Học nhiều để làm gì?

06/05/2018 - 06:42

PNO - Có lẽ, ở thời điểm này, cha mẹ phải là những người vô cùng “lập dị” mới dám cho con đi theo con đường riêng. Còn lại, trẻ vẫn học như một “cỗ máy”.

Giáo sư Trương Nguyện Thành - Phó hiệu trưởng phụ trách trường đại học Hoa Sen, cũng là một hot-facebooker nổi tiếng với những chia sẻ về phương pháp giáo dục con trẻ - đã làm một cuộc khảo sát trên trang cá nhân của mình với nội dung: “Nếu ngày mai bạn mất, bạn muốn gì cho cuộc sống của con mình: hạnh phúc hay giàu có, quyền lực và danh tiếng?”.

Có đến 94% cha mẹ muốn con mình có cuộc sống hạnh phúc. Kết quả này khiến tôi ngờ ngợ và muốn đề xuất ngay với ông: hãy làm thêm một cuộc khảo sát phụ: “Bạn đã chắc làm đúng điều đã chọn?”. Tôi không dám võ đoán nhưng kỳ thực việc nói (hay viết) đều đơn giản hơn thực thi chọn lựa này trong thực tế.

Hoc nhieu de lam gi?
 

Hãy nhìn xem, xung quanh chúng ta, hiếm có đứa trẻ nào đang độ tuổi đến trường mà không phải đi học thêm một môn nào đó; học miệt mài, học điên cuồng bất kể sáng sớm hay tối muộn, ngày nắng đẹp hay mưa giông… Chắc hẳn nguyên nhân không chỉ tại nhà trường. 

Nếu 94% cha mẹ thật sự chọn giá trị hạnh phúc thay vì thành đạt, giàu có thì chắc chắn trẻ con không phải học nhiều như thế. Thử hỏi một phụ huynh bất kỳ rằng: cho con học nhiều thế để làm gì? Sau phút ngập ngừng, phụ huynh sẽ có muôn vàn lý do để nêu ra. Nhưng nếu không cho học trối chết thì có bị làm sao không? Chắc hẳn không nhiều người từng nghĩ đến khả năng này bởi họ chưa từng làm khác.

Một người quen của tôi kể rằng, khi nghe con mình, 12 tuổi, ước mơ sau khi học xong phổ thông sẽ lấy chồng, sinh con và làm nội trợ, vợ chồng họ hét toáng lên: con bị làm sao thế? Không có ước mơ gì khác sao? Không vào đại học làm sao có tương lai hạnh phúc? 

Không cha mẹ nào chấp nhận con mình không gặt hái được danh phận, chức vị nào đó. Họ càng không chấp nhận con mình thua con hàng xóm, họ hàng… Cán cân của thắng - thua không nằm ở giá trị đứa trẻ có hạnh phúc hay không, mà phụ thuộc vào con đậu đại học nào? Ra trường làm ở đâu? Có địa vị gì? Lương bao nhiêu?... 

Có lẽ, ở thời điểm này, cha mẹ phải là những người vô cùng “lập dị” mới dám cho con đi theo con đường riêng. Còn lại, trẻ vẫn học như một “cỗ máy”. Nhưng vì sao cứ mỗi bài viết về cách dạy con tiến bộ, khác biệt đều được chia sẻ dữ dội? Bởi các bậc phụ huynh đang khao khát điều đó nhưng không làm. Bởi người lớn chúng ta thừa nhận thức để thấy con cái đang không có một tuổi thơ lộng lẫy đúng nghĩa, trừ việc học. 

Khi giáo dục trong nhà trường có nhiều bất cập thì giáo dục gia đình phải là chốt giữ cuối cùng. Bạn hãy tự cứu lấy con mình. Nếu cha mẹ không ồ ạt chạy vào trường này tốt hơn, trường kia “hot” hơn thì sẽ chẳng còn trường nào “điểm” hơn để đua tranh.

Nếu như gia đình chỉ có 1-2 đứa con mà không thể làm được thì đừng mong chờ thầy cô hay nền giáo dục quá tải này sẽ làm thay bạn. Việc giáo dục trong nhà trường hiện nay giới hạn ở học để biết. Nhưng ngoài cái học để biết thì sự học còn nhiều giá trị hơn: học để sống, để làm việc, để trở thành người như thế nào…

Giáo dục gia đình là nơi để trám vào những khiếm khuyết này. Đây mới là những giá trị thực sự đo được con bạn có hạnh phúc, thành công hay thất bại. 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI