Học online rồi lại tết, nguy cơ kép về béo phì ở trẻ

14/01/2022 - 06:51

PNO - Tình trạng trẻ tăng cân không kiểm soát là vấn đề đau đầu của các phụ huynh khi con cái ở nhà học online. Nhiều bé có triệu chứng phải đi khám mới phát hiện đó là biến chứng của béo phì. Bác sĩ dinh dưỡng dự báo tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ sẽ còn trầm trọng hơn nữa khi Tết Nguyên đán đang cận kề.

Rối loạn sắc tố da, thiếu máu, tăng men gan

Thạc sĩ - bác sĩ Mai Quang Huỳnh Mai - Phó khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM - cảnh báo về tình trạng trẻ thừa cân béo phì tăng mạnh trong thời gian ở nhà học online. Không chỉ thế, bác sĩ còn lo ngại chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là tới tết Nguyên đán, nếu chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của các bé không được điều chỉnh kịp thời thì sẽ rất tồi tệ.

Từ tháng 10/2021 tới nay, bác sĩ Mai Quang Huỳnh Mai đã khám cho hơn 70 trẻ bị thừa cân béo phì. Các bé được phát hiện nhờ phụ huynh đưa đi khám tổng quát hoặc có triệu chứng bất thường về sức khỏe do béo phì gây biến chứng. 

Mới đây, bác sĩ Huỳnh Mai tiếp nhận một bé trai tên P.Đ.T., tám tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TPHCM. Ba mẹ phải đi làm nên bé T. ở nhà với ông bà. Bé học online hai buổi/ngày. Ông bà không kịp chuẩn bị nấu ăn nên chủ yếu cho bé ăn các món nhanh như bánh mì, xôi, bánh ngọt.

Con ở nhà học online, bố mẹ bận đi làm nên bữa ăn chủ yếu là các món tiện lợi gây thừa cân, béo phì
Con ở nhà học online, bố mẹ bận đi làm nên bữa ăn chủ yếu là các món tiện lợi gây thừa cân, béo phì

Chỉ trong vòng bốn tháng bé T. tăng tận 5kg. Bỗng dưng mẹ thấy da bé bị sạm đen ở các vùng cổ, gáy, nếp gấp cánh tay. Gia đình sợ T. bị bệnh gan nên đưa tới Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cho thấy gan bệnh nhi bình thường nhưng bác sĩ ghi nhận thể trạng bé lại dư cân, chuyển bé qua Khoa Dinh dưỡng. Hóa ra bệnh nhi bị một dạng biến chứng của béo phì là chứng gai đen gây rối loạn sắc tố da. Nếu không chú ý chúng ta sẽ lầm tưởng bé ở dơ, tắm chưa sạch nên vùng da cổ có những quầng đen sạm. 

Một trường hợp nữa là hậu quả của béo phì do chế độ dinh dưỡng ở nhà không hợp lý. Đó là bé gái tên N.T.H.Y., học lớp Một, ngụ TP.Thủ Đức, TPHCM. Bé được đưa đến bệnh viện khám trong tình trạng cân nặng thừa tận 140% so với tiêu chuẩn bình thường nhưng da dẻ lại xanh tái. Kết quả xét nghiệm cho thấy dù thừa cân nhưng Y. bị thiếu máu nặng. Sau khi tìm hiểu về chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của bệnh nhi, bác sĩ xác định nguyên nhân để kịp giờ học online nên bé lười ăn mà chủ yếu uống sữa thay thế. Uống quá nhiều sữa, canxi trong sữa sẽ khiến cơ thể khó hấp thu sắt dẫn đến tình trạng bị thiếu máu.

Một trường hợp khác là nam bệnh nhi tên N.Đ.B., chín tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM. Bé được mẹ đưa đi khám mắt vì học online nhiều dẫn tới mắt hay bị khô. Tuy nhiên, khi đọc được thông tin trên phần mềm dành cho bệnh nhân ngoại trú, bác sĩ thấy bé bị béo phì nên khuyên khám luôn cả dinh dưỡng. B. bị mỡ máu tăng cao, men gan tăng cao.

Để quá nhiều đồ ăn vặt ở nhà vì lo con đói

Theo bác sĩ Mai Quang Huỳnh Mai, trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay thì trẻ bị thừa cân béo phì lên dễ khó giảm. Nếu như trước đây, các bác sĩ dinh dưỡng chỉ cần trong vòng một tháng đã có thể điều trị giúp trẻ đứng cân và tăng chiều cao thêm 1 - 2cm thì nay khó mà đạt hiệu quả. Hai nguyên nhân chính gây ra tình trạng trẻ thừa cân béo phì tăng cao, khó kiểm soát hiện nay chính là do chế độ dinh dưỡng và thiếu vận động.

Nhóm trẻ tiểu học vẫn đang ở nhà học online trong khi cha mẹ lại đi làm, không có thời gian chuẩn bị các bữa ăn lành mạnh cho con. Các bé chủ yếu ăn đồ ăn nhanh. Mang tâm lý sợ con ở nhà đói và thói quen mua nhiều đồ dự trữ từ trong mùa dịch nên phụ huynh luôn để rất nhiều bánh trái, đồ ngọt, sữa, pizza… để bé ăn tùy ý. Chỉ ngồi học trên máy tính, không vận động, thức khuya, không ngủ trưa đã góp phần thúc đẩy tình trạng thừa cân, béo phì. 

Những biến chứng gây các bệnh chuyển hóa, tim mạch do thừa cân béo phì thì ai cũng biết. Nghiêm trọng hơn cả là trẻ bị béo phì có nguy cơ trở nặng rất cao khi mắc COVID-19. Bác sĩ Huỳnh Mai khuyên phụ huynh hãy cho con vận động trong nhà bằng các bài tập thể dục nếu không có đủ không gian. Gia đình nào có sân thì lắp cho bé rổ bóng để bé chơi bóng rổ mỗi ngày. Phụ huynh cần quy định bé ăn ngủ đúng giờ (phải ngủ trưa và không được thức khuya).

Về chế độ dinh dưỡng, các bé cần tăng rau xanh và cá, giảm thịt và tinh bột (bao gồm cả các loại củ quả có dầu và hàm lượng tinh bột cao như khoai). Làm được điều này không hề đơn giản bởi nấu món thịt dễ hơn món cá và nấu củ quả tiện hơn rau xanh (củ quả bảo quản được lâu hơn các loại rau lá nên khi không có thời gian thì chúng ta có xu hướng mua nhiều các loại củ để tránh nhanh hỏng như rau). Trong mùa dịch, cha mẹ thường hay mua trái cây rất ngọt như nho Mỹ để tẩm bổ cho con. Thế nhưng ăn trái có độ ngọt cao thường xuyên thì lại là yếu tố gây béo phì. Nếu phụ huynh mua sữa để nhiều ở nhà cho trẻ thì lưu ý hãy lựa chọn sữa không đường hoặc tách béo. 

Chẳng còn bao nhiêu ngày nữa là tới Tết Nguyên đán. Khi chưa có dịch COVID-19 xảy ra, sau mỗi kỳ nghỉ tết trẻ có thể bị tăng tới 3kg. Nếu không nghiêm túc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt thì sắp tới tình trạng trẻ em thừa cân béo phì sẽ còn trầm trọng thêm nữa, vô hình trung tạo gánh nặng cho công tác điều trị COVID-19 đối với các bệnh nhi. 

Thanh Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI