Học online, không dạy bù là hổng kiến thức

13/03/2020 - 08:06

PNO - Đó là lo lắng chính đáng của rất nhiều phụ huynh bởi thời gian nghỉ quá dài, lại bị động nên gần như không thể xoay xở gia sư, giáo viên dạy kèm khi con phải học online.

Con học online, mẹ lo hổng kiến thức

Hơn hai tuần nay, con của chị A., đang học lớp Tám tại Trường Vinschool cơ sở Golden River, đã phải trực tuyến, tương tác với giáo viên qua thiết bị điện tử để học ngày hai buổi từ thứ Hai đến thứ Sáu như học ở trường. Ở những lần đầu thông báo nghỉ thì ôn tập online không bắt buộc, nhưng đợt sau này gần như bắt buộc vì học cả kiến thức mới, có điểm danh. Con chị học mỗi tuần 17 tiết, chương trình nâng cao nên gần như học hết các môn chính của Cambridge, chỉ trừ tiếng Việt, mỹ thuật, thể thao và công dân toàn cầu. 

Học sinh học online ở nhà - Ảnh: Gia Tuệ
Học sinh học online ở nhà - Ảnh: Gia Tuệ

Theo chị A., thông báo nghỉ lần đầu cho biết sẽ học bù khoảng một tuần, nhưng những lần nghỉ sau thì không thấy nói sẽ học bù. “Nghe nói do học chương trình Cambridge nên giáo trình, khảo thí, giáo viên nước ngoài chỉ hợp đồng đến cuối tháng Năm, khó có thể dạy bù. Nhưng nếu không dạy bù, trẻ sẽ hổng kiến thức. Như con tôi, nếu không có cha mẹ học cùng thì coi như không học được gì”, chị A. lo lắng. 

Cùng nỗi lo, chị N., phụ huynh Trường International School Hochiminh city (Q.2, TP.HCM), cho biết, khoảng bốn tuần nay, hai con của chị (lớp Một và lớp Năm) học online. Bé lớp Một học không nhiều nhưng bé lớp Năm mỗi ngày lên máy ngồi học tầm 3-4 tiếng. Cách học của trường này là học trên app có video bài giảng, link bài tập… Giáo viên sẽ phản hồi qua email, chat… Nếu có yêu cầu gì thì hẹn và trao đổi trực tiếp với giáo viên một lần/tuần. Cách học này có thể linh động thời gian học nhưng đòi hỏi phụ huynh phải sát cánh cùng con. 

“Con tôi sáng dạ, có tính tự lập, hơn nữa tôi làm việc tại nhà nên có thể hỗ trợ tối đa, nhưng hiệu quả học tập cũng chỉ bằng 60-80% so với học tại trường. Nhiều bé chắc chắn sẽ đuối. Thực ra, phụ huynh nào cũng sẽ hỗ trợ hết mình vì đây là trường hợp bất khả kháng, nhưng do lịch nghỉ bị động nên không thể sắp xếp giáo viên dạy kèm. Quá trình học online kéo dài đến giờ đã bộc lộ khuyết điểm. Con tôi học 100% chương trình nước ngoài, giáo viên nước ngoài, và theo tôi biết trường vẫn chưa có kế hoạch học bù”, chị N. nói. 

Không chỉ các trường hợp “dính” tới chương trình ngoại, giáo viên nước ngoài mới gặp khó trong việc dạy bù mà các trường khác cũng gặp khó vì thời gian dự trữ so với kế hoạch năm học của Bộ GD-ĐT đã không còn. Vì vậy, thay vì trước đây chỉ ôn tập cho học sinh không quên bài thì giờ các trường đều tranh thủ dạy kiến thức mới, dạy thật trên online. Nhưng hiệu quả của kiểu học online đối phó hoàn cảnh khi người học chưa được trang bị các kỹ năng tự học thế này thì hiệu quả thế nào đã rõ. 

Học online không thể bằng trực tiếp 

Tiến sĩ Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Vinschool, cho biết: học online hiệu quả không thể bằng trực tiếp nhưng giáo viên phải làm việc rất cực. Nếu học sinh nào không học trực tuyến được trong khoảng thời gian có thầy cô dạy thì vào link học sau đó. 

Dạy ôn tập mãi thì học sinh cũng chán nên trong quá trình ôn tập, giáo viên sẽ lồng thêm kiến thức mới. Sở dĩ, nhà trường phải điểm danh học sinh có học online hay không để nắm tình hình và tiến hành dạy phân hóa khi học sinh quay trở lại trường. Trường cũng không kiểm tra đánh giá trong thời gian này. 

Hiện, học sinh của Vinschool sẽ học trực tuyến 15 tiết/tuần đối với học sinh học chương trình chuẩn và 17 tiết/tuần cho chương trình nâng cao.

Trả lời cho lo lắng của phụ huynh vì vướng lịch giáo viên nước ngoài không thể dạy bù dịp hè, bà Điệp cho rằng, bởi vì chưa biết sẽ nghỉ đến khi nào nên trường chưa thể lên kế hoạch học bù. Phụ huynh đừng lo lắng vấn đề nhân sự bởi nhà trường đảm bảo cam kết dạy đủ chương trình. 

Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, Hệ thống trường Tuệ Đức (Pathway school), cho rằng: “Học online như tình thế hiện nay thật sự không có nhiều tác dụng trừ khi nhà trường có kế hoạch ngay từ đầu năm học, có chuẩn bị hẳn hoi. Không thể bắt buộc thì có em học, em không, rồi có trường hợp có học mà không hiệu quả… Vì vậy, theo quy định vẫn phải dạy bù đầy đủ sau khi học sinh quay lại trường.

Tại trường tôi, học sinh được khuyến khích nghỉ ngơi, ăn uống tốt để đảm bảo sức khỏe, có cơ hội về thăm ông bà, nếu chán thì vào link của trường làm bài tập…”. 

Một vị hiệu trưởng "bật mí": Sở dĩ nhiều trường quốc tế, trường tư thục đến các trung tâm ngoại ngữ đều đẩy mạnh học online, nhấn mạnh tầm quan trọng của nó và “hù” không dạy bù một phần là vì nguồn thu. Không dạy thì không có nguồn thu nên phải dạy online và còn kiến nghị lên Chính phủ được công nhận kết quả đó. Việc hợp đồng với giáo viên nước ngoài luôn có những điều khoản ràng buộc trong các trường hợp khi thiên tai xảy ra nên không thể nói là hết hợp đồng thì giáo viên có kế hoạch về nước. Đó là chưa kể các trường, trung tâm có gắn với yếu tố nước ngoài thì thời gian hè luôn có các khóa học hè, tiếng Anh do người nước ngoài dạy thì không thể nói không có giáo viên nước ngoài nên không thể dạy bù.

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI