theo: “Mày nạp bao nhiêu tiền rồi?”, “2 triệu. Còn mày?”, “2 triệu”. Một nickname khác: “Tao ở quê chắc cũng gần 5 triệu, mỗi ngày tao nạp 1 triệu”… Kiểm tra thêm tin nhắn, thấy H. gửi hóa đơn mua thẻ game, mỗi lần nạp 500.000 đồng, có lần thẻ game lên đến 2 triệu đồng. Khi đọc những tin nhắn này, gia đình H. bàng hoàng, không nghĩ những đứa trẻ mới học lớp Năm, Sáu, không có thu nhập lại có thể mạnh tay vung tiền như thế.
Còn cậu bé L.Q.N., 13 tuổi (ở Q.11, TP.HCM) bị cha mẹ đánh một trận tơi bời vì phát hiện N. đã âm thầm khoét bụng heo đất lấy hơn 3 triệu đồng tiền lì xì để mua thẻ chơi game, đó là chưa kể còn nợ bạn học hơn 300.000 đồng. N. kể: “Ban đầu, em chỉ dùng tiền mẹ cho để chơi nhưng không đủ nên mượn bạn. Không mượn bạn được nữa, em khoét bụng ống heo lấy tiền ra và bỏ giấy tập vào để mẹ không phát hiện. Mẹ phát hiện khi bạn méc mẹ là em thiếu tiền chưa trả. Về nhà, mẹ phạt và em khai ra”.
Đây là thực trạng mà nhiều phụ huynh khác cũng gặp phải. Không ai nghĩ con mình như thế cho đến ngày bắt tại trận.
Chị Thùy Dương, mẹ H., tâm sự: “Vợ chồng tôi thức trắng đêm vì không biết xử lý như thế nào. Nói chuyện với con, bắt con nhận lỗi, không cho dùng phương tiện có internet hay để cha đánh một trận thật đau cho nhớ? Loay hoay mãi vẫn không tìm ra được phương án tối ưu… Tôi chia sẻ với vài phụ huynh trong xóm có con cùng chơi trong nhóm, họ cũng có cùng tâm trạng ngỡ ngàng và bối rối”.
Hiện tượng HS tiểu học, THCS chơi game quá mức, ảnh hưởng đến học tập và giấc ngủ đang là vấn đề đáng quan tâm. Kết quả khảo sát do thạc sĩ Phan Thị Cẩm Giang, giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, và cộng sự thực hiện trên 300 HS các khối lớp Trường THCS Trần Quốc Toản (TP.Thủ Đức), cho thấy có 102 HS nghiện game (chiếm 34%), trong đó có 81 nam và 21 nữ. Nhiều HS đã dành từ 4 - 7 giờ mỗi ngày để chơi game…
Ảnh minh hoạ
Việc chơi quá mức và nghiện game dễ làm cho người chơi, đặc biệt là người trẻ mê muội, suốt ngày bị “ám thị” bởi những tình huống, trận chiến, vật phẩm… trong game. Điều này dẫn tới việc giới trẻ không còn thời gian để suy nghĩ, hành động tích cực. Nghiện game cũng đang là vấn đề nhức nhối khi xảy ra nhiều vụ án liên quan. Đơn cử như tháng 10-11/2020, tại tỉnh Thanh Hóa liên tục xảy ra hai vụ trọng án “giết người, cướp tài sản” mà đối tượng gây án là những thanh, thiếu niên ham chơi, nghiện game online.
Cần giới hạn độ tuổi người chơi game
Hậu quả khôn lường như vậy nhưng thực tế, thẻ game online được bày bán khắp nơi với đủ mệnh giá, trẻ dễ dàng mua được. Bạn của H. thanh toán qua các phần mềm ngân hàng, ví điện tử… Còn H., do sử dụng tiền mặt nên trực tiếp xuống các cửa hàng tiện lợi ngay trong chung cư để nạp thẻ.
Chưa hết, chỉ cần vào Google gõ cụm từ “mua thẻ game online”, có tới 15.900 kết quả chỉ trong vòng 0,05 giây. Người chơi chỉ việc ngồi một chỗ, tài khoản game sẽ tự động vào tiền triệu chỉ sau vài cú nhấp chuột mà không cần phải khai báo năm sinh, giới tính…
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, theo quy định tại Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP, trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 phải có đề án cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử gồm nội dung: Các hình thức thanh toán dịch vụ, các loại thẻ thanh toán và doanh nghiệp hợp tác trong việc thanh toán dịch vụ (tên doanh nghiệp, loại hình thanh toán).
“Pháp luật có quy định nhưng chưa cụ thể về việc phát hành thẻ game của một số đơn vị game online. Việc cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử không phải hoạt động kinh doanh ngành/nghề pháp luật cấm và pháp luật cũng không hạn chế về hình thức kinh doanh này. Do đó, việc phát hành thẻ game để thanh toán, vận hành trong hệ thống trò chơi điện tử không được coi là vi phạm pháp luật.
Công ty cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử chỉ cần thực hiện thủ tục thông báo và nộp hồ sơ lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chấp thuận là có thể phát hành thẻ game. Pháp luật không quy định cụ thể về vấn đề này nên việc bán thẻ game cho trẻ dưới 16 tuổi không được coi là vi phạm pháp luật”, luật sư Hùng phân tích.
Trẻ nghiện game online sẽ chịu những tác hại vô lường Ảnh minh hoạ
Theo luật sư Hùng, việc phát hành thẻ game và mua bán thẻ game tràn lan như hiện nay là do các công ty cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phát hành thẻ game nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán các vật phẩm, tiền ảo trong game của người chơi. Đây cũng là hoạt động tăng doanh thu, kiếm lợi nhuận chính cho công ty. Việc phát hành này không trái luật nhưng do không được quản lý, kiểm tra chặt chẽ nên dẫn đến hệ lụy.
Các trò chơi điện tử đều phải cam kết và giới hạn độ tuổi người chơi. Tuy nhiên, vì là dữ liệu điện tử nên rất khó kiểm chứng, xác minh, các công ty thường không chú trọng vào việc này. Việc người chơi không đủ tuổi vẫn tham gia chơi và thanh toán tiền tệ trong trò chơi điện tử vẫn thường xuyên diễn ra.
“Để ngăn chặn hệ lụy, theo tôi, đối với các trò chơi điện tử hiện nay, pháp luật phải quy định rõ về giới hạn độ tuổi người chơi, yêu cầu công ty cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử xác minh thông tin cá nhân của người chơi bằng giấy tờ tùy thân. Nếu là trẻ em tham gia chơi, cần có sự đồng ý của phụ huynh. Tôi có lời khuyên là phụ huynh cần phải chú ý đến con của mình nhiều hơn, hạn chế cho trẻ em sử dụng các thiết bị công nghệ kết nối mạng từ sớm, vì rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng như: xâm nhập và chiếm đoạt thông tin cá nhân, thông tin thẻ ngân hàng”, luật sư Hùng nói.
Phụ huynh phải là hậu phương của con trẻ
Tại hội thảo Nghiện internet ở thanh - thiếu niên Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, chuyên gia tư vấn tâm lý trẻ em thuộc Công ty Tâm lý học ứng dụng, cho hay: so với quá trình trị liệu tâm lý, sự quản thúc của trường học mang lại hiệu quả nhanh hơn. Nhưng sự quản thúc, kèm cặp chỉ làm mất phương hướng tạm thời, nên khi ra ngoài với cuộc sống tự do, HS dễ tái nghiện theo cơ chế bù đắp khi chưa có sự thay đổi thực sự từ bên trong. Do đó, giải pháp bền vững nhất để lứa tuổi HS không nghiện game là phải tác động đến thái độ sống, thay đổi nhận thức của các em.
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan, cho rằng: Phụ huynh cần trao đổi với trẻ bằng thái độ thẳng thắn nhưng tránh gay gắt. Hỏi con những trò chơi trên mạng mà con đang chơi thì bạn bè có thích không, có tốn tiền không? Đồng thời, trao đổi với con, nếu trò chơi chỉ đơn giản là vui, giúp giải tỏa căng thẳng sau giờ học, không bạo lực, không tốn tiền, không giao lưu với những hành vi xấu thì cha mẹ sẵn sàng ủng hộ. Nhưng nếu con chơi những trò chơi ảnh hưởng trên, cha mẹ không chấp nhận…
Với những trao đổi này, tùy vào câu trả lời của con mà cha mẹ có sự giám sát chặt chẽ hơn. Đặc biệt, đối với điện thoại, cha mẹ nên trao đổi với con về thời gian sử dụng. Cha mẹ cũng chia sẻ với con, quản lý chặt chẽ tiền bạc và hơn hết là dành thời gian để chơi cùng con, dạy con biết cách quản lý tài chính, biết từ chối những hành vi chưa tốt…
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...