Học online: Ở nhà mẹ cũng là cô giáo

22/09/2021 - 05:58

PNO - Không được đến trường với thầy và bạn, con trẻ có thể bị thiếu hụt môi trường tương tác, thảo luận… bổ trợ cho phát triển ngôn ngữ.

Với câu hỏi “Để con tự học tốt thì trong kỹ năng vận động trí óc (A) và kỷ luật bản thân (B), phụ huynh cần phát triển kỹ năng nào hơn ở con?”, 80% phụ huynh chọn B, 20% còn lại chọn A và cả A lẫn B. 

Đó là kết quả khảo sát trong hội thảo “Để con tự học online hiệu quả và cân bằng” do Trường ngoại khóa Tomato tổ chức trước thềm năm học 2021 - 2022.

Số liệu trên cho thấy, mối lo ngại hàng đầu của phụ huynh là về nền nếp của trẻ. Nếu con chịu ngồi im, lắng nghe thầy cô thì dễ tiếp thu kiến thức. Nhưng với trẻ, nhất là bậc tiểu học, tính khí hiếu động thì việc ngồi im nghe có vẻ… “chúng ta không thuộc về nhau”.

“Di dân” vào thế giới online

Đầu hè, chị Trần Linh (ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đưa hai con cùng ba đứa cháu về quê ngoại chơi, không ngờ bị kẹt lại. Tựu trường, ba đứa lớn vào lớp Sáu, lớp Ba, lớp Một. Mới thở phào vì huy động được đủ ba thiết bị điện tử cho ba học trò, chị Linh lại đau đầu mỗi khi lớp học “nhóm chợ”. 

Chị Quỳnh Trâm và hai cô “công chúa” hăm hở bước vào năm học mới
Chị Quỳnh Trâm và hai cô “công chúa” hăm hở bước vào năm học mới

Tại nhà, hai “siêu quậy” mầm non giật điện thoại, xô máy tính, kéo anh chị ra chơi đá banh, nhảy nai hay lắc bầu cua; trên màn hình, các bé chung lớp ngồi nghiêng ngửa, bật micro cười nói lao xao.

Cô giáo tắt micro bạn này, tạp âm lại vang lên ở nhà bạn khác. Có cả phụ huynh gọi điện đặt hàng trực tuyến (online) hoặc có tiếng xào nấu thức ăn, rồi tiếng kéo cửa sắt, tiếng chó sủa… 

Buổi học nào cũng có bạn mắt nhắm mắt mở vì mấy tháng hè quen ngủ nướng. Có bạn được mẹ đút ăn, vừa nhai vừa học.

Không khí học hành loạn xạ vậy, các con khó chú tâm. Đứa nhỏ xin cô đi vệ sinh rồi đánh một vòng ra sân chơi, chị Linh phải quát tháo, hăm he, hai đứa đang ngồi học bắt đầu nhốn nháo. Mỗi khi tới giờ học là ông bà cũng phải ngưng việc chăm sóc vườn cây để phụ chị “dẹp yên” mấy đứa trẻ.

Sau tiếng trống khai giảng vang dội… trên màn hình, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành bước vào một năm học chưa từng có. Bước khỏi “vùng an toàn” - truyền thống dạy học trực tiếp, nhà trường, phụ huynh và học sinh không tránh khỏi những bối rối, lo lắng, bị động.

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương (người sáng lập và điều hành Trường ngoại khóa Tomato) gọi khởi đầu năm học này là “một cuộc di dân lên thế giới online”, đòi hỏi cao kỹ năng tự học.

Có nhiều tình huống dở khóc dở cười khi đang học trực tuyến, trẻ tắt micro, tắt camera chạy chơi, ngủ gật hoặc ngồi trước màn hình chăm chú xem… phim. Ngược lại có trẻ hào hứng giơ tay phát biểu nhưng cô lại gọi bạn khác nên buồn, tiu nghỉu ngồi một góc, rồi bị mẹ quát: “Sao không học, lười hả?”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Bắc giàn cho dây leo”

Trong lớp học phẳng, “quyền lực cứng” của giáo viên sẽ giảm, “quyền lực mềm” là sự đổi mới, hấp dẫn, thu hút của tiết học sẽ được nâng lên. Nhưng dù bài giảng có sinh động đến mấy, dù cô hào phóng trao thưởng cũng khó giữ chân trò suốt tiết.

Chính vì thế, “giáo viên tại gia” là cha mẹ, ông bà có vai trò rất quan trọng. Với mỗi lứa tuổi, con cần nhận sự trợ giúp khác nhau nhưng từ khóa chung được thạc sĩ Nguyễn Hoàng Chiêu Anh (thành viên ban chuyên môn Trường ngoại khóa Tomato) gợi mở là cha mẹ hãy “từ nghiêm” với con.

Hiền hòa, nhân từ, nhẹ nhàng nhưng cha mẹ cần nghiêm túc, nghiêm cẩn nuôi nấng những nguyên tắc sống, kỷ luật tích cực nơi con, xây dựng giờ giấc điều độ, thái độ trang trọng thậm chí thiêng liêng đối với việc học.

Nghiêm túc không có nghĩa là la hét, hù dọa, tạo căng thẳng, tạo những cảm nhận méo mó về trường lớp, thầy cô hoặc nôn nóng, thúc ép, so sánh con nhà mình với các bạn đồng lứa. 

“Phụ huynh hiểu tính tình, khí chất của con, đón nhận và tôn trọng hiện trạng của con, nắm bắt những thử thách, trở ngại để từng bước trợ giúp.

Từ và nghiêm như vòng tay nâng đỡ con một cách từ tốn và hiệu quả, hướng dẫn từng bước một. Phụ huynh thảo luận với thầy cô để hiểu về con hơn, cùng bắc giàn cho dây leo non nớt thả chèo vươn lên” - cô Chiêu Anh ví von đầy yêu thương. 

Con không ngồi im có thể do con có trí thông minh vận động tốt. Để con bớt chán trong tiết học dài, phụ huynh có thể tạo chút không gian, cơ hội cho con sờ nắn đồ chơi, quyển sách.

Giữa các tiết học, phụ huynh nhắc nhở con đi uống nước, đi vệ sinh, ngồi chơi một chút với cha mẹ, tránh việc con nấn ná lại nhắn tin với bạn ảnh hưởng chất lượng học ở tiết sau và sức khỏe. 

Khuyến khích con thư giãn mắt, chân tay, ngoài giờ học năng tập thể thao, sáng tạo đồ chơi, trồng cây… Phụ huynh dành thời gian trò chuyện với con, trao đổi một số điều trong bài học, bài thực hành, rèn luyện khả năng tập trung, đọc sách mở mang kiến thức… 

Nếu cha mẹ đang có những tổn thương, chông chênh, áp lực: mất việc, giảm thu nhập, người thân mất, vợ chồng hục hặc… hãy nhìn nhận tình trạng, đối mặt và giải quyết, có thể nhờ trợ giúp của nhà chuyên môn để vực dậy tinh thần.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại nhiều trường, giáo viên có hoạt động “thăm nhà” online để nắm bắt hoàn cảnh của trò mới: nhà chật hay rộng, có góc học tập riêng không, nhà có em nhỏ hay khóc không, con đang ở chung với cha mẹ hay ở với ông bà ít rành về công nghệ… Từ đó cô thầy thấu hiểu, cảm thông, quan tâm nhiều hơn.

Trước thềm năm mới, nỗi lo của phụ huynh đổ dồn về lớp Một với việc học đọc viết, tuy nhiên, thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng: “Đấy chỉ là phần nổi của tảng băng. Đọc hay viết cũng chỉ thuộc hình thái ngôn ngữ viết bên cạnh ngôn ngữ nói và ngôn ngữ hình ảnh.

Với kỹ năng sư phạm, thầy cô có nhiều công cụ giảng dạy, sẽ không khó để hướng dẫn các con. Phụ huynh có thể truy cập trang web: hanhtrangso.nxbgd.vn nơi phát triển sách điện tử song hành với sách giáo khoa hiện hành, có nhiều học liệu điện tử sinh động, các video ngắn dễ hiểu, dễ làm theo.

Không được đến trường với thầy và bạn, con trẻ có thể bị thiếu hụt môi trường tương tác, thảo luận… bổ trợ cho phát triển ngôn ngữ.

Để bù đắp khoảng trống này, cha mẹ, ông bà, con cháu nên thường xuyên đối thoại, trao đổi; phụ huynh khuyến khích thói quen suy nghĩ và tạo điều kiện cho trẻ trình bày, diễn đạt những điều mình nghĩ; không gạt phăng những câu chữ chưa chỉn chu, chưa rành mạch đầu đuôi mà hãy dừng lại lắng nghe điều con đang thực sự muốn bày tỏ là gì”. 

Tô Diệu Hiền

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

ĐÃ HỌC THÌ PHẢI NGHIÊM TÚC, DÙ “OFF” HAY “ON”

Chị Nguyễn Lê Quỳnh Trâm (TP.Thủ Đức, TP.HCM): “Từ năm học trước đã có thời gian các con phải học online. Tôi nhìn qua màn hình thấy rất thương lớp học, thương cô giáo quá vất vả.

Có bạn ôm chó mèo, thú bông, có bạn ngồi lắc lư xoay vòng ghế, có bạn xin đi vệ sinh khiến cả lớp loay hoay, tập trung để ý nhất cử nhất động của mọi thứ xung quanh ngoại trừ… bài giảng, khiến cô vừa giảng bài, vừa theo dõi nhắc nhở tư thế ngồi và thái độ học tập của ba mươi mấy bé qua màn hình Zoom nhỏ xíu. 

Để con học hiệu quả, tôi chuẩn bị góc học tập thật ngăn nắp, đàng hoàng, riêng biệt, bàn ghế vừa tầm, bàn học rộng vừa đặt máy tính và tập để ghi bài. Tuyệt đối không để con ngồi học ở phòng ngủ hoặc nơi cả nhà sinh hoạt chung, mọi người đi qua đi lại, dễ phân tâm.

Có lúc bé nhỏ rụt người xuống màn hình như muốn tránh bớt tầm nhìn của cô, tôi khều nhẹ con. Biết con hơi mệt, mỏi mắt, tôi động viên, khích lệ con. Sau giờ học, tôi hỏi một vài câu để kiểm tra xem con tiếp thu bài đến đâu. 

Tôi hy vọng và tin tưởng các thầy cô sẽ thiết kế bài giảng phù hợp, tinh gọn và lôi cuốn bằng các chương trình có tính tương tác với người học. Và thông qua việc học online, rèn cho con tính tự giác, thích nghi cao và tinh thần chịu khó học tập. Đã học thì phải nghiêm túc dù bằng hình thức trực tiếp hay trực tuyến”.

Hoài Nhân (ghi) 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI