PNO - Trả lời phỏng vấn của Báo Phụ nữ TPHCM về vấn đề học phí đại học, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT - cho rằng cần xem xét ngành học nào hoặc trường đại học nào có thể được phép tăng học phí để điều tiết quy mô sinh viên.
Phóng viên: Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có ý kiến không tăng học phí năm học 2023-2024, ông đánh giá thế nào về chủ trương này của Chính phủ?
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh: Sau đại dịch, kinh tế đang được phục hồi nhưng trên bình diện vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn. Việc tăng học phí đồng loạt là không nên vì sẽ ảnh hưởng lớn đến chính sách vĩ mô của Chính phủ. Dù không đồng loạt tăng nhưng cần xem xét ngành học nào hoặc trường đại học (ĐH) nào có thể được phép tăng học phí để điều tiết quy mô sinh viên, đảm bảo cân đối hài hòa cơ cấu nhân lực của ngành và của nền kinh tế. Chính phủ nên cho phép tăng học phí ở lĩnh vực ngành học có nguy cơ cung vượt quá cầu về nhân lực hoặc lĩnh vực đang có nguy cơ thiếu nhân lực thì Nhà nước cấp bù kinh phí.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh
* Việc không được tăng học phí khiến các trường đồng loạt than khó. Quan điểm của ông thế nào? - Không tăng học phí chắc chắn khó khăn cho một số trường ĐH trong việc tái đầu tư cơ sở vật chất, giữ chân đội ngũ giảng viên có chất lượng và có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế là các trường của ta nguồn thu chủ yếu từ học phí hệ dài hạn và từ ngân sách nên rất bị động trong các giải pháp quản trị hiệu quả. Hiện với mức học phí chưa tăng, có một số trường quản trị tốt nên nguồn thu đa dạng và thậm chí còn dư hàng trăm tỉ đồng mỗi năm… Việc gia tăng nguồn thu như vậy ngoài yếu tố lợi thế về địa lý thì phải thừa nhận các nhà quản lý trường đó quản trị nhà trường rất tốt, biết chi tiêu đúng chỗ…
Thực tế, vẫn còn không ít các nhà quản lý giáo dục ĐH gần như bị “mù” về tài chính và kinh tế học giáo dục nên rất khó. Cuối cùng, phải chăm chăm nhìn vào cái túi sinh viên… và phải tăng quy mô để bù vào nguồn thu, từ đó chất lượng sẽ suy giảm, năng lực nghiên cứu của đội ngũ giảng viên cũng suy giảm do họ phải dành sức để dạy nhiều sinh viên hơn là dành thời gian cho nghiên cứu.
Hãy nhìn qua các trường ĐH ngoài công lập, họ vẫn phát triển, có trường vẫn kiếm được trên 1.000 tỉ đồng/năm. Từ đó có thể thấy bài toán quản trị hiệu quả của các trường công cần ưu tiên hàng đầu.
* Một số trường đề xuất nếu không được điều chỉnh mức học phí, Nhà nước cần có chính sách cấp bù tiền học phí cho trường? - Vấn đề này Nhà nước cần có nghiên cứu và hạch toán cẩn thận thì mới có thể tính đúng và tính đủ, tránh để nhà trường vẽ ra… Ngoài ra, học phí không chỉ là câu chuyện hạch toán mà còn liên quan đến điều tiết quốc gia về quy mô nhân lực theo nhu cầu. Ví dụ, có ngành nào đang rất thiếu nhân lực, học phí không đủ đảm bảo chất lượng đào tạo thì nên cấp bù cho nhà trường, ngành nào mà có nguy cơ dư thưa thì cần cho tăng học phí, như vậy mới thể hiện vai trò điều tiết của Chính phủ. Cũng cần lưu ý là chính sách học phí còn là một công cụ làm hài hòa sự phát triển ngày một bình đẳng hơn giữa trường công và trường tư.
Kết quả nghiên cứu là nguồn tài sản trí tuệ lớn của các trường đại học. Trong ảnh: Sinh viên ngành công nghệ sinh học Trường đại học Mở TPHCM thực hành trong phòng thí nghiệm - Ảnh: Trương Mẫn
* Bộ GD-ĐT cho biết sẽ thanh tra về học phí cũng như nguồn thu của các trường trong năm học tới. Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng việc thanh tra các nguồn thu này là cần thiết và ngân sách cần cấp bù cho các trường được xác định là thiếu kinh phí?
- Bộ GD-ĐT không đủ người thanh tra. Vì vậy nên có kênh tiếp nhận thông tin và giao cho sở GD-ĐT chủ trì, và sở tài chính địa phương phối hợp đi kiểm tra để nắm tình hình cụ thể. Như tôi đã nói, không phải cứ trường nào thiếu là bù mà không chú ý đến hiệu quả quản trị của nhà trường thông qua các giải pháp tài chính hiệu quả. Một trường mà lãnh đạo không có được văn hóa khởi nghiệp và sáng tạo thì luôn thiếu. Trường thiếu kinh phí nhưng lãnh đạo một số trường vẫn có thể có thu nhập siêu cao… Việc bù ngân sách tùy thuộc vào chính sách ưu tiên vùng miền và nhu cầu nhân lực của Chính phủ mà không phải cứ thiếu là bù.
* Xin cảm ơn ông.
Những cách để trường đại học tăng nguồn thu
Nếu chỉ tập trung vào học phí từ các khóa đào tạo chính quy sẽ khó tạo ra sự phát triển, nhất là các trường ĐH thuộc địa phương. Kinh nghiệm ở những trường thành công về tài chính có thể thấy nhờ họ đa dạng nguồn thu. Kinh nghiệm ở các trường ĐH trên thế giới thì họ có các hợp đồng nghiên cứu với chính phủ, doanh nghiệp hoặc tổ chức phi lợi nhuận để đảm bảo các khoản tài trợ và hợp đồng nghiên cứu. Các dự án nghiên cứu có thể tạo ra nguồn tài trợ đáng kể và đóng góp vào danh tiếng của trường.
Nhiều trường ĐH chuyển giao công nghệ như ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thương mại hóa các tài sản trí tuệ của nhà trường từ đó đóng góp vào nguồn thu đáng kể. Đặc biệt, có thể thu được từ các khóa đào tạo nâng cao về kỹ năng cho người lao động. Mỗi trường hãy coi mình là nơi cung cấp dịch vụ đào tạo kỹ năng bậc cao và trở thành “siêu thị học tập”, ai muốn học gì có thể lựa chọn. Trường ĐH cũng có thể phát triển, tiếp thị các khóa học và chứng chỉ trực tuyến chất lượng cao. Một số trường lại có thể kiếm thêm thu nhập từ hợp tác với các công ty để cung cấp dịch vụ tư vấn, giải quyết vấn đề và chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan.
Những trường y tế thường có bệnh viện thì có thể tăng thu nhập từ cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, như Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Y Hà Nội… làm rất tốt. Ngoài ra còn có những cách khác như tổ chức các sự kiện triển lãm hoặc văn hóa có thể mang lại thu nhập từ tiền cho thuê quầy hàng và góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương; kêu gọi các cựu sinh viên thành đạt gây quỹ cho trường…
Bên cạnh dàn thí sinh chất lượng, Royal Speaking Contest của Royal School năm nay còn nhận được sự quan tâm với format mới lạ và nhiều chủ đề tranh biện.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...