Giáo viên áp lực, học sinh thiếu chủ động
Một phụ huynh ở Q.5, TP.HCM cho hay, con chị vừa bước vào năm đầu tiên của bậc THPT và hết sức lo lắng về việc học tiếng Anh online. “Học qua mạng hiện có quá nhiều bất cập. Đặc biệt, môn tiếng Anh dạy online chỉ phù hợp với các cháu có trình độ ngoại ngữ khá trở lên, mới bắt nhịp kịp. Nhưng cũng chính học sinh (HS) khá giỏi ấy lại đang tạo ra khoảng cách lớn về trình độ trong một lớp”, chị nhận xét. Thầy cô dĩ nhiên không thể bao quát được hết như khi học trực tiếp để kiểm soát được bạn nào tích cực, bạn nào chưa, mà kịp hỗ trợ, theo chị. Và từ đó dẫn đến những lỗ hổng kiến thức, dễ gây cho HS sự chán nản.
Chị Nguyễn Bảo Di (Q.4, TP.HCM) cho rằng, một trong những yêu cầu của việc học ngoại ngữ là khả năng tương tác cao. Trong khi hạn chế lớn nhất của việc học trực tuyến là HS không có được sự tương tác với các bạn và thầy cô như trong lớp học bình thường. “Dù có bật camera, thầy cô cũng không thể theo dõi để bảo đảm rằng 100% HS đang tham gia lớp học hay đang ngủ gật, ăn uống, chơi game… Vì vậy, giữa giáo viên và HS cũng chỉ tồn tại sự tương tác ảo như chính đặc điểm của môi trường trực tuyến”, chị nói. Hơn nữa, những HS ít tự giác, những em luôn cần một “lực đẩy” từ giáo viên và khuôn khổ nhà trường, sẽ gặp khá nhiều vấn đề khi duy trì học trực tuyến.
|
Trẻ tiểu học tại TP.HCM đang học online tiếng Anh tại nhà - ẢNH: NAM ANH |
Những ngày này, con trai anh Nguyễn Ngọc Hùng, HS lớp Một Trường tiểu học Newton (TP.Hà Nội), học sáu tiết tiếng Anh/tuần và một tiết kiểm tra tiếng Anh, theo lịch học từ thứ Hai đến thứ Bảy. “Con tôi gặp khá nhiều khó khăn khi học trực tuyến môn tiếng Anh. Ở kỹ năng viết, con chưa rành tiếng Việt mà phải học song song cả hai ngôn ngữ lắm lúc bị loạn từ. Đôi khi vợ chồng tôi phải thay phiên nhau học cùng con để đảm bảo con không bị hổng kiến thức”, anh Hùng cho hay.
Tương tự, theo nhiều phụ huynh có con học tiểu học, việc học tiếng Việt, toán bằng hình thức online khó một thì học ngoại ngữ khó gấp bội phần bởi đặc thù lớp học ở trường phổ thông khá đông, thầy cô khó bao quát. Hơn nữa, với nhiều môn học, cha mẹ có thể kèm cho con nhưng ngoại ngữ thì không nhiều phụ huynh làm được.
Trong khi đó, ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang, cho hay, việc dạy học trực tuyến môn ngoại ngữ vẫn ổn. Bản thân con ông hiện vẫn đang học thêm tiếng Anh trực tuyến. Ông chia sẻ: “Qua quan sát với vai trò phụ huynh, tôi thấy chất lượng hình ảnh, âm thanh, giao tiếp giữa thầy và trò khá tốt. Các thầy cô vận dụng kho dữ liệu bài giảng, trình chiếu lên, tương tác khá sinh động”. Theo ông, việc dạy học trực tuyến, không riêng gì môn tiếng Anh, các thầy cô còn nhiều áp lực. So với trước đây, thầy cô chỉ đứng lớp với HS, lâu lâu mới có dự giờ thì hiện nay khi dạy cho các em, còn có cha mẹ, thậm chí cả ông bà cũng nghe nữa.
Tăng cường hoạt động ngoài lớp học online
Ở góc độ quản lý, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Q.Hà Đông (TP.Hà Nội), cho biết: Việc học trực tuyến với môn tiếng Anh lớp Một, Hai chỉ mang tính bổ trợ chứ không quá áp lực vì dễ khiến các em cảm giác việc học căng thẳng, mệt mỏi và không hiệu quả. Trường tư tổ chức cho HS học trực tuyến bằng tiếng Anh là theo thỏa thuận của nhà trường với cha mẹ. Còn ở hệ thống trường công tại TP.Hà Nội hiện nay, đối với HS lớp Một phải học trực tuyến thì mới chỉ dạy toán, tiếng Việt. Tùy vào điều kiện từng trường, giáo viên có thể gửi tài liệu học tập cho HS để các em làm quen nhưng không tính điểm.
Để khắc phục nhược điểm của hình thức học online đòi hỏi cả người dạy và người học đều phải… chịu khó, làm việc nhiều hơn ngoài giờ lên lớp. Theo kinh nghiệm của chị Nguyễn Bảo Di, với các chủ đề khác nhau, thầy cô cần chia nhóm để HS được thảo luận bằng tiếng Anh trước đó, cũng bằng hình thức trực tuyến. Tất cả HS đều có thể nêu quan điểm, lắng nghe và tư duy dựa trên ý kiến của người khác. Khi vào giờ học online chính thức thì các nhóm trình bày ý chính, giáo viên sẽ hướng dẫn, bổ sung. Một môi trường tương tác cao như vậy tác động rất tích cực đến tâm lý phát triển của các em, bên cạnh việc học và hiểu bài giảng của thầy cô trên lớp. Đây là điều kiện hết sức quan trọng mà những buổi học online không thể mang lại.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng, nhận định, việc học online phù hợp nhất với lứa tuổi đại học trở đi. Khó khăn hết sức rõ ràng đối với HS phổ thông khi tham gia hình thức học này tại nhà. Điều kiện tiên quyết để học trực tuyến thành công là cần sự nỗ lực chuẩn bị rất lớn bên ngoài giờ học. Điều này quả rất khó khăn với trẻ và các gia đình. Đó là chưa kể ngoài hiệu quả tiếp thu kiến thức, học trực tuyến còn hạn chế sự phát triển toàn diện về mặt xã hội, cảm xúc và ngôn ngữ.
“Nếu có một lời khuyên thì theo tôi, vào lúc khó khăn này, cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với nhà trường trong việc giáo dục HS, bởi chúng ta không thể nào khoán 100% cho nhà trường được. Đồng thời, nhà trường cũng phải nỗ lực chia sẻ và thể hiện vai trò chủ động của mình hơn, không thể bỏ mặc cho cha mẹ HS được”, bà Phương Anh nêu quan điểm.
Cũng theo chuyên gia có nhiều năm trong nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ này, thành công của con không thể thiếu vai trò của cha mẹ. Đối với ngoại ngữ, ở đây phổ biến là môn tiếng Anh, thêm một lời khuyên nữa đó là cha mẹ cần tạo cho các em một môi trường học ngoại ngữ bằng cách cho con cái theo đuổi sở thích của mình bằng chính tiếng Anh. Em nào thích môn gì, trò chơi nào cứ nên cho chúng thỏa thích tiếp cận, tìm hiểu, vui chơi bằng song song hai ngôn ngữ.
Nam Anh - Đại Minh - Đông Phong