Ít ai ngờ những vở diễn vốn kén khán giả của sân khấu kịch như 29 anh về, Hồi xưa biển ngọt, Nửa đời ngơ ngác, Cõng mẹ đi chơi, Tiếng vạc sành, Giông tố… lại đặc biệt hấp dẫn với học sinh THPT.
Những suất diễn chật cứng khán phòng, khán giả học sinh say sưa theo dõi và bắt nhịp rất nhanh với mạch cảm xúc của vở diễn. Những tiếng cười, những tràng vỗ tay và cả những giọt nước mắt hòa theo từng cung bậc cảm xúc của nhân vật… Những vở diễn tưởng “khó nuốt” với tuổi học trò không ngờ lại hiệu quả hơn nhiều so với những buổi diễn cho khán giả “người lớn”.
Sôi nổi giờ học ngoại khóa ở sân khấu kịch
|
Một buổi ngoại khóa môn văn của học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền tại sân khấu Hoàng Thái Thanh |
Cho học sinh học ngoại khóa môn văn và lịch sử ở sân khấu đã được một số trường tại TP.HCM thực hiện từ 4-5 năm trước, chủ yếu ở sân khấu Hoàng Thái Thanh và IDECAF với những vở chuyển thể từ tác phẩm văn học hoặc kịch lịch sử. Khi hầu hết các trường tiểu học và THCS chỉ cho học sinh xem kịch lịch sử tại trường thì các trường THPT đưa học sinh đến sân khấu, để học sinh có cảm xúc trọn vẹn khi xem tác phẩm ở một sân khấu chuyên nghiệp; đồng thời góp phần xây dựng văn hóa thưởng thức nghệ thuật cho học sinh.
Một trong những trường THPT tiên phong chọn sân khấu kịch làm nơi học ngoại khóa môn văn cho học sinh là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Lần đầu tổ chức năm 2014, toàn trường có chưa tới 500 học sinh đăng ký tham gia. Năm nay, con số này đã tăng gấp 3 lần. Có đợt, sân khấu Hoàng Thái Thanh phải tổ chức đến 4 suất diễn liên tục mới đáp ứng hết số lượng học sinh đăng ký.
Đến nay, việc tổ chức cho học sinh xem kịch và học ngoại khóa đã được khá nhiều trường THPT ở TP.HCM thực hiện như Nguyễn Thượng Hiền, Bùi Thị Xuân, Trần Khai Nguyên, Tân Phong, Nguyễn Du, Nguyễn Hiền… Không tập trung ở 1-2 sân khấu, các buổi ngoại khóa diễn ra ở nhiều sân khấu trong thành phố. Sân khấu Minh Nhí, dù thành lập chưa lâu, khán phòng chật hẹp, vở Tiếng vạc sành cũng đã có 4 suất diễn hợp đồng với các trường. Mới đây, trường Việt Anh 2 ở Bình Dương cũng đã đưa học sinh và giáo viên đến sân khấu kịch Hồng Hạc để “bao trọn gói” 4 suất diễn vở Thiên thần nhỏ của tôi và Eugénie Grandet.
|
Rau răm ở lại- vở kịch được nhiều học sinh yêu thích của sân khấu Hoàng Thái Thanh |
Bắt nhịp với sự chuyển dịch của sân khấu thành phố, Nhà hát kịch TP.HCM đã ra mắt vở 18 tuổi - tác phẩm trong dự án sân khấu học đường, hướng đến biểu diễn phục vụ học sinh, sinh viên.
Trích bài thu hoạch của học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân sau khi xem vở 29 anh về:
“Tôi biết cuộc đời đầy những mảng màu xám xịt, rằng cái xấu, cái ác vẫn ở đó, hiện diện, vẫn chực chờ để nuốt chửng con người. Tôi đã nghe về những người gặp tai nạn giữa đường, nhưng điều đầu tiên họ nhận được không phải là sự giúp đỡ của mọi người, mà là những bức hình cùng những lượt yêu thích trên Facebook. Tôi đã biết về những học sinh bị bắt nạt, đánh đập, lăng mạ do bạo lực học đường, nhưng xung quanh họ không một ai lên tiếng, không một ai giúp đỡ. Người ta bỏ mặc, người ta sợ phiền hà, người ta im lặng cho đến khi những nạn nhân chọn cách tự tìm đến cái chết. Nghĩ đến đó, trái tim tôi chợt nhói đau.
Nếu như lúc đó có một Bình An thì những mảnh đời ấy phải chăng đã khác đi, những con người ở độ tuổi đẹp nhất đời sẽ vẫn có thể đứng lên thêm lần nữa. Tôi nhớ có ai đã từng nói: trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng của những người tốt…”.
|
Cơ hội và thách thức
Đưa học sinh đi xem kịch để thoát khỏi những gò bó trong khuôn khổ lớp học, đồng thời có cảm nhận rõ ràng, nhiều cảm xúc hơn về các tác phẩm văn học và hiểu phần nào cách chuyển từ ngôn ngữ văn học lên sân khấu kịch, nhiều trường còn khuyến khích học sinh viết bài thu hoạch và phối hợp với sân khấu trao phần thưởng là vé xem kịch cho những bài viết hay.
|
Vở Sài Gòn có một ngã tư trên sân khấu Hoàng Thái Thanh |
NSND Hồng Vân:
“Doanh thu từ các suất diễn cho học sinh không cao, do sân khấu luôn dành giá vé đặc biệt cho các trường học. Nhưng khoản thu đó cũng đảm bảo chi phí trả lương cho diễn viên, nhân viên sân khấu, giúp anh em có thêm thu nhập. Hơn nữa, số lượng học sinh xem khá đông, mỗi đợt diễn cho các trường học luôn có nhiều suất liên tục, “tích tiểu thành đại”, sân khấu cũng có một phần tích lũy để tái đầu tư.
Tất cả các sân khấu đều mong chờ những suất diễn cho học sinh, không phải chỉ vì doanh thu mà còn vì những cảm xúc mà các diễn viên không dễ tìm được khi biểu diễn cho các đối tượng khán giả khác. Những buổi diễn cho học sinh, giữa diễn viên và khán giả luôn có sự tương tác rất mạnh với những cảm xúc, hiệu ứng tuyệt vời. Với người nghệ sĩ, cảm xúc đó còn giá trị hơn rất nhiều so với những giá trị vật chất.
Khi sân khấu đang ngày càng mất dần khán giả, sự hợp tác giữa trường học và các sân khấu là tín hiệu rất đáng mừng. Đây là cơ hội để sân khấu xây dựng một lớp khán giả mới, tập cho các em thói quen đến sân khấu xem kịch và yêu thích những vở diễn có chất lượng nghệ thuật. Sân khấu đã có một thế hệ diễn viên, đạo diễn đủ sức kế thừa những người đi trước, nhưng lớp khán giả kế thừa lại vẫn là một khoảng trống lớn”.
|
Đa phần các vở diễn được chọn đều chuyển thể từ tác phẩm văn học hoặc những vở về tình cảm gia đình, gần gũi với đời sống, thông điệp nhân văn. Tuy nhiên gần đây, một vài trường cũng đã cho học sinh “làm quen” với kịch kinh dị, kịch ma; dù điều đó khiến nhiều người làm nghề cảm thấy băn khoăn, bởi kịch ma, kinh dị của nhiều sân khấu thành phố vẫn nặng tính giải trí, chiều theo thị hiếu của một bộ phận khán giả.
Không ít vở kịch ma chỉ đơn thuần hù dọa, kịch bản đơn giản, thông điệp chưa chuyển tải đầy đủ. Như phát biểu của đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc tại hội thảo khoa học Văn học nghệ thuật TP.HCM - 30 năm đổi mới: “Khi người xem thú vị vì được sợ hãi, giật mình, hú hét trước cảnh ghê rợn, nhất là những cảnh bạo lực đâm chém thì chất lượng nghệ thuật giảm đi, chất lượng giải trí tăng lên và hệ lụy là sân khấu xuống cấp”.
Ngày càng có nhiều trường cho học sinh đi xem kịch để học ngoại khóa hoặc đơn thuần chỉ để giải trí. Đây là cánh cửa mới cho sân khấu trong điều kiện đang gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay. Nhưng bên cạnh cơ hội luôn là thách thức. Thách thức còn lớn hơn cả sự cạnh tranh để tìm hợp đồng với các trường là cách nghĩ, cách làm của những người cầm trịch ở các sân khấu. Khán giả học sinh hôm nay cũng chính là thế hệ khán giả tương lai của sân khấu thành phố. Các em tinh khôi như những tờ giấy trắng, nhiều em chỉ được tiếp cận với sân khấu từ những buổi xem kịch ngoại khóa do nhà trường tổ chức. Mọi sự cẩu thả, dễ dãi, lối biểu diễn tự nhiên chủ nghĩa hoặc sẽ khiến các em mất hứng thú với sân khấu kịch, hoặc vô hình trung kéo lùi thẩm mỹ, văn hóa thưởng thức nghệ thuật của một bộ phận khán giả tương lai.
|
Khán giả hào hứng chụp ảnh với diễn viên vở Thiên thần nhỏ của tôi sau buổi diễn - Ảnh: H.H. |
Làm sao để sân khấu thực sự hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí hiện đại khác đã khó, làm sao để có những vở diễn tử tế, sạch sẽ, chuyển tải những thông điệp cụ thể, rõ ràng, hướng tới định hình một thế hệ khán giả văn minh trong tương lai cho sân khấu lại càng khó hơn. Trách nhiệm đó không phải chỉ của người quản lý sân khấu, các nhà hoạch định chính sách mà còn là trách nhiệm và bản lĩnh của từng đạo diễn, diễn viên.
Thầy Trần Đình Phú - Tổ trưởng bộ môn văn, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai:
“Khi nghệ thuật giải trí đang có quá nhiều chương trình nhạt nhòa, tiêu chí chọn tác phẩm ngoại khóa cho học sinh là những vở diễn nội dung gần gũi với đời sống thường ngày, thông điệp nhân văn, được dàn dựng nghiêm túc và diễn viên diễn xuất chân thật. Được xem những vở kịch hay, có giá trị nghệ thuật, học sinh sẽ thấy các nhân vật, tác phẩm văn học không phải là những gì quá xa xôi mà rất thật và vẫn luôn hiện diện đâu đó trong cuộc sống xung quanh. Một khi cảm nhận được những điều đó, các em sẽ bớt nghi ngờ, sẽ thấy những tác phẩm văn chương và cuộc sống rất gần nhau. Cho học sinh xem kịch như một chương trình học ngoại khóa, nhà trường cũng ít nhiều gửi gắm cho học sinh những bài học về cách sống, cách ứng xử với nhau trong cuộc sống”.
|
Thảo Vân