Bằng cử nhân được công nhận quốc tế
Mới đây, Trường đại học (ĐH) Luật TPHCM và Trường ĐH Arizona (Mỹ) đã ký thỏa thuận liên kết đào tạo. Với chương trình này, sinh viên sẽ được đào tạo bằng tiếng Anh trong ba năm tại Trường ĐH Luật TPHCM và năm cuối tại Trường ĐH Arizona. Sinh viên ra trường sẽ được cấp hai bằng ĐH gồm: bằng cử nhân luật do Trường ĐH Luật TPHCM cấp và bằng cử nhân luật (B.A. in Law) do Trường ĐH Arizona cấp.
|
Trường ĐH Luật TPHCM và ĐH Arizona (Mỹ) đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác |
Bà Huỳnh Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Quản lý đào tạo chất lượng cao và đào tạo quốc tế (Trường ĐH Luật TPHCM), cho biết, hiện trường đang xây dựng đề án đào tạo và dự kiến có thể tuyển sinh từ năm sau. Cụ thể, sẽ có một số yêu cầu đầu vào như: trình độ tiếng Anh IELTS 5.5 trở lên hoặc tương đương. Sau hai năm đầu, sinh viên phải có trình độ tiếng Anh IELTS từ 6.5 hoặc tương đương trở lên và điểm trung bình học tập hai năm đầu từ 2.0/4.0 trở lên thì được học chương trình đào tạo luật của Trường ĐH Arizona…
Trước đó, Trường ĐH Luật Hà Nội cũng đã liên kết đào tạo ngành luật với Trường ĐH Arizona. Sinh viên có thể học tại Trường ĐH Luật Hà Nội và có thể đăng ký một hoặc nhiều hơn một học kỳ học tại Trường ĐH Arizona (Tucson, Mỹ). Sinh viên khi tốt nghiệp cũng được cả hai trường cấp hai bằng ĐH.
Với một lĩnh vực đặc thù khác là y khoa, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã thành lập Khoa Y Việt - Đức thực hiện liên kết đào tạo bác sĩ y khoa giữa trường với ĐH Y khoa Johannes Gutenberg University Mainz của Đức.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Châu Văn Trở, Trưởng khoa Y Việt - Đức, chương trình kéo dài sáu năm ba tháng, với 5 năm học tại Việt Nam và năm cuối thực tập ở một bệnh viện giảng dạy tại Đức, cùng với việc vượt qua ba kỳ thi chuyển giai đoạn quốc gia do Viện Khảo thí Y Dược Quốc gia Đức (IMPP) phụ trách. Sau đó, sinh viên tốt nghiệp được công nhận và chuyển tiếp học lên các chuyên khoa sâu, đặc biệt là được hành nghề y khoa tại Đức, châu Âu.
Đến nay, đã có ba khóa tốt nghiệp Khoa Y Việt - Đức. Trong đó, khóa 1 tốt nghiệp vào tháng 2/2020 với 26 bác sĩ; hiện 23 bác sĩ đã có giấy phép hành nghề tại Đức và đang sống, làm việc tại Đức. Khóa 2 và 3 có tổng số 32 bác sĩ, hiện đang hoàn tất thủ tục và chờ nhận giấy phép hành nghề để tiếp tục học tập và làm việc tại Đức.
Để hành nghề cần thêm nhiều điều kiện
Đối với những ngành nghề mang tính chuyên môn cao như luật sư và bác sĩ, liệu học xong các khóa đào tạo liên kết quốc tế này, sinh viên có thể hành nghề ở nước ngoài không ngay sau khi tốt nghiệp?
|
Sinh viên khóa 2, 3 Khoa Y Việt - Đức Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhận bằng tốt nghiệp tại Đức |
Là bác sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên của Khoa Y Việt - Đức, bác sĩ Hồ Trung Thành, hiện công tác tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Thành phố Helmstedt (Đức), cho biết, các bác sĩ sau khi tốt nghiệp ĐH đều phải tham gia chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa. Các bác sĩ này (gọi là bác sĩ phụ tá) sẽ làm việc dưới sự hướng dẫn của những bác sĩ chuyên khoa có thẩm quyền đào tạo tại cơ sở được cấp phép.
Sau thời gian đào tạo khoảng 5 - 6 năm, khi có chứng nhận và hoàn thành các chỉ tiêu thực hành thủ thuật, các bác sĩ phụ tá sẽ nộp đơn xin thi bác sĩ chuyên khoa để lấy các chứng chỉ chuyên khoa sâu. Như vậy, việc lấy bằng bác sĩ chỉ là bước đầu, còn để có thể hành nghề bác sĩ tại Đức và châu Âu cần một quá trình học tập, làm việc lâu dài và nghiêm túc sau đó.
Nói về cơ hội việc làm cũng như giá trị bằng cử nhân luật sau khi sinh viên tốt nghiệp chương trình liên kết, ông Lê Đình Nghị, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, cho hay, cơ hội của sinh viên rất rộng mở. “Tốt nghiệp chương trình này, sinh viên phải đáp ứng chuẩn đầu ra về tiếng Anh cũng như chuyên môn rất khắt khe. Chính vì thế, các cử nhân có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt, có cơ hội “đầu quân” cho tổ chức, doanh nghiệp quốc tế với mức lương rất cao”, ông Nghị nói.
Bà Huỳnh Thị Thu Trang cũng cho biết thêm bằng cử nhân luật của chương trình liên kết sẽ được công nhận tại cả Mỹ và Việt Nam. Với bằng này, người học có thể tiếp tục học lên cao học và theo con đường học thuật, nghiên cứu, giảng dạy tại Mỹ. Còn để hành nghề luật sư tại Mỹ, ngoài bằng cấp cần đáp ứng thêm các điều kiện khác của nước sở tại như: được đào tạo luật sư, tập sự tại cơ sở hành nghề luật, có chứng chỉ hành nghề luật sư, gia nhập Đoàn Luật sư Mỹ… cùng những quy định về điều kiện cư trú, quốc tịch (tùy bang).
Điều kiện tuyển sinh và học phí Chương trình liên kết giữa Trường ĐH Luật Hà Nội và Trường ĐH Arizona tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT từ năm 2022 trở về trước. Đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT quốc tế phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và phương thức khác, năm nay có 100 chỉ tiêu. Thí sinh phải có trình độ tiếng Anh IELTS 5.5 trở lên hoặc tương đương. Học phí là 10.000 USD/năm. Trường hợp sinh viên lựa chọn học tập tại Trường ĐH Arizona thì phải trả học phí cho trường này theo mức đối với sinh viên không cư trú ở bang Arizona. Khoa Y Việt - Đức Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đang xây dựng kế hoạch và sẽ tiếp tục tuyển sinh khóa mới vào khoảng tháng 10/2022. Thí sinh sau khi trúng tuyển ngành y đa khoa vào trường sẽ phải vượt qua vòng phỏng vấn xét tuyển bằng tiếng Anh với các giáo sư, bác sĩ của cả hai trường để tham gia chương trình. Học phí khoảng 150 triệu đồng/năm, quy mô đào tạo không quá 50 sinh viên/năm. |
Minh Linh - Đại Minh