Từ đầu năm 2023 đến nay, chị Lê Thị Tâm - công nhân Công ty Kềm Nghĩa (huyện Củ Chi, TPHCM) - đều đặn tăng ca để giữ mức thu nhập ổn định từ 7-10 triệu đồng/tháng. Chị còn có 50 triệu đồng gửi tiết kiệm trong ngân hàng. Dù vậy, chị vẫn luôn lo lắng bởi thấy rằng, số tiền đang có chưa thể giúp mình xoay xở khi gặp sự cố bất ngờ: “Nếu chẳng may tôi bị mất việc, khoản tiền này chỉ đủ trang trải trong khoảng 1 năm. Nhưng nếu cha mẹ bệnh, tôi bị mất việc hoặc giảm thu nhập thì số tiền trên chẳng thấm vào đâu”.
Nỗi lo lắng về tài chính bấp bênh khiến nhiều người tiêu dùng giảm chi tiêu, mua sắm (ảnh chụp tại Tuần lễ sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng vùng miền, được tổ chức ở công viên Lê Thị Riêng, quận 10, TPHCM cuối tháng 10/2023)
Làm marketing cho một công ty với thu nhập 20 triệu đồng/tháng nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc (quận 3, TPHCM) vẫn lo lắng về vấn đề tài chính. Trước đây, chị Ngọc thường trích 25% thu nhập hằng tháng để gửi tiết kiệm ngân hàng, gửi tiền về quê phụ giúp cha mẹ. Từ đợt dịch COVID-19 (năm 2021) đến nay, do giá cả hàng hóa leo thang, chị hầu như không tiết kiệm được khoản tiền nào. Trong năm 2023, cha đột ngột qua đời, chị Ngọc rước mẹ ở quê lên ở cùng, mức cần chi tiêu hằng tháng tăng nên chị phải rút khoản tiền tiết kiệm trước đó ra dùng. Hiện tại, chị vẫn đủ tiền để trang trải cuộc sống nhưng chị luôn âu lo về những biến động trong tương lai.
Đang làm việc trong công ty nước ngoài với thu nhập 40 triệu đồng/tháng, nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, chị Trương Thị Yến (TP Thủ Đức, TPHCM) phải rút tiền tiết kiệm ra dùng do phải đóng tiền học thêm cho con trai (100 triệu đồng/năm), gửi về quê chăm sóc cha mẹ, trả nợ tiền vay mua đất: “Các khoản tích góp gần 10 năm qua chỉ đủ để tôi trụ thêm 1 năm nữa với điều kiện không gặp biến cố nào. Sau đó, nếu không bán được miếng đất đã mua, có thể tôi phải vay mượn tiền”.
Ít hiểu biết về quản lý tài chính cá nhân
Tiến sĩ Huỳnh Phước Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý thuộc Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước (Trường đại học Kinh tế TPHCM) - cho biết, trong lực lượng lao động ở Việt Nam, nhóm người siêu giàu và giàu chỉ khoảng 1.000 người, nhóm trung lưu chiếm khoảng 30%, nhóm có thu nhập đủ trang trải cuộc sống 40%, còn lại là người nghèo.
Theo ông, trong bối cảnh kinh tế và việc làm hiện nay, nhóm có thu nhập trung bình thấp đang lo lắng về sự bấp bênh trong công việc, lo thu nhập sụt giảm; nhóm trung lưu lo lắng về sự giảm giá của tài sản, thất bại trong đầu tư, kinh doanh đất đai, chứng khoán. Ngoài những tác động của hoàn cảnh, một trong những nguyên nhân gây ra tâm lý lo lắng về tài chính là do hiểu biết về quản lý tài chính cá nhân (cách lập kế hoạch ngân sách, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư, các rủi ro tài chính và các sự kiện trong tương lai…) của người Việt Nam rất yếu, quản lý tài chính lại chưa được đưa vào chương trình giáo dục chính quy.
Cũng theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, vài năm trở lại đây, nhóm người siêu giàu và trung lưu bắt đầu quan tâm về quản lý tài chính cá nhân, nhưng đại đa số còn lại vẫn chưa quan tâm. Họ có thể có các khoản tiết kiệm nhưng không có kế hoạch chi tiêu cụ thể, chưa xác định được mức độ rủi ro khi đầu tư, chưa biết cách phản ứng với các thay đổi trong tương lai, chưa biết đầu tư vào đâu khi kinh tế có biến đổi.
Ông cho biết, ở các nước phát triển, trẻ nhỏ đã được giáo dục về quản lý tài chính nên ít lo lắng hơn. Theo ông, không chỉ người giàu mới cần có kiến thức về quản lý tài chính. Nếu được giáo dục tốt, người dân sẽ không bị lo lắng về tài chính. Họ hiểu mình đang có nguồn lực gì, nên đầu tư tiền vào đâu. “Tuy nhiên, cũng cần xem tính minh bạch, ổn định của thị trường tài chính bởi đôi khi bảo hiểm nói thế này, chứng khoán nói thế kia, hay các vụ việc người dân đi gửi tiết kiệm lại bị lừa hoặc ép mua bảo hiểm nhân thọ vừa qua… khiến người dân mất niềm tin” - tiến sĩ Huỳnh Phước Nghĩa nói.
Tác động quan trọng từ chính sách vĩ mô
Các chính sách, giải pháp vĩ mô cũng gián tiếp tác động đến tâm lý người dân trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức. Chẳng hạn, để doanh nghiệp giảm tình trạng cho người lao động thôi việc thì phải có nguồn vốn rẻ cho họ vay để trả lương; muốn người lao động không chọn hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần thì phải sửa quy định về tiền lương, nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động.
Để ổn định tâm lý tiêu dùng của người dân thì cần kiểm soát chặt lạm phát, thông tin kịp thời, rõ ràng về các chính sách, giải pháp của Nhà nước, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, tránh tăng giá bất thường. Cần có giải pháp cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp vay khi có nhu cầu; bãi bỏ những quy định bất hợp lý gây tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
Các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô cần nhất quán để nhóm người trung lưu và giàu có niềm tin mà đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ phải có phản ứng nhanh nhạy, kịp thời về mặt chính sách. Chẳng hạn, đối với nhóm người dễ bị tổn thương (như công nhân bị mất việc hàng loạt) thì có thể ban hành chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, cho vay vốn ngân hàng chính sách xã hội kịp thời; ở lĩnh vực đầu tư công, thu hút vốn nước ngoài, nếu vướng chỗ nào thì phải gỡ ngay. Có như vậy, người dân mới lạc quan, chi tiêu nhiều hơn, kinh tế mới khởi sắc.
Tiến sĩ Huỳnh Phước Nghĩa
Giải pháp để thoát khỏi âu lo về tài chính
Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam - cho rằng, hầu hết người dân hiện nay chỉ có nguồn thu nhập chủ động nên khi xảy ra tác động từ bên ngoài (mất việc làm, giảm thu nhập, gia đình có sự cố…) thì dễ rơi vào trạng thái lo lắng. Một bộ phận người dân có học hỏi về đầu tư để tăng thêm thu nhập thụ động từ bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, vàng… nhưng lại học theo hướng dẫn trôi nổi trên mạng xã hội, từ các chuyên gia “đọc lệnh” nên thường thất bại hơn thành công. Theo ông, mỗi người dân nên trang bị cho mình kiến thức quản lý tài chính cơ bản như cách tiết kiệm chi tiêu hằng ngày, cách gia tăng thu nhập, sau đó nên nghiên cứu thêm về bảo hiểm, thuế, thừa kế… Các trường nên đưa môn tài chính cá nhân vào các chương trình giáo dục.
Còn theo ông Lâm Minh Chánh - chuyên gia tài chính - để không âu lo về tài chính, mỗi người cần có kế hoạch rõ ràng về tiết kiệm, cần tích lũy 10 - 20% thu nhập để đầu tư. Ông nêu ví dụ: “Nếu mỗi năm, bạn tiết kiệm được 36 triệu đồng, đem đầu tư chứng chỉ quỹ với lãi suất bình quân 12%/năm thì sau 20 năm, sẽ có 3,7 tỉ đồng. Từ năm thứ 21, bạn không cần tích lũy nữa và tiền lãi từ quỹ này là 37 triệu đồng/tháng, giúp bạn có thể sống mà không phụ thuộc vào công việc”.
Theo ông, để đầu tư đạt hiệu quả, cần có kiến thức, không đầu tư theo tin đồn, theo cảm giác, theo sự may rủi bởi có thể không lời mà còn thua lỗ. “Khi tích lũy số tiền chưa đủ lớn, thu nhập chưa ổn định thì tỉ suất sinh lời chưa thể là nguồn thu nhập chính, do đó vẫn nên đảm bảo nguồn thu nhập tốt, ổn định, quản lý tài chính tốt, tích lũy đều đặn vào quỹ tài chính cá nhân hằng năm” - ông khuyên.
Giải thưởng được trao cho BIDV trong khuôn khổ “Lễ công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2024-CSI 2024” được tổ chức ngày 29/11/2024 tại TP Hà Nội.
Trong 2 ngày 29, 30/11/2024, để chào mừng sinh nhật lần thứ 8, chuỗi cửa hàng bách hóa hiện đại Co.opSmile tổ chức chuyến roadshow dạo quanh các tuyến đường của TPHCM.
Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm VAT 2% để giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.