Học phí tăng, chất lượng sẽ tăng?

10/10/2015 - 09:30

PNO - Nếu lấy học phí năm học 2014-2015 làm mốc, học phí của tất cả nhóm ngành nghề đều tăng khoảng 10% mỗi năm.

Từ năm 2015-2016 đến năm 2020-2021, học phí các trường đại học (ĐH) công lập sẽ tăng đáng kể. Theo dự thảo về mức trần học phí mới của các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, do Bộ Giáo dục - đào tạo trình Chính phủ, nếu lấy học phí năm học 2014-2015 làm mốc, học phí của tất cả nhóm ngành nghề đều tăng khoảng 10% mỗi năm.

Cụ thể, học phí trường ĐH công lập năm học 2015-2016 sẽ dao động từ 605.000 đến 880.000 đồng/tháng theo nhóm ngành nghề. Mỗi sinh viên sẽ đóng từ trên dưới 6 triệu đến khoảng 8,8 triệu đồng cho mỗi năm học

Phản ứng không đồng tình của của người nghe là điều dễ hiểu. Trước bất kỳ sự tăng giá nào, quyền lợi của cá nhân mỗi người sử dụng dịch vụ cũng sẽ được đặt lên bàn cân, xem có tương ứng với mức giá kia hay không.

Đối với giáo dục ĐH, phía đối trọng của đòn cân chính là chất lượng đào tạo mà người học được thụ hưởng. Câu hỏi đặt ra là học phí tăng, liệu chất lượng đào tạo có tăng theo?

Cũng phải nói rõ rằng chất lượng đào tạo không phải là một đại lượng có thể đo đếm trực tiếp, không thể dán nhãn mác rõ ràng, và không thể đảm bảo một trọng lượng, tính chất ổn định, bất biến ở mọi thời điểm với mọi đối tượng, nên câu hỏi trên không dễ trả lời.

Thực tế, người dân than phiền, kêu ca khi học phí tăng, nhưng họ vẫn phải chấp nhận đóng tiền. Kỳ vọng về chất lượng sẽ phải do các nhà quản lý tự gánh lấy, tự ý thức lấy trách nhiệm. Học phí tăng là để giải quyết nhu cầu chất lượng, tuy nhiên, lộ trình và các biện pháp để nâng cao chất lượng tại các trường ĐH vẫn chưa thực sự rõ ràng và thuyết phục được người nộp học phí.

Hoc phi tang, chat luong se tang?
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Học phí ĐH là chuyện đầu tư cho nghề nghiệp, cho sự phát triển của lớp trẻ sẽ trở thành lực lượng lao động chính của xã hội, của gia đình. Nhưng không thể chỉ nhìn vào mỗi cá nhân để đánh giá hiệu quả của đầu tư này, mà còn phải nhìn vào chất lượng chuyên môn cũng như mặt bằng văn hóa chung của lực lượng lao động toàn xã hội.

Một sinh viên tốt nghiệp ĐH có thể chỉ làm việc để nuôi sống bản thân, có thể chỉ đủ tầm để lo lắng loanh quanh trong gia đình, chưa thể vươn ra ngoài để có đóng góp lớn nào khác. Nhưng một cộng đồng gồm nhiều cá nhân có thể tự lập được sẽ khác với một cộng đồng phụ thuộc.

Vậy nên, đầu tư trong giáo dục ĐH là phải đầu tư tới tận từng con người, để họ có thể trưởng thành, có thể trở thành những người giỏi nghề, tự lập và có thể giúp đỡ người khác. Khác với giáo dục phổ thông cần trang bị một mặt bằng văn hóa chung, giáo dục ĐH phát triển những con người nghề nghiệp, con người chuyên môn.

Trên nền tảng nghiên cứu, phát triển của trường ĐH, một lực lượng lao động được đào tạo để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Ngân sách nhà nước đầu tư vào đây chính từ triết lý nền tảng này.

Vậy nên, từ năm 2013, Nhà nước đã nâng mức cho vay của Quỹ tín dụng học tập, thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, lên mức 11 triệu đồng/năm, dành cho tất cả các sinh viên, không phân biệt đang học tại trường ĐH công lập hay ngoài công lập.

Đây chính là một khoản “đầu tư trước” của chính quyền, của xã hội cho đào tạo lớp trẻ. Mục đích của việc đầu tư này là để mọi người có cơ hội bình đẳng ăn học như nhau, không giới hạn giàu nghèo, nâng cao mặt bằng dân trí, nâng cao trình độ của lực lượng lao động ở tầm quốc gia. Đây là một chính sách tích cực nhưng ít được để ý, trong khi một động thái như việc tăng học phí lại gây xôn xao trong xã hội.

Học phí các trường ĐH Việt Nam nhìn chung hiện nay vẫn thấp hơn so với thế giới. Vậy nên, mức tăng học phí 10% ở ĐH cũng chưa phải là chuyện sinh tử đối với người đóng học phí.

Vấn đề là, một khi đã nói tăng học phí nhằm đảm bảo các điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo, thì các biện pháp nâng cao chất lượng, các thay đổi tích cực trong hoạt động đào tạo, các tiêu chí đo lường mức đáp ứng của người tốt nghiệp đối với thị trường lao động… phải rất rõ ràng.

Lập Phương 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI