Học phí tăng gấp 15 lần - nhiều giấc mơ du học Pháp phải khép lại?

21/11/2018 - 08:30

PNO - Quyết định tăng học phí đối với du học sinh nước ngoài lên gấp 15 lần của chính phủ Pháp đã gây ra nhiều tranh cãi, tạo nên một làn sóng phản đối gay gắt từ những sinh viên nước ngoài đang theo học tại Pháp.

Hoc phi tang gap 15 lan -  nhieu giac mo du hoc Phap phai khep lai?
 

Thủ tướng Pháp Édouard Philippe vừa có một thông báo gây bất ngờ: kể từ năm học 2019-2020, học phí của các sinh viên nước ngoài (ngoài châu Âu) sẽ tăng lên đến 2.800€/năm (khoảng 75 triệu đồng/năm) đối với hệ cử nhân và 3.800€/năm (102 triệu đồng/năm) đối với hệ thạc sĩ, tiến sĩ.

Thủ tướng Philippe lý giải: "Có thể gọi đây là một “chiến thuật thu hút các sinh viên quốc tế”. Mục tiêu của chúng tôi là chào đón nhiều sinh viên nước ngoài hơn, với tham vọng tăng lượng sinh viên nước ngoài từ 324.000 (thời điểm hiện tại) lên 500.000 vào năm 2027. Nước Pháp sẽ thực hiện một cuộc cách mạng để sức hấp dẫn của giáo dục Pháp không dừng ở việc "miễn phí", mà trở thành một sự lựa chọn thực sự, một khát khao thực sự, những điều xuất phát từ sự xuất sắc”.

Thủ tướng Pháp cũng cho biết thêm: “Từ nhiều năm nay, một sinh viên nước ngoài có điều kiện, khi tới Pháp, lại trả mức học phí bằng với một sinh viên Pháp khó khăn, có cha mẹ sinh sống, làm việc và trả thuế tại Pháp. Điều đó thật bất công. Việc tăng học phí sẽ thu được một khoản từ những sinh viên nước ngoài có điều kiện và số tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ những sinh viên kém may mắn và xứng đáng hơn, dưới dạng học bổng. Mục tiêu của chúng tôi là: chiến thắng cuộc chiến mang tầm vóc quốc tế trong việc tiếp nhận các sinh viên sáng giá và xứng đáng nhất, dù họ có tới từ Bắc Kinh hay từ Kinshasa, dù họ có nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo hay học ngành ngôn ngữ Trung cổ".

Quyết định tăng học phí đối với du học sinh nước ngoài lên gấp 15 lần của chính phủ Pháp đã gây ra nhiều tranh cãi, tạo nên một làn sóng phản đối gay gắt từ những sinh viên nước ngoài đang theo học tại Pháp, cũng như những người có ý định du học Pháp trong tương lai. Họ cho rằng, 3.800€/năm thạc sĩ đối với sinh viên quốc tế là khó chấp nhận; bởi ngoài học phí, họ còn phải trả tiền thuê nhà và sinh hoạt thường nhật, trong khi giới hạn giờ làm việc chỉ có 20g/tuần, theo luật lao động Pháp, sẽ không thể đủ trang trải trong thời gian du học tại đây.

Điều này sẽ dẫn đến tình trạng sinh viên nước ngoài xuất sắc nhưng không dư dả sẽ không thể đến Pháp học, khi mà đất nước họ không đủ khả năng cung cấp một nền giáo dục với trình độ tương đương và các trường đại học ở Pháp sẽ chỉ nhận về những sinh viên giàu nhưng năng lực kém cỏi. Thậm chí, một sinh viên Pháp cho rằng “biện pháp này sẽ làm suy giảm sự hấp dẫn của đất nước chúng ta. Ít sinh viên nước ngoài đi, nghĩa là sẽ ít trao đổi hơn, kém mở mang trên trường quốc tế, dẫn tới những hệ quả tiêu cực cho đất nước”.

Du học Pháp được xem là cánh cửa tương đối dễ dàng cho mọi sinh viên mơ bước ra thế giới bằng con đường tri thức. Nền giáo dục Pháp có những điểm mạnh như: học phí siêu rẻ (miễn phí cho sinh viên trong khối châu Âu), được chính phủ hỗ trợ chỗ ở; sau khi học xong 2 năm thạc sĩ, sinh viên có thể xin APS (thẻ cư trú tạm thời) để ở lại Pháp làm việc.

Mức chi phí hằng năm của sinh viên theo học trường công lập tại Pháp khoảng 5.000 - 6.000 euro/năm đối với thành phố ngoài khu vực Paris hoặc 7.000 - 8.000 euro đối với khu vực Paris, tương đương 200 triệu đồng. Ngoài ra, Pháp cho phép sinh viên nước ngoài được đi làm thêm 822,5 giờ/năm với mức lương tối thiểu (SMIC) là 8,27 euro/giờ. Nếu làm việc chăm chỉ, du học sinh có thể kiếm được ít nhất 6.700 euro/năm. Đối với sinh viên ở ngoài khu vực Paris, xem như đã du học Pháp với học phí 0 đồng.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào cục diện nước Pháp và các vấn đề xã hội mà Pháp đang phải đối mặt, có thể thấy biện pháp này phần nào giúp nền giáo dục Pháp trong tương lai được cải tổ mạnh mẽ. Cụ thể, với tình hình 45% sinh viên quốc tế ở Pháp hiện nay đều đến từ “lục địa đen”, phương án này sẽ định hướng lại đối tượng sinh viên nước ngoài tại Pháp, hạn chế lượng sinh viên thuộc các nước ít điều kiện chi trả học phí (nhưng vẫn thu hút được sinh viên giỏi bằng chính sách học bổng hấp dẫn), hạn chế những sinh viên đến Pháp không phải để du học mà chỉ lăm le kiếm thẻ cư trú, đồng thời tiếp nhận lượng sinh viên từ các nước có nền kinh tế và giáo dục tốt với mục tiêu trao đổi văn hóa nhiều hơn là đón về những sinh viên "học gạo" hay "học để kiếm gạo". Phần học phí tăng lên sẽ hỗ trợ học bổng cho sinh viên nghèo, đồng thời giúp cải tạo cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giảng dạy tại các trường đại học. 

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI