Học mẹ Tây, bỏ được thói quen úm con

27/09/2019 - 09:03

PNO - Bố mẹ chồng bạn bảo thằng bé còn nhỏ, biết gì đâu mà bắt tự lập. Thằng bé 6 tuổi vẫn được chăm chút đút từng muỗng cơm, mặc giúp áo quần và rót nước...

Họ có thể không quá nuông chiều và bộc lộ ra ngoài để cho đứa trẻ nhận biết, nhưng từ trong sâu thẳm họ luôn có sự bao bọc, nhòm ngó kỹ lưỡng và thường “theo dõi” thay vì chỉ dõi theo con.

Hệ tư duy “ấp trứng” 

Bạn bè tôi, hầu hết được ông bà cha mẹ chăm chút từ nhỏ cho đến lớn. Từ việc chọn trường, chọn bạn, chọn công việc… cho đến chọn bạn đời. Họ “bê nguyên si” truyền thống ấy vào gia đình nhỏ, rồi từ đó lan ra đến những thế hệ sau. Có thể cuộc sống bây giờ đã làm thay đổi nhiều về tầm ảnh hưởng của các bậc trưởng bối đối với những quyết định của người trẻ, nhưng đâu đó vẫn còn hệ tư duy “ấp trứng” trong nhiều gia đình.

Một người bạn khá thân của tôi kể, cô gặp nhiều mâu thuẫn với nhà chồng trong cách dạy con. Bố mẹ chồng cô bảo thằng bé còn nhỏ, đã biết gì đâu mà bắt nó phải tự lập. Thằng bé 6 tuổi vẫn được ông bà chăm chút đút từng muỗng cơm, mặc giúp áo quần và rót nước cho… dù nó có thể tự làm được tất cả những việc ấy. Ban đầu chỉ là những xung đột tư tưởng, dần dà qua những màn đối thoại không tìm được tiếng nói chung đã trở thành vết rạn khó hàn gắn. 

Hoc me Tay, bo duoc  thoi quen um con
Ảnh minh hoạ

Anh bạn tôi mãi sang tuổi bốn mươi mới có được đứa con gái giống hệt bố và nhà nội. Cô bé mới 5 tuổi mà khôn lanh như một đứa 8-9 tuổi. Ông bà nội ngoại coi bé như báu vật. Có món gì ngon bổ, ông bà nội ngoại đều dồn cho bé nên trông cô nhỏ tròn xoe như quả táo. Bố nó sợ bị béo phì, muốn cắt giảm khẩu phần nhưng ông bà lại bảo nó còn bé, mũm mĩm thì càng dễ yêu chứ có sao đâu, hơn nữa bắt nó nhịn thèm thì thương lắm. 

Mẹ cháu muốn rèn giũa con biết giúp đỡ công việc nhà và vận động cho tiêu hao năng lượng nên sai nó lau nhà, dọn phòng hay làm những việc vừa sức.Thế nhưng ông bà lại không chịu nổi khi nhìn thấy nó lui cui làm những việc mẹ nhờ, rồi hờn dỗi, bắt bẻ. Kết quả là bây giờ cô bé chưa vào lớp Một mà thân hình như hộ pháp, tròn lẳn đến mức không còn thấy chiếc cổ nằm ở đâu.

Thằng cháu ruột gọi tôi bằng dì là cháu đích tôn của nhà nội nó. Từ khi mới sinh ra nó đã là một ngôi sao sáng chói. Đến khi đi học mẫu giáo, một bữa nhìn thấy có vết xước trên người cháu, nó khai báo là do đánh nhau với bạn. Ông nội nó giận phừng phừng đến trường hỏi tội thằng bé kia và đòi gặp cả cha mẹ nó, rồi ông dằn mặt cô giáo là liệu hồn, cháu ông mà bị một lần nữa là ông sẽ không tha. Thằng bé chưa biết gì nhiều, nhưng nó vẫn nhận ra rằng nó có một lá chắn to lớn để không phải sợ ai.

Và cách dạy con của Tây…

Định cư ở Tây, tôi đưa con đến những nhà trẻ mở ra cho cả gia đình, những sân chơi cho các bé, những mô hình giao lưu học hỏi dành cho cả bé và cha mẹ... Tôi hiểu được lý do vì sao trẻ con Tây thường tự tin, tự lập và trưởng thành sớm hơn trẻ xứ ta. Các cha mẹ Tây không sợ con bị ốm, bị lạnh mà cho trẻ ra ngoài gần như mỗi ngày để tiếp xúc với thế giới xung quanh. 

Khi một đứa trẻ bị ngã, nó phải tự đứng dậy chứ không nằm ườn ra đó chờ ai đến nâng dậy. Chúng khát ư?, tự đi rót nước uống. Nếu quần áo bọn nhóc dính bẩn hay mặt mũi lấm lem do chơi đùa, họ không quan tâm, vì chỉ cần tắm gội là sạch. Chúng phải tự mặc áo quần dưới sự hướng dẫn của các cô, có sai cách cũng chẳng sao, chúng sẽ rút kinh nghiệm cho lần sau, hoặc sẽ tự điều chỉnh lại cho đúng khi bị các bạn cười. Chơi xong, chúng sẽ tự dọn dẹp và cất gọn những thứ chúng đã bày ra.

Lớn hơn chút, cả bé trai lẫn bé gái sẽ được dạy cách nấu ăn để ít nhất có thể tự phục vụ, cách may vá cơ bản và tự làm những vật dụng đơn giản như đóng một chiếc ghế, gieo hạt trồng cây… Các môn thể thao ở trường cũng vô cùng đa dạng từ bóng chuyền, bóng đá, bơi lội, bóng rổ, cầu lông... Hoạt động ngoại khóa càng phong phú hơn với việc vừa chơi vừa học, leo núi, trượt tuyết, cắm trại dã ngoại, chia nhau đi nhặt rác khắp nơi.

Hoc me Tay, bo duoc  thoi quen um con
Ảnh minh hoạ

Và nếu như trong các hoạt động ấy con trẻ chẳng may bị xước da chảy máu, chẳng có phụ huynh nào bắt đền nhà trường, bởi họ hiểu các thầy cô đã làm hết trách nhiệm, điều còn lại các con phải tự học cách đối mặt và vượt qua khó khăn. Khi bọn trẻ đánh nhau hay có va chạm xảy ra, phụ huynh và giáo viên hầu như không can thiệp, trừ khi nhận thấy có dấu hiệu nguy hiểm. Nếu không, họ để chúng tự giải quyết mâu thuẫn và học lấy những giá trị từ đó.Họ chỉ đưa ra lời khuyên sau đó, một cách ôn hòa và tôn trọng.

Tôi dần loại bỏ được thói quen “úm” con, khi con ngã tôi mặc kệ thằng bé tự đứng dậy, tập giả mù khi thằng bé xúc cơm để rơi rớt ra đầy bàn ghế rồi sau đó sẽ bắt chính nó cùng tham gia quá trình dọn dẹp, tập nói không với những đòi hỏi vô lý của con. 
Giờ thì con tôi đã học được nhiều rồi. Các ông bà, cô dì ở Việt Nam ai cũng khen thằng nhóc biết làm nhiều việc so với những đứa cùng trang lứa ở nhà. 

Cứng rắn nhưng đầy yêu thương là một cách giáo dục vô cùng hiệu quả mà tôi đã học được từ những bậc cha mẹ và giáo viên nơi đây. Tôi tin rằng, con cái của chúng ta sẽ hiểu được những bài học và trải nghiệm cần thiết khi chúng trưởng thành. Bởi vì, yêu thương cũng cần đúng cách. 

Phạm Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI