Đọc bản tin về việc khai giảng năm học mới với hình thức trực tuyến, nhóm phụ huynh chúng tôi nuốt cơm không nổi, rào rào lên các group cha mẹ bàn bạc.
Cả nước đang vào cao điểm chống dịch, riêng TPHCM tình hình giãn cách căng thẳng, ảnh hưởng nhiều tới kinh tế, xã hội và cuộc sống người dân. Cuộc chiến với dịch COVID-19 chắc chắn sẽ còn dài, còn rất nhiều gian nan. Từ hai tháng qua, hàng triệu gia đình đã và đang lâm vào cảnh kiệt quệ khi lần lượt nhiều người mất việc làm, nhiễm bệnh. Gia đình nào may mắn vẫn an toàn thì cũng không thể an lòng trong tình cảnh tứ bề phong tỏa, “thập diện mai phục” bởi… F0 và rào chắn xung quanh.
Người có tinh thần lạc quan nhất, tinh thần thép nhất cũng đã chùng lòng, xìu như bong bóng xì hơi. Vậy nhưng, dường như những âu lo thêm chồng chất khi năm học mới đã cận kề. Và lịch học… online - kể cả lớp Một, cũng đã được lên kế hoạch, ngày tháng dự kiến rõ ràng, mặc kệ… con virus nguy hiểm ngoài kia, đứa con bé bỏng của tôi vẫn phải vào năm học mới.
|
Vừa phải dối phó dịch bệnh, vừa lo học online, liệu các con có dễ dàng vượt qua? Ảnh: internet |
Nhiều người giống tôi - một bà mẹ của hai đứa con - rối trí vì không biết rồi con mình sẽ học online kiểu gì, như thế nào, ra sao khi mà chỉ cần lo miếng ăn và liều thuốc trấn tĩnh tinh thần trong lúc này thôi đã khó.
Hãy khoan bàn chuyện học phí. Tôi chỉ muốn nói đến việc học online, bắt đầu từ phương tiện để học. Cứ nghĩ đơn giản, nhà có 2 đứa con, đứa cấp II, đứa vô lớp Một, và một bà mẹ làm việc truyền thông trực online 24/24, trong khi nhà chỉ duy nhất một cái laptop.
Một cái laptop thì không thể “xẻ” ra làm 3 nửa. Cái điện thoại của tôi lúc này là cực kì quan trọng để kết nối với các mối quan hệ lẫn công việc, nên cũng không thể tùy tiện để cho con học online.
Thằng nhóc nhỏ, tôi đã rất cố gắng thu xếp để dạy con cách đọc chữ, số ngay từ lúc mới nghỉ dịch. Nhưng con cũng đâu phải thần đồng để có thể tự mày mò ngồi học Zoom với cô mà không cần mẹ hoặc ba ngồi kế bên kèm cặp, cài Zoom, nhập mật khẩu, bật micro các kiểu…
|
Phụ huynh vẫn cố hài hước trước việc học online của con, dù rầu... thúi ruột. Ảnh: F acebook |
Ngó qua mấy phòng trọ của dân lao động trong hẻm, tôi thấy nheo nhóc một bầy con nít. Chúng tự chơi, những món đồ chơi đã cũ mèm. Nào đã được rờ tới cái điện thoại hay máy tính để mà học… online.
Cha mẹ chúng, 2 tháng ròng mất việc, hết đứng lại ngồi, canh giờ có xe thiện nguyện tới đầu hẻm là xách giỏ ra xin gạo, rau củ. Đừng nói tới máy tính hay điện thoại, đến cuốn tập còn chưa chắc đã kịp sắm được cho con.
Tụi nhỏ nhà tôi, nào đã có được cuốn sách giáo khoa mới. Trường cấp II trưng dụng làm khu cách ly, trường tiểu học lấy làm điểm tiêm vaccine. Bách hóa, văn phòng phẩm đóng cửa. Có đặt hàng online cũng chỉ đặt “thực phẩm thiết yếu”, đơn sách đặt nhiều lần đều bị hủy đơn.
Thời buổi tuân thủ 5K, ai nấy ở tịt trong nhà và ngóng shipper như ngóng má đi chợ. Sách không có, máy cũng không, mạng wifi thì quay cuồng như rối loạn tiền đình. Vậy thì tụi nhỏ và thầy cô sẽ dạy và học bằng gì? Bằng niềm tin chăng? Chưa kể, nếu trong đám học học sinh ấy, có đứa F0, có đứa còn mang nỗi đau mất người thân trong trận dịch, tinh thần đâu để học đây?
|
Nhiều phụ huynh bày tỏ quan điểm của mình quanh việc học online sắp tới của các con. Ảnh: facebook |
Sau kì thi tốt nghiệp THPT giữa tâm dịch đầy sóng gió vừa rồi, cơn giận dữ và sự thất vọng của hàng triệu phụ huynh vẫn chưa nguôi ngoai. Không chỉ phụ huynh, học sinh khổ, mà cả giáo viên, người đứng mũi chịu sào, đều rất khổ tâm.
Bạn tôi, một giáo viên tiểu học lâu năm, ngay từ đầu dịch đã được vận động vào đội tình nguyện chống dịch, đi hỗ trợ test cộng đồng, tiêm vaccine liên tục. Bạn mới nhắn tâm sự với tôi rằng mình quá đuối khi được yêu cầu phải làm clip chuẩn bị dạy online.
Một ngày ròng rã, bạn đi từ điểm tiêm này đến điểm tiêm khác, đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, tối về phải thức đến tận khuya, mày mò các phần mềm lạ lẫm để dựng clip. Tất cả đồng nghiệp bạn cũng đã gần như kiệt sức. Tôi thấy thương bạn quá đỗi. Người chứ đâu phải siêu nhân!
Hai ngày nay, cùng với tin thành phố áp dụng “biện pháp mạnh hơn để quyết tâm dập dịch”, mạng xã hội nháo nhác lên với việc học online của sấp nhỏ. Từ tranh luận đến tranh cãi, từ ủng hộ “Ừ, giãn cách rảnh mà, cho bọn chúng học đỡ buồn”, đến phản đối “học hành gì tầm này”. Từ sửng sốt đến thất vọng, từ lo lắng, buồn rầu đến tức giận… nhưng tuyệt nhiên không ai vui.
|
Không ai có thể vui nổi với quyết định học online trong tình hình dịch dã căng thẳng này. Ảnh: facebook |
Ừ, vui sao nổi. Ngay cả đến việc ăn, ngủ thôi cũng đã khó khăn ngay lúc này, thì sao vui nổi khi bị buộc phải học bằng mọi giá. Tôi nghĩ, việc chống dịch còn dài lắm, không phải ngày mai, ngày kia sẽ hết. Học online 1 - 2 tuần để đối phó thì còn được, chứ online kiểu “trường kỳ kháng chiến” là không ổn.
Tôi đang nghĩ, nếu mạnh dạn lùi học kỳ của tụi nhỏ vài tháng thì đã sao? Học chậm vài tháng đâu có nghĩa là tụt hậu, là đi lùi, hay dốt đi, thua xa bạn bè?
Việc thiết yếu nhất lúc này là chung tay đẩy lùi dịch bệnh, sách giáo khoa chỉ mới được đề nghị đưa vào danh mục “hàng thiết yếu” cách đây 3 ngày và vẫn chưa được trả lời rõ ràng, thì việc học lúc này có thật sự là “thiết yếu” không? Có ai giúp giải thích hay bổ sung thêm điều gì mà tôi chưa biết, chưa hiểu đúng không?
Tử Anh Anh
(Q.9, TPHCM)