Học online: Phụ huynh cùng con vật lộn với... ma trận app

27/09/2021 - 09:30

PNO - Chỉ mong các app hoạt động ổn định, đơn giản chứ đừng như nấm sau mưa, trong khi chất lượng chập chờn, "ba sôi hai lạnh".

Hôm rồi, nhìn bức ảnh chụp màn hình điện thoại của một bác sĩ đầy các phần mềm ứng dụng y tế mà anh phải khai báo mỗi ngày, tôi phát hoảng. Không hiểu vì sao một lĩnh vực mà người dùng buộc phải cài đặt nhiều ứng dụng đến vậy.

Cũng liên quan đến các ứng dụng (app - thường được gọi là "áp" - viết tắt từ chữ application), có lẽ chưa khi nào việc học của con cái lại khiến phụ huynh đau đầu như hiện nay.

Thời Covid, thời của các ứng dụng mà nhiều cái có nội dung trùng lắp, phức tạp đến khó hiểu (Ảnh: minh hoạ)
Thời COVID-19, nhiều ứng dụng có nội dung trùng lắp, phức tạp đến khó hiểu (Ảnh minh họa)

Những tưởng xoay xở được cho con các công cụ hỗ trợ cho việc học online là đã đủ, nhưng không, trẻ em cũng bị lôi vào ma trận app. Mọi chuyện bắt đầu khi các trường ứng dụng các phần mềm vào việc dạy và học trong hoàn cảnh dịch bệnh chưa kết thúc.

Trong lúc phụ huynh còn đang loay hoay với cái chứng nhận thẻ xanh cho việc tiêm đủ hai mũi vắc xin trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và ứng dụng VNeID để khai báo di chuyển nội địa, di biến động dân cư, tôi được giáo viên chủ nhiệm của con yêu cầu cài ứng dụng Azota (dành cho việc dạy và học) vào điện thoại hoặc máy tính của con.

Xài Azota được vài ngày, giáo viên chủ nhiệm yêu cầu cài thêm phần mềm E-learning để học sinh lấy tài liệu, làm bài tập giáo viên gửi, làm bài kiểm tra. Khi tôi đang lo lắng vì đăng nhập bất thành thì E-learning đã được thay bằng yêu cầu truy cập vào trang web http://lophoc.hcm.edu.vn. Thế nhưng, web mới xài được... hai ngày thì không truy cập được nữa!

Phụ huynh còn được yêu cầu cài app VssID để tra cứu BHXH, BHYT cho con. Ai đã từng cài app này thì mới hiểu nó phức tạp đến mức nào.

Trong cuộc họp phụ huynh học sinh hồi đầu tháng, giáo viên chủ nhiệm cho biết nhà trường chưa có ứng dụng chuẩn hóa cho việc dạy và học, chủ yếu do giáo viên tự xoay xở, tìm tòi phục vụ cho công tác giảng dạy và học. Thế nên, chuyện mỗi người một phách, có giáo viên dùng Google Meet, có người dùng Zoom, người dùng Microsoft Teams cũng là dễ hiểu, miễn họ thấy thuận lợi.

Tôi chưa thể an tâm bỏ mặc "học sinh con" còn ham chơi hơn ham học và hay quên với một mớ địa chỉ web lẫn app nên ứng dụng nào giáo viên yêu cầu cài trên máy con, tôi cũng cài trên điện thoại mình để biết cách sử dụng và nhắc nhở, giải đáp khi con cần.

Kèm theo đó là danh sách tên đăng nhập và mật khẩu dài dằng dặc lại thường xuyên bị thay đổi.

Con học online, bố mẹ khổ (Ảnh: minh hoạ)
Con học online, bố mẹ cũng... học (Ảnh minh họa)

Học sinh các năm cuối cấp II đã tương đối rành công nghệ, cấp III hoặc đại học đã có thể thích ứng với việc dùng nhiều app cùng lúc, nhưng với các lớp nhỏ hơn, tôi không hình dung được các cháu sẽ loay hoay thế nào với các ứng dụng. Cha mẹ không phải ai cũng rành công nghệ, hoặc có rành cũng không thể kề cận để hỗ trợ con suốt quá trình học online.

Chẳng biết tình trạng này còn kéo dài đến bao giờ, trên các group, phụ huynh than với nhau:  "Cứ thế này cha mẹ không loạn app chắc cũng... cao huyết áp". Dù vậy, hiểu tình hình khó khăn chung nên tôi cũng như nhiều phụ huynh khác chẳng nề hà chuyện vật lộn với đống app để học cùng con.

Chỉ mong các app hoạt động ổn định, đơn giản chứ đừng được phát triển như nấm sau mưa mà chất lượng chập chờn khi học tập, làm việc online đã và đang trở thành xu hướng trong giai đoạn "bình thường mới".

Đừng như trường hợp của tôi mới đây: vừa đọc xong cách sử dụng một app đã truy cập bất thành dù tên đăng nhập và mật khẩu không hề sai, tôi nhận được tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm: "Trang web xyz đang được bảo trì nâng cấp phần mềm. Phụ huynh vui lòng tạm ngưng truy cập, chờ thông báo!".

Mẹ Gấu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI