Cung vượt cầu
Số lượng thí sinh dự thi, chỉ tiêu tuyển sinh cũng như các cơ sở đào tạo các ngành nhóm ngành kinh doanh, kế toán-kiểm toán, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm tăng lên hàng năm. Nếu như năm 2010, tổng chỉ tiêu tuyển sinh các nhóm ngành này là 18% với 112 cơ sở đào tạo, thì đến năm 2012, là 32% và 117 cơ sở đào tạo. Điều này dẫn đến cung vượt cầu, đồng thời, nhiều người tốt nghiệp các nhóm ngành này chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Cụ thể, tuyển sinh 2011, theo thống kê 416 trường (197 trường đại học, 219 trường cao đẳng) thì có 248 trường (121 trường đại học, 127 trường cao đẳng) tuyển sinh một trong bốn ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán, chiếm tỷ lệ 59,62% số trường.
Chỉ còn 76 trường đại học và 92 trường cao đẳng không tuyển sinh các ngành trên là các trường thuộc khối y dược, năng khiếu - nghệ thuật và một số trường sư phạm. vì số trường có tuyển sinh và chỉ tiêu tuyển sinh các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán chiếm tỷ lệ cao, nên tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng của thí sinh bình quân trong ba năm (2009 - 2011) vào bốn ngành này chiếm xấp xỉ 41% tổng số hồ sơ đăng ký dự thi.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Những con số nói trên đang khiến người học hoang mang và có xu hướng “nói không” với nhóm ngành này. Có hai luồng ý kiến cho rằng người học không nên chọn nhóm ngành kinh tế vì sự bão hòa, suy thoái, khó trúng tuyển vì siết chỉ tiêu và khó kiếm vệc khi ra trường. Trái lại, các nhà tư vấn hướng nghiệp vẫn khuyên người học kiên trì với quyết định của mình nếu có ước mơ trở thành doanh nhân, phát triển công việc kinh doanh gia đình, có sở thích và năng khiếu về kinh tế... Vậy làm sao để dung hòa cả hai yếu tố vừa học ngành yêu thích vừa dễ kiếm việc làm khi ra trường? Tôi khuyên các bạn hãy nghe theo tiếng gọi của con tim và trí óc mình.
Đẳng cấp của sự khác biệt
Nhưng, khi bạn quyết định dấn thân theo con tim, bạn sẽ băn khoăn: “Ta có nên mạo hiểm?”. Thực tế không có gì là mạo hiểm cả. Bạn muốn tạo ra sự khác biệt thì trước hết phải là người có bản lĩnh, xác định ước mơ, phấn đấu và chịu trách nhiệm để thực hiện nó. Bạn có năng khiếu sở thích để làm trong lĩnh vực kinh tế, nếu bạn chọn lối khác thì sẽ lãng phí. Đơn giản như kinh tế khó khăn, nhà máy đóng cửa, nhân viên kinh doanh, kế toán... bị sa thải, thất nghiệp thì chắc chắn những ngành nghề khác như kỹ sư, công nhân... cũng không ngoại lệ.
Việc kinh tế suy thoái rồi tăng trưởng cứ lặp lại không có gì lạ. Nếu bây giờ bạn chọn học kinh tế thì 4-5 năm sau, nhu cầu nhân sự đã thay đổi. Khi kinh tế tăng trưởng trở lại, nhà đầu tư xây dựng xí nghiệp nhà máy thì bất kỳ công ty nào cũng cần đến nhân sự khối văn phòng hành chính, kế toán, kinh doanh...
Ngành nào cũng có sự cạnh tranh, bạn phải chấp nhận sự cạnh tranh, sàng lọc để có được môi trường làm việc tốt, lương cao. Thêm nữa, nhóm ngành kinh tế tuy có số thí sinh đăng ký dự thi cao nhất nhưng điểm thi trung bình của nhóm ngành này lại không cao. Theo thống kê của TS Lê Thị Thanh Mai, ĐH Quốc gia TP.HCM, các ngành như công nghệ thông tin, kinh doanh, kế toán - kiểm toán hay tài chính - ngân hàng - bảo hiểm chỉ có 29,7 - 44,2% thí sinh dự thi đạt từ điểm sàn trở lên, nằm trong top giữa nếu so sánh với các nhóm ngành khác.
Nói như vậy không có nghĩa là bạn cứ thích là đăng ký vào mà không cần nghĩ đến vấn đề “đầu ra”. Thực tế chứng minh đã có sự dư thừa nhân sự nhóm ngành kinh tế trong thời gian gần đây. Dù vậy, bạn cũng không nên sợ hãi bỏ chạy nếu bạn có tính cẩn thận, tỉ mỉ, thích liệt kê và nhạy bén với các con số. Nếu bạn có khả năng giao tiếp, thuyết phục tốt, thích tiếp xúc làm việc với con người hơn máy móc thì có thể làm việc trong lĩnh vực tài chính - kinh doanh. Bạn có sự nhạy bén, thích nắm bắt cái mới thì thật uổng phí nếu không thử đến với nghề marketing... Vì vậy, vấn đề đầu tiên bạn cần xác định không phải là kinh tế 4-5 năm nữa lên hay xuống (vì bạn không phải là nhà chiến lược) mà là xác định năng lực, năng khiếu, tố chất bản thân bằng việc trắc nghiệm nghề nghiệp bản thân một cách nghiêm túc, tránh làm theo cảm tính.
Khi đã xác định lựa chọn con đường nhiều cạnh tranh thì phải chủ động, quyết tâm thực hiện. Vì chỉ tiêu khối ngành kinh tế đang bị “siết chặt” nên người học phải cẩn trọng có sự tính toán hợp lý để lựa chọn trường dự thi cho phù hợp. Học sinh cần thi thử, tính điểm nhiều lần để xác định năng lực đến đâu. Hiện nay, nhóm ngành kinh tế thường tuyển sinh bằng các khối A, A1, D... và có đa dạng loại hình đào tạo. Nếu kết quả thi thử trên 25 điểm, bạn có thể chọn dự thi vào ĐH Ngoại thương; trên 21 điểm, bạn có thể nghĩ đến ĐH Ngân hàng; ĐH Kinh tế thường chỉ dành cho những thí sinh đạt từ 19 điểm trở lên. Nếu kết quả học lực dao động từ 13-19 có thể vào các trường ĐH công lập như ĐH Tài chính Marketing, ĐH Sài Gòn, ĐH Tôn Đức Thắng và các trường ngoài công lập... Nếu dưới điểm sàn thì có thể chọn học cao đẳng, trung cấp hoặc các chương trình liên kết quốc tế... Nhìn chung, có rất nhiều con đường giúp bạn thực hiện và đi đến ước mơ.
Nếu bạn là cha mẹ, hãy cùng giúp con xem xét để ra quyết định đúng, tránh làm rối, tạo áp lực căng thẳng. Tôi xin mượn lời tỷ phú Warren Buffett - một trong những người giàu nhất thế giới để khuyên các em: “Nhà đầu tư thông minh là người biết sợ hãi khi người khác tham lam và hãy tham lam khi mọi người sợ hãi”.
ThS NGUYỄN VĂN THI
(Giảng viên ĐH Ngân hàng TP.HCM)