Học online bộc lộ trình độ tin học chênh nhau quá lớn

29/11/2021 - 07:45

PNO - Kỹ năng công nghệ thông tin hay tin học được coi là yếu tố then chốt quyết định thành công của việc dạy học trực tuyến, nhất là khi hiện nay dạy học trực tuyến không còn là giải pháp tình thế. Thế nhưng, việc dạy tin học vẫn có sự chênh lệch khá lớn giữa thành phố và nông thôn. Ngay cả tại thành phố, việc dạy môn tin học cũng còn nhiều hạn chế.

Nhiều trường “trắng” tin học

Hiện ở miền núi, vùng khó khăn, phòng tin học của nhiều trường “cửa đóng, then cài” vì thiếu giáo viên, không có điều kiện xây dựng phòng học, mua sắm máy vi tính. Thiếu trang thiết bị dạy học, giáo viên không thể ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, học sinh cũng không được tiếp cận với môn tin học…

Tại Trường tiểu học Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) thầy giáo Nguyễn Quang Hùng cho biết là một trong những trường học ở vùng khó khăn, hiện tại trường chưa bố trí dạy tin học cho học sinh. “Chỉ có một số trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất mới có thể dạy tin học cho học sinh”, thầy Hùng nói.

Những tiết học trực quan của một số trường tư khi ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến  - ẢNH: ĐẠI MINH
Những tiết học trực quan của một số trường tư khi ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến - Ảnh: Đại Minh

Còn thầy Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tri Lễ 1 (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), cho hay: “Cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, ở trường chưa có wifi nên việc học trực tuyến vô cùng khó khăn. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, đa số học sinh không có điện thoại, máy tính; có em có thiết bị thì không có 3G nên giáo viên phải đến tận nhà đưa phiếu bài tập cho học sinh. Hiện nay, với những khó khăn trên nên học sinh tại trường cũng chưa được tiếp cận với môn tin học”.

Thầy Đinh Văn Huấn, Trường THCS bán trú Mai Long (tỉnh Cao Bằng), thông tin, là trường vùng 3, việc học trực tuyến nhà trường không thể triển khai do học sinh không có thiết bị cũng như không có mạng. Vì thế, giáo viên chia nhỏ lớp và phát phiếu bài tập cho học sinh. Còn về dạy tin học, trường cũng đã có đầu tư và đang triển khai.

Trong khi đó, việc dạy môn tin học ở trường miền xuôi cũng chưa thực sự hiệu quả. Chị Trần Thị H., nhân viên một trường tiểu học ở TP. Hà Nội, cho biết, học sinh của trường chị nhiều năm nay vẫn… học chay. Cô giáo giảng lý thuyết môn tin học và học sinh chép vở.

Tình trạng học chay, phòng máy gọi là cho có không chỉ diễn ra ở trường chị đang công tác, mà rất nhiều trường khác cũng đã và đang dạy môn tin học cho học sinh theo cách tương tự. Có trường 30 máy thì đến 20 máy hỏng, trong khi lớp học thường từ 30 - 40 học sinh. Có trường có giáo viên tin học nhưng không có phòng máy nên trở thành văn thư, kiêm quản lý các phần mềm mà trường đang sử dụng, kiêm luôn xử lý các việc liên quan đến công nghệ thông tin trong trường.

“Tròn 20 năm trước, tôi vào lớp Mười và lần đầu tiên được học môn tin nhưng 100% chỉ học lý thuyết. Kiểm tra cũng làm trên giấy. 20 năm sau, các con tôi học tiểu học và THCS, máy móc thiết bị đầy đủ, nhưng hầu hết cũng là học chay”, chị H. nói.

Còn học sinh lớp Bảy Thùy D. (huyện Thường Tín) thật thà kể: “Năm ngoái, mỗi tuần em có hai tiết học tin, cũng lên phòng máy, học lý thuyết luôn ở đó. Xong phần lý thuyết, đến phần thực hành thì 3 - 4 bạn ngồi chung một máy. Cô giáo chỉ dạy lý thuyết, còn thực hành, chúng em muốn làm gì thì làm. Nhưng hầu như chúng em không thực hành gì cả, vì có biết làm gì đâu”.

Em trai D., kém hai lớp, thì bảo: “Giờ thực hành, chúng em ngồi chơi. Học môn tin lúc mùa hè thì thích, lên phòng máy bật điều hòa ngồi cho mát”.

Là phụ huynh, anh Vũ N., có con đang học lớp 12 ở huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội, xác nhận: “Tôi thấy cháu chỉ soạn thảo được văn bản, vào mạng, chơi game. Ngoài ra không biết gì về máy tính hay tin học cả”. 

Học online, làm bài thi vẫn bằng giấy

Thầy Việt H. (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã nhiều năm dạy môn tin học phân trần: Từ năm học 2022 - 2023, tin học (cùng với tiếng Anh) mới được triển khai bắt buộc với học sinh tiểu học từ lớp Ba. Suốt nhiều năm qua, tin học bị cả học sinh, phụ huynh coi là môn phụ. Ngay cả trong trường, giáo viên dạy tin học cũng không được đối xử bình đẳng như với giáo viên dạy các môn học khác.

Thầy H. xót xa bảo, có lẽ phần đa các trường đều mặc định rằng giáo viên tin học phải có nhiệm vụ hỗ trợ cài phần mềm, sửa máy tính; thậm chí hỗ trợ các môn học khác, các giáo viên khác trong trường. Nghịch lý ở chỗ, công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển, thậm chí thay đổi từng ngày, từng giờ. Các thiết bị công nghệ thì đang ngày càng “can thiệp” sâu vào đời sống, công việc. Trong khi môn tin học trong nhà trường bao năm vẫn thế, và vị thế, vai trò của giáo viên dạy tin bao năm cũng chỉ như anh thợ đụng.

Thực trạng dạy và học như thế dẫn đến thực tế như nhận định của thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên lớp Bốn Trường tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TPHCM): “Thời gian qua, học sinh phải học trực tuyến và trong suốt hai năm, tôi nhận thấy những kiến thức học sinh được học từ môn tin học hầu như còn hạn chế so với việc đáp ứng cho công tác dạy học trực tuyến.

Theo đó, học sinh đều phải nhờ cha mẹ để có thể đăng nhập hoặc tạo tài khoản để tham gia các lớp học của giáo viên mặc dù các em đã được học tin học từ năm lớp Ba. Các thao tác của học sinh chưa thành thạo hoặc mất nhiều thời gian để có thể thực hiện các kỹ thuật như đánh máy để thực hiện bài giải toán có lời văn trên Google Form”.

Cũng theo thầy Sơn, hiện nay, ở bậc tiểu học đang thực hiện kiểm tra giữa học kỳ I dành cho học sinh lớp Bốn, Năm nhưng đa số trường vẫn chọn giải pháp cho học sinh làm trên giấy. Sau đó, chụp hình và gửi cho giáo viên. Trong khi đó, đối với những câu trắc nghiệm, phần tự luận học sinh có thể thực hiện các thao tác rất nhanh chóng bằng Google Form, Liveworksheets… và có thể biết được kết quả làm bài ngay khi nhấn vào dòng chữ nộp bài. 

“Tôi cho rằng do hạn chế về tin học của học sinh nên nhà trường đã không chọn giải pháp sử dụng những ứng dụng của công nghệ thông tin vào việc kiểm tra giữa học kỳ. Việc dạy học trực tuyến sẽ tiếp tục kéo dài, do đó tôi cho rằng nội dung của môn tin học cũng cần thay đổi theo hướng phù hợp để đáp ứng được các yêu cầu đòi hỏi trong việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay.

Ngoài ra, ban giám hiệu nhà trường cũng cần mạnh dạn lựa chọn các giải pháp mang tính ứng dụng công nghệ thông tin thay cho việc học sinh phải làm bài vào giấy tập”, thầy Sơn nói. 

Môn tin học trong nhà trường vẫn giậm chân tại chỗ

Một tiến sĩ đứng đầu công ty công nghệ tin học nhà trường nhận định: Công nghệ thông tin phát triển như vũ bão trên toàn thế giới, nhưng thực tế giảng dạy trong nhà trường lại giậm chân tại chỗ. Ở nước ta, trước khi chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng, môn tin học cũng đã được hình thành với chương trình từ lớp Ba đến lớp 12. Song chương trình ở bậc tiểu học và THCS thì tin học là môn tự chọn nên không phải tất cả học sinh đều học môn tin “một mạch” từ lớp Ba đến lớp 12. 

Ở góc nhìn chuyên môn, ông cho rằng nhược điểm của môn tin suốt nhiều năm là chương trình không liền mạch, thống nhất và xuyên suốt mà do các modul rời rạc ghép lại với nhau. Bản thân các modul cũng rời rạc, không có quan hệ logic, khoa học chặt chẽ. Điều này khiến môn tin không tạo được sự hấp dẫn cho cả người học và người dạy. Bên cạnh đó, có rất nhiều modul chương trình bị trùng lặp giữa các cấp học. Và đặc biệt là hoàn toàn vắng bóng kiến thức lõi của khoa học máy tính, chỉ tập trung vào các ứng dụng cụ thể, phụ thuộc quá nhiều vào phần cứng, thiết bị, phần mềm. 

Một yếu tố nữa khiến môn tin không đạt được hiệu quả trong nhà trường là khả năng tiếp nhận của học sinh và kiến thức, kỹ năng giảng dạy của giáo viên giữa các vùng, miền có một khoảng cách rất xa. Trong cùng lớp học, khoảng cách cũng khá xa giữa học sinh giỏi (đặc biệt là môn toán) với đa số học sinh bình thường.

Uông Ngọc - Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI