Học ngành nào để chữa bệnh cho tôm, cá...?

28/02/2023 - 12:10

PNO - Khi xuất khẩu thủy sản năm 2022 đón tin vui - lần đầu tiên đạt con số kỷ lục 11 tỉ USD, một ngành học đang trở nên “nóng” hơn. Đó là ngành bệnh học thủy sản - ngành mới trong nhóm ngành thủy sản, xuất phát từ nhu cầu nhân lực cấp thiết về quản lý các mô hình nuôi, sức khỏe động vật thủy sản...

Sinh viên Khoa Thủy sản (chuyên ngành ngư y) Trường đại học Nông Lâm TPHCM thực tập rèn nghề sản xuất giống cá biển có giá trị kinh tế cao tại Nha Trang, Khánh Hòa - ẢNH: T.Đ.
Sinh viên Khoa Thủy sản (chuyên ngành ngư y) Trường đại học Nông Lâm TPHCM thực tập rèn nghề sản xuất giống cá biển có giá trị kinh tế cao tại Nha Trang, Khánh Hòa - Ảnh: T.Đ.

Điểm chuẩn không quá cao

Bệnh học thủy sản (ngư y) là một ngành học mới hiện được một số cơ sở giáo dục đại học đào tạo như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường đại học Nông Lâm - Đại học Huế, Trường đại học Nha Trang, Trường đại học Nông Lâm TPHCM, Trường đại học Cần Thơ… 

Phòng Đào tạo - Trường đại học Cần Thơ cho biết, ngành bệnh học thủy sản đào tạo kỹ sư có khả năng xét nghiệm, chẩn đoán, phòng và trị một số bệnh phổ biến trên thủy sản; quản lý và vận hành cơ sở sản xuất và kinh doanh thủy sản, phòng thí nghiệm bệnh thủy sản và có khả năng tham gia ở lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thuốc, hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Sinh viên được trang bị kiến thức về chẩn đoán các bệnh thường gặp ở động vật thủy sản, xét nghiệm bệnh ở động vật thủy sản, quản lý dịch bệnh tổng hợp trong nuôi thủy sản, quản lý và sử dụng thuốc, hóa chất trong nuôi thủy sản. Đồng thời sinh viên còn có kiến thức về sản xuất giống và nuôi một số đối tượng nuôi thủy sản chủ lực như tôm biển, tôm càng xanh và cá tra.

Để vào học ngành bệnh học thủy sản, người học có thể được xét tuyển bằng nhiều phương thức: xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển bằng điểm học bạ THPT (các tổ hợp xét tuyển: toán, lý, hóa (A00); toán, hóa, sinh (B00); toán, sinh, tiếng Anh (B08); toán, hóa, tiếng Anh (D07)…

Điểm chuẩn của ngành bệnh học thủy sản dao động trên dưới 15 điểm (theo phương thức xét kết quả thi THPT) và 18-22,75 điểm (theo phương thức xét học bạ THPT). Cụ thể năm 2022, điểm chuẩn ngành bệnh học thủy sản của Học viện Nông nghiệp Việt Nam: 15 (điểm thi tốt nghiệp THPT); Trường đại học Nông Lâm - Đại học Huế: 15 (điểm thi tốt nghiệp THPT) và 18 (học bạ); Trường đại học Cần Thơ: 15,5 (điểm thi tốt nghiệp THPT) và 22,75 (học bạ)…

Với các môn xét tuyển như trên, có thể thấy để theo học tốt ngành này, sinh viên cần trau dồi những môn học như: toán, sinh, tiếng Anh… Bởi việc giỏi toán giúp sinh viên có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và giải quyết vấn đề. Tính chất ngành học cho thấy đây là ngành phù hợp với những bạn yêu thiên nhiên, thích chăm sóc vật nuôi; thu thập thông tin, nghiên cứu về thiên nhiên, thích các hoạt động ngoài trời... 

Cơ hội việc làm rộng mở

Theo bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 lần đầu tiên đạt con số kỷ lục 11 tỉ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt 4,1-4,2 tỉ USD (tăng khoảng 13% so với năm 2021); cá tra đạt 2,35 tỉ USD (tăng khoảng 70% so với năm 2021). 

Thủy sản ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam khi giá trị xuất khẩu chiếm hơn 20% tổng giá trị xuất khẩu nông sản. Theo Học viện Nông nghiệp Việt Nam, việc thâm canh hóa các mô hình nuôi và biến đổi khí hậu khiến vấn đề dịch bệnh thủy sản ngày càng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi. Chính vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về bệnh học thủy sản để phục vụ quản lý các mô hình nuôi, sức khỏe động vật thủy sản ngày càng cấp thiết.

Nhu cầu về nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn, tay nghề về lĩnh vực này là rất lớn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thủy sản bền vững trước thực trạng dịch bệnh trên động vật thủy sản ngày càng gia tăng.

Tại Trường đại học Nông Lâm TPHCM, bệnh học thủy sản là một chuyên ngành thuộc ngành nuôi trồng thủy sản. Thạc sĩ Phạm Gia Điệp - Phó trưởng phòng, phụ trách Phòng Thông tin - Truyền thông của trường - cho hay, hiện nay nhu cầu tuyển dụng kỹ sư tốt nghiệp ngành này đang rất lớn, đa số sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên môn với thu nhập khá cao và ổn định. 

Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông tin hằng năm, có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất thuốc, chế phẩm vi sinh, thức ăn thủy sản; doanh nghiệp sản xuất giống và nuôi thủy sản… đến tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành bệnh học thủy sản.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp trao học bổng và trả lương sinh viên ngay trong quá trình thực tập nghề nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nhận sinh viên vào làm việc ngay khi tốt nghiệp mà không cần qua quá trình thử việc với mức lương hấp dẫn và chế độ đãi ngộ tốt. Thu nhập của sinh viên mới ra trường khoảng 15-20 triệu đồng/tháng. Nhiều cựu sinh viên tốt nghiệp sau 5-6 năm đã có mức thu nhập 40-50 triệu đồng/tháng. 

Q.Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI