|
Hướng dẫn du lịch cho khách nước ngoài cũng là cách trau dồi tiếng Anh hiệu quả. |
Trung tâm ngoại ngữ... chợ
Một buổi trưa cuối tuần tại chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM), chúng tôi cứ ngỡ nơi này là một… trung tâm ngoại ngữ. Đủ loại ngôn ngữ Anh, Pháp, Hoa, Hàn, Malaysia… được tiểu thương trong chợ sử dụng để chào mời khách.
Ông Vũ Văn Hạnh, kinh doanh các loại chè, tay cầm sẵn tờ menu giới thiệu các món ăn của quán mình; nghe ông Tây hỏi là trả lời ngay bằng tiếng Anh; lại quay sang chị Trung Quốc vừa hỏi, ông “xổ” luôn một tràng tiếng Hoa.
Người đàn ông ngoài 60 tuổi này vui vẻ: “Lúc đầu tôi gặp khách cũng chỉ “hello”, “welcome” hoặc “sorry” là hết! Muốn nói gì thì toàn dùng… tay chỉ thẳng vào món đó. Buôn bán lâu ngày đâm ra dạn ăn dạn nói thôi. Bán ở đây mà không biết tiếng nước ngoài là thua”. hóa ra, ông Hạnh không thể đọc, viết được tiếng Anh hay tiếng Hoa, nhưng nói thì thoạt nghe cứ như… người bản xứ.
|
Ở những chợ có nhiều khách nước ngoài, không biết ngoại ngữ coi như… khỏi kinh doanh. |
Phụ bán cho một sạp đồ lưu niệm ở trung tâm thương mại TAKA (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1), Huỳnh Thị Mỹ Quyên từ chỗ chỉ biết một ngoại ngữ là tiếng Anh, nay đã có thể nói “ào ào” đến sáu thứ tiếng Anh, Pháp, Hoa, Malaysia, Thái, Nhật; trong đó Quyên có thể giới thiệu, tư vấn kỹ cho khách bằng tiếng Anh và tiếng Nhật; những ngôn ngữ còn lại, Quyên chỉ sử dụng để mời chào và giao tiếp chút chút với những khách không thể nói tiếng Anh.
Cô cho biết, hầu hết người buôn bán ở đây đều nói thạo tiếng Anh và “sơ cua” thêm một vài thứ tiếng khác. “Lúc đầu mình cũng rất ngại giao tiếp bằng tiếng Anh, nhưng không chào mời thì khó bán được hàng nên buộc phải nói, nhờ vậy mà khả năng nói tiến bộ rất nhanh. Cứ bắt đầu với những câu đơn giản, phát âm ngường ngượng cũng chẳng sao, sau đó sẽ quen dần, phát âm tự nhiên và đúng hơn. Nghe nói tốt thì học ngữ pháp cũng dễ hơn” - Quyên chia sẻ.
|
Công viên 23/9 (Q.1) luôn chật kín các nhóm bạn đến học ngoại ngữ. |
Dạo một vòng quanh các chợ có nhiều khách du lịch nước ngoài, từ các sạp trái cây, quầy quần áo, giày dép cho đến các cửa hàng thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức hoặc các gian hàng ăn...; sẽ thấy 100% tiểu thương đều có thể trao đổi bằng ngoại ngữ với khách hàng.
Cho nên, có thể nói không ngoa, các chợ có nhiều khách nước ngoài là môi trường rất tốt để trau dồi việc giao tiếp bằng ngoại ngữ. Cũng vì thế, nhiều sinh viên và các bạn trẻ thường xin phụ việc miễn phí ở chợ để có cơ hội giao tiếp bằng ngoại ngữ. Tại những chợ và trung tâm thương mại lớn còn thường xuyên có cả một đội ngũ bạn trẻ tình nguyện túc trực, sẵn sàng bắt chuyện, dẫn khách du lịch vào chợ, giúp họ tìm kiếm, chọn lựa những món hàng muốn mua.
Nguyễn Thị Yên Thảo - sinh viên Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM cho biết: “Những buổi sáng trong tuần em thường quanh quẩn ở khu vực Chợ Lớn, ngày cuối tuần thì qua chợ Bến Thành tìm khách du lịch để hướng dẫn. Gặp một đoàn khách du lịch là em dùng tiếng Anh hỏi xem họ muốn mua gì, thích xem những món gì? Nếu họ muốn nghe, em sẽ giới thiệu tiếp. Thông thường, khách không biết sản phẩm nào chất lượng tốt, giá ra sao là hợp lý nên nhờ em tư vấn, trả giá. Chỉ sau vài tháng như vậy, khả năng ngoại ngữ của em đã tăng lên đáng kể”.
|
Anh Enomoto Toshiaki (thứ 2 từ phải qua) trao đổi tiếng Nhật với các bạn Việt Nam. |
Lớp học “cuối tuần”
Cứ khoảng 8g30 sáng những ngày thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần là công viên 23/9 lại xuất hiện nhiều người yêu thích và có nhu cầu được giao lưu bằng ngoại ngữ, nhất là các bạn trẻ. Vì thế, nơi đây được xem là “lớp học” cuối tuần của nhiều người, với “giáo viên” là những du khách nước ngoài.
Khi đến “lớp”, trên tay các bạn trẻ này luôn có cuốn sổ tay và từ điển, sẵn sàng “nghe đến đâu ghi đến đó” và “không hiểu là tra ngay”. Có bạn còn chu đáo chuẩn bị cả những hình ảnh liên quan đến nội dung muốn trao đổi như phong cảnh, trái cây, động vật… để sử dụng khi cần.
Nguyễn Thu Trang - sinh viên năm 2 Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM thổ lộ: “Mình có một nhóm khoảng hơn chục bạn thích tiếng Anh, cứ cuối tuần là bắt xe buýt từ Thủ Đức đến công viên này để học. Thông thường, mình sẽ bắt chuyện theo chủ đề để vừa tìm hiểu vốn từ vựng liên quan, vừa chủ động được nội dung trò chuyện, không làm “giáo viên”…”.
Ông Robert Eames, giáo viên một trường Anh ngữ ở Q.3 chia sẻ, tuần nào cũng khoảng 14 giờ những ngày cuối tuần ông lại ra công viên này trò chuyện, giúp các bạn trẻ luyện nói tiếng Anh. Thực hành ở công viên, các bạn trẻ không chỉ được học ngữ pháp, mà còn thực hành giao tiếp, lại không bị ràng buộc vào một bài học cụ thể mà có thể nghe - nói những gì mình thích, khi giao tiếp nếu phát âm sai sẽ được chỉnh sửa ngay.
Nếu vốn từ vựng chưa nhiều và còn ngại đến chốn đông người, thì vẫn có nhiều lớp học với người bản xứ hoàn toàn miễn phí luôn rộng cửa chào đón các bạn. Cụ thể là lớp của anh Eno, dành cho những người yêu tiếng Nhật.
Chiều Chủ nhật nào cũng vậy, cứ khoảng 15 giờ, tại một quán cà phê nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Sư Vạn Hạnh nối dài (Q.10, TP.HCM), là có khoảng chục bạn trẻ Việt Nam ôm tập vở đến thực hành tiếng Nhật với anh Enomoto Toshiaki (35 tuổi, người Tokyo). Lớp giao lưu Nhật - Việt này là nơi người Việt đến học tiếng Nhật, người Nhật đến rèn tiếng Việt. “Tôi không nghĩ đến chuyện nhiều hay ít người học. Chỉ cần các bạn thật sự muốn học tiếng Nhật thì cứ đến chỗ tôi. Một người tôi cũng dạy. Tôi muốn giới thiệu tiếng Nhật đến mọi người” - Eno chia sẻ.
Tại NVH Thanh Niên TP.HCM, hình thức học qua các câu lạc bộ (CLB) của Trường ngoại ngữ Thanh Niên cũng rất sôi động, không chỉ tiếng Anh mà cả tiếng Hoa, Nhật, Hàn... Thời gian sinh hoạt CLB cũng thoải mái, cả ngày Chủ nhật rôm rả từ sáng đến chiều, không phân biệt tuổi tác.
Ngoài ra, còn nhiều CLB ngoại ngữ tại các trường ĐH của TP.HCM như Kinh tế, Sư phạm Kỹ thuật, Sư phạm, Khoa học xã hội và nhân văn… luôn rộng cửa chào đón những ai muốn trau dồi ngoại ngữ.
Theo kinh nghiệm của những người từng học ngoại ngữ qua khách du lịch, để việc học hiệu quả hơn, người học cần chuẩn bị chủ đề và hướng buổi nói chuyện theo chủ đề đó; đồng thời cần trang bị cho mình một số kiến thức cơ bản về du lịch, món ăn, địa danh… vì du khách đôi khi sẽ hỏi lại để tìm hiểu thêm về văn hóa, ẩm thực Việt Nam. Việc học ngoại ngữ… không cần trường này còn giúp người học làm quen được nhiều bạn bè nước ngoài, khi họ về nước vẫn có thể liên lạc qua facebook hay các mạng xã hội khác… thường xuyên; nên cách học này ngày càng thu hút nhiều người, đặc biệt là các bạn sinh viên.
Phúc Hưng