PNO - Bên cạnh cơ sở chính, nhiều trường đại học ở TPHCM còn mở các phân hiệu tại nhiều tỉnh, thành. Mặc dù được đầu tư cả về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng nhưng phân hiệu vẫn ít nhận được sự quan tâm của các thí sinh. Nhiều năm nay, các phân hiệu phải tuyển bổ sung cho đủ chỉ tiêu.
Hiện nay, nhiều trường đại học tốp đầu đã thành lập phân hiệu tại những tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long… Chẳng hạn như Trường đại học Nông Lâm TPHCM có 2 phân hiệu tại tỉnh Gia Lai và Ninh Thuận. Trường đại học Kinh tế TPHCM có phân hiệu tại tỉnh Vĩnh Long. Trường đại học Công nghiệp TPHCM có phân hiệu tại Quảng Ngãi. Đại học Quốc gia TPHCM có phân hiệu tại tỉnh Bến Tre…
Mô hình hợp tác xã sinh viên do sinh viên phân hiệu Vĩnh Long - Trường đại học Kinh tế TPHCM tự vận hành, tạo việc làm và phát triển nguồn thu nhập - Nguồn ảnh: Trường đại học Kinh tế TPHCM
Với sứ mệnh góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, tạo cơ hội học tập cho học sinh trong khu vực, điểm xét tuyển cũng như học phí tại phân hiệu có phần “dễ thở” hơn tại cơ sở chính. Ví dụ, so với học phí ở cơ sở chính, học phí ở phân hiệu Vĩnh Long của Trường đại học Kinh tế TPHCM bằng 70%, học phí ở phân hiệu Quảng Ngãi của Trường đại học Công nghiệp TPHCM bằng 50%… Tuy nhiên, thí sinh trong khu vực lại không mấy mặn mà học tại phân hiệu mà chuộng chọn học tại cơ sở chính. Do đó, việc tuyển sinh tại các phân hiệu thời gian qua luôn trong tình trạng khó khăn. Như năm học 2022-2023, phân hiệu Quảng Ngãi của Trường đại học Công nghiệp TPHCM phải tuyển bổ sung 140 chỉ tiêu. Phân hiệu Vĩnh Long của Trường đại học Kinh tế TPHCM tuyển bổ sung 150 chỉ tiêu, Trường đại học Nông Lâm TPHCM tuyển bổ sung 208 chỉ tiêu cho 2 phân hiệu tại Ninh Thuận và Gia Lai…
Nhiều phụ huynh và thí sinh cho biết sở dĩ không chọn phân hiệu vì lo rằng chất lượng đào tạo có thể không bằng cơ sở chính; vấn đề việc làm sau khi ra trường có thể hạn chế hơn... Nhiều em vẫn thích đến TPHCM học tập để trải nghiệm môi trường sôi động và có cơ hội làm việc bán thời gian trong thời gian làm sinh viên, sau khi ra trường, cơ hội việc làm cũng rộng mở hơn so với ở địa phương.
Trái với những suy nghĩ trên, tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TPHCM, kiêm Giám đốc phân hiệu Ninh Thuận - khẳng định: “Chúng tôi đảm bảo chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với ngành nghề mà các bạn theo học tại phân hiệu cũng như cơ sở chính là như nhau. Bởi chương trình đào tạo được xây dựng chung cho cả trường, đội ngũ giảng viên tại các phân hiệu cũng là giảng viên ở cơ sở chính”. Ông cho biết, mỗi năm trường tuyển khoảng 300-400 chỉ tiêu cho 2 phân hiệu. Tập trung vào những ngành nghề phù hợp với điều kiện của địa phương như: thú y, nông học, lâm nghiệp, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học… Sinh viên học tập tại phân hiệu còn có nhiều lợi thế hơn như học phí, chi phí sinh hoạt thấp, gần gũi gia đình, môi trường học tập trong lành…
Không lo việc làm đầu ra
Về vấn đề việc làm, tiến sĩ Trần Đình Lý cho hay, sinh viên học tại phân hiệu, ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành còn được nhà trường hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài khu vực. Do đó, trên 90% sinh viên tốt nghiệp đều tìm được việc làm, thậm chí có những ngành luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.
Tương tự, tiến sĩ Bùi Quang Hùng - Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TPHCM, Giám đốc phân hiệu Vĩnh Long - cũng khẳng định: Phân hiệu đã được đầu tư tương đương với cơ sở chính. Hằng năm, phân hiệu chỉ tuyển 600 chỉ tiêu (tại TPHCM khoảng 7.000 chỉ tiêu) nên sinh viên được quan tâm, tạo điều kiện tham gia hoạt động rèn luyện thực tế nhiều hơn. Được thành lập trên cơ sở của Trường cao đẳng Kinh tế - Tài chính Vĩnh Long, ngoài 30% đội ngũ giảng viên cũ có đến 70% giảng viên cơ sở chính xuống giảng dạy sinh viên. Với chương trình luân chuyển cơ sở, 100% sinh viên năm cuối sẽ được học tại cơ sở TPHCM. Từ đây, cơ hội làm thêm, thực tập và tìm việc làm ở thành phố năng động cũng được mở ra.
Còn phân hiệu Quảng Ngãi của Trường đại học Công nghiệp TPHCM tuyển sinh 270 chỉ tiêu mỗi năm vào 6 ngành thế mạnh và nhu cầu lao động cao là kế toán, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, cơ khí, ô tô và công nghệ kỹ thuật điện - điện tử. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường - cho biết, phân hiệu thường tổ chức ngày hội việc làm với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh như Nhà máy Hóa lọc dầu Bình Sơn, Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam, Thép Hòa Phát… để kết nối việc làm cho sinh viên. Các dịp sơ kết, tổng kết của phân hiệu cũng có nhiều đơn vị đến trao học bổng và tuyển nhân sự tại chỗ.
“Quảng Ngãi có rất nhiều doanh nghiệp nhưng hầu hết chỉ tuyển được lao động phổ thông chứ không tìm được lao động qua đào tạo chất lượng cao. Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, tôi khẳng định không có tình trạng sinh viên học tại phân hiệu ra trường mà không có việc làm. Nếu làm việc tại địa phương, mức lương tối thiểu của các em có thể đạt từ 8-10 triệu đồng/tháng”, tiến sĩ chia sẻ. Ông cũng khuyến khích thí sinh có mong muốn trải nghiệm môi trường năng động tại thành phố nhưng hoàn cảnh khó khăn nên chọn hệ 2+2 (có 2 năm học tại TPHCM) để giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Cao Thị Kim Hằng - sinh viên năm cuối ngành thương mại điện tử Trường đại học Kinh tế TPHCM - cho biết, khi học tại Vĩnh Long, mỗi tháng em chỉ tốn khoảng 2,5 triệu đồng tiền ăn uống, đi lại và ở ký túc xá. Con số này tăng lên khá nhiều khi em chuyển lên TPHCM học năm cuối. “Em thấy cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cũng như đội ngũ giảng viên ở phân hiệu không khác gì cơ sở chính. Các hoạt động rèn luyện kỹ năng như câu lạc bộ văn nghệ, thể thao, nghiên cứu khoa học cũng rất sôi nổi”, Hằng cho biết. Dù học tại phân hiệu nhưng Kim Hằng vẫn đạt được nhiều thành tích như giải thưởng “Sao tháng Giêng” của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Huy hiệu chiến sĩ Trường Sa của Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân…
Ngày 16/12, Trường đại học Trà Vinh cho biết, vừa ghi dấu ấn trong bảng xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings 2024 khi đạt vị trí 133/1.477...