Hào hứng khi... thầy trò cùng “chạy”
Chiều thứ 5 hàng tuần, sau tiết học vật lý tại phòng C7, Phạm Minh Mẫn - học sinh lớp 10 C16, Trường THPT Bình Hưng Hoà (quận Bình Tân) tiếp tục “chạy” đến phòng C10 để học mỹ thuật. Bạn bè ở 2 lớp học này đến từ 16 lớp 10 trong toàn khối.
Hình thức lớp học “chạy” được Trường THPT Bình Hưng Hoà lần đầu tiên tổ chức cho học sinh lớp 10 trong năm học này khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Với tổng số 16 lớp 10 nhưng thống kê sơ bộ trường có đến gần 40 lớp học "chạy"…
|
Học sinh lớp 10 Trường THPT Bình Hưng Hoà trong giờ học "chạy" |
“Hồi đầu năm lớp 10 khi mới bắt đầu học theo hình thức lớp học “chạy”, em và các bạn còn chưa quen, đôi khi còn đi… nhầm lớp song chỉ 1-2 tuần sau đó thấy quen. Hiện giờ chúng em thấy hình thức học khá thú vị. Điều thích nhất là em được học đúng môn học mình yêu thích, có thế mạnh, nên cảm thấy hạnh phúc, không khí giờ học rất nhẹ nhàng” - Minh Mẫn chia sẻ.
Tuần 2 tiết, thầy Nguyễn Như Thuận - Giáo viên vật lý, Trường THPT Bình Hưng Hoà lại ngồi ở các phòng học “động” để “đón” học sinh khối 10 các lớp học “chạy”.
Sau gần 1 năm “đón” học sinh, thầy Thuận bày tỏ, cả thầy và trò cùng hào hứng, thích thú. Dù ban đầu, việc ổn định lớp gặp khó khăn do học sinh các lớp học “chạy” đến từ nhiều lớp 10 khác nhau. Để nhớ mặt 48 học sinh, nhớ lớp các em học, giáo viên phải ghi ra sổ, chi tiết. Khi giảng dạy, giáo viên cũng cần thiết kế nhiều hoạt động để học sinh vừa học kiến thức nhẹ nhàng, vừa gắn kết lớp… Tuy nhiên, với hình thức lớp học chạy mới mẻ, học sinh được lựa chọn môn học mình yêu thích, không khí lớp học trở nên hào hứng, sôi nổi hơn so với trước đây.
“Vật lý vẫn được coi là môn học khô khan, “khó nhằn” với nhiều học sinh. Thế nhưng, năm học này khi được chọn môn để học, mỗi tiết học không còn trầm nữa mà luôn sôi nổi. Giáo viên được chủ động thiết kế bài học phù hợp với năng lực học sinh. Ở từng bài học, các em được tham gia vào nhiều hơn, chủ động tìm hiểu kiến thức trên lớp, từ việc làm bài tập nhóm qua phần mềm, thực hiện các thí nghiệm ảo tại nhà, giáo viên đóng vai trò định hướng, củng cố. Ý thức tự học của học sinh được nâng cao hơn rất nhiều, tạo cho các em nhiều kỹ năng…” - thầy Nguyễn Như Thuận nhìn nhận.
Tạo bản sắc riêng cho từng trường
Cũng thiết kế lớp học “chạy” cho học sinh khối 10 lựa chọn môn học mình yêu thích, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) có thuận lợi khi đặc thù nhà trường có các lớp chuyên, từ đó học sinh phát huy được thế mạnh, sở trường, năng lực.
Sau gần một năm triển khai thực hiện chương trình mới, thầy Lâm Triều Nghi - Hiệu trưởng nhà trường đánh giá, đến thời điểm này nhận thấy học sinh rất tự tin, mạnh dạn, bắt nhịp với những đổi mới của chương trình về cả phương pháp học cũng như kiểm tra, đánh giá.
|
Việc học theo môn học lựa chọn mang đến giờ học nhẹ nhàng, hạnh phúc cho học sinh |
“Thời điểm đầu năm học được gọi là giai đoạn quá độ khi học sinh khối 10 bắt đầu chuyển giao giữa 2 chương trình cũ và mới. Phải mất 2-3 tháng đầu các em bỡ ngỡ, lúng túng khi làm quen với những đổi mới chương trình, nhất là cách thiết kế lớp học chạy, lớp học động tại trường. Thông qua các hoạt động, từng bước thầy cô đưa học sinh vào trong tiết học, tạo sự hứng thú cho các em. Đến giờ, các em đã hoà nhịp, việc giảng dạy đi vào ổn định. Đặc biệt, từ kinh nghiệm giảng dạy năm đầu, thầy cô đã có sự chuẩn bị tâm lý, việc chọn sách giáo khoa cho khối lớp 11 được làm kỹ càng, hướng đến sự nối tiếp với khối lớp 10”- thầy Nghi nêu.
Từ thực tế tổ chức mô hình lớp học chạy tại trường cho học sinh khối 10 trong năm học này, thầy Tô Lâm Viễn Khoa - Phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (Quận Bình Thạnh) nhìn nhận, học sinh trở nên năng động, hào hứng, tiếp cận việc học một cách chủ động như… học ở đại học.
“Trước đây, việc thiết kế lớp học là cố định, học sinh trong cả một khối chỉ học cùng một thời khoá biểu; các em trong một lớp được thụ hưởng cùng một nội dung, hoạt động giáo dục. Còn trong năm học này, học sinh khối 10 được tiếp cận cách học tương đương như ở bậc đại học. Ngoài các môn học cố định, các em được chọn lựa môn học mình yêu thích để học, tự giác và chủ động hơn với việc học của mình khi mỗi học sinh có một thời khoá biểu riêng chứ không còn theo lớp như trước”- thầy Khoa phân tích.
|
Các trường THPT tại TPHCM thiết kế "bản sắc riêng" khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 |
Đặc biệt, theo thầy Tô Lâm Viễn Khoa, khi triển khai Chương trình GDPT 2018, các trường THPT được chủ động thiết kế, xây dựng chương trình nhà trường theo thế mạnh, mục tiêu giáo dục của trường nên tạo ra những nét riêng biệt của từng trường. Điều này hỗ trợ rất nhiều trong việc tạo bản sắc, môi trường giáo dục, góp phần vào giáo dục hiệu quả học sinh. “Nhà trường đẩy mạnh đưa nội dung giáo dục trải nghiệm hướng nghiệp cũng như nghiên cứu khoa học đến học sinh, để làm sao học sinh được trải nghiệm nhiều nhất, qua đó phát huy năng lực bản thân…”.
“Bản sắc riêng” cũng là điểm nhấn được Trường THPT Bình Hưng Hoà (quận Bình Tân) làm rõ nét khi tổ chức giảng dạy với khối lớp 10 năm học này. Trong năng lực đội ngũ, ngoài thiết kế các lớp học chạy ở môn học lựa chọn, trường còn “làm mới” cách giảng dạy các môn học mới.
“Ở nội dung Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, thay vì giao cho giáo viên chủ nhiệm hoặc thầy cô các môn ít tiết phụ trách như nhiều trường đang làm, thì nhà trường lại dạy theo chủ đề, chủ điểm và phân công giáo viên đứng lớp phù hợp. Trong tổng thời lượng 105 tiết cả năm học, có 70 tiết giáo viên thuộc tổ hướng nghiệp trải nghiệm của trường phụ trách; 35 tiết còn lại trường mời chuyên gia là giảng viên các trường đại học, cao đẳng về đứng lớp theo cụm chuyên đề. Học sinh vô cùng thích thú, việc học nhẹ nhàng, thực chất…”- thầy Nguyễn Duy Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Bình Hưng Hoà phấn khởi cho biết.
Quốc Trung