Thay vì học sinh ngồi trên lớp và dạy những tiết học Lịch sử những số liệu khô khan trong sách vở, tự tưởng tượng ra những nhân vật lịch sử, mới đây, học sinh một số trường trên địa bàn Hà Nội đã được đắm chìm vào những câu chuyện lịch sử thông qua các phương tiện dạy học trực quan từ nhân chứng lịch sử.
Với mong muốn giáo dục truyền thống hưởng ứng 50 năm ngày chiến thắng " Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cũng như cung cấp cho các em học sinh cái nhìn thực tế về ngành phi công chiến đấu cũng như phi công vũ trụ, Trường Phổ Thông IVS (Hà Nội) đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Giao lưu cùng anh hùng vũ trụ Phạm Tuân”.
|
Trung tướng Phạm Tuân say sưa kể lại khoảnh khắc bắn rơi máy bay B-52 cho học sinh nghe - Ảnh: Đại Minh |
Tại buổi sinh hoạt này, phi công Phạm Tuân kể lại thời khắc lịch sử bắn rơi máy bay B-52. “Máy bay B-52 có chiều ngang 56m, chiều dài sải cánh 60m, trọng lượng 200 tấn và có thể chở 30 tấn bom. Nếu đi 3 chiếc thì mấy cây số vuông cũng bị san bằng. Điểm nguy hiểm là B-52 chỉ bay vào ban đêm để phi công ta không nhìn thấy và trên máy bay có tới 20 thiết bị gây nhiễu sóng.
Ngoài ra, còn có hàng chục chiếc máy bay khác yểm hộ. Thế nhưng, không chỉ có Mỹ mà cả thế giới đều không hiểu vì sao Mỹ mang sang 200 máy bay sang Việt Nam nhưng bị bắn rơi tới 81 chiếc, trong đó có 34 máy bay B-52.
Trước đó, tôi được lệnh cất cánh qua Hòa Lạc, Ninh Bình thì gặp máy bay địch ở Hòa Bình. Vòng mấy vòng không bắn được, máy bay tôi hết dầu nên phải quay về sân bay Nội Bài. Trong điều kiện đèn không có, đường băng bị đánh bom, máy bay của tôi hạ cánh vào hố bom lật ngửa trên đường băng với tốc độ 280km/h. Tôi đập cửa buồng lái chui ra”, Trung tướng Phạm Tuân kể lại thời khắc lịch sử cho các em học sinh nghe.
Cũng theo vị anh hùng lịch sử này thì ngày 27/12, ông được lệnh cất cánh bay ở sân bay Yên Bái, ra Sơn La, Hòa Bình.
“Tôi gặp B -52 ở vùng Sơn La. Tôi phóng 2 quả tên lửa, một chiếc B-52 cháy bùng. Tôi quay về hạ cánh, đó là chiến công đầu tiên. Phải nói đây là trận chiến tuyệt vời", anh hùng Phạm Tuân kể lại.
Phi công được đào tạo thế nào?
Trung tướng Phạm Tuân nhấn mạnh: “Một phi công bay chịu rất nhiều tác động mà ở dưới đất không bao giờ có. Người phi công phải chịu được áp lực nên tập luyện phức tạp.
Phi công phải có sức khỏe cơ bắp, sức khỏe tiền đình để nhận định ''đâu là trời, đâu là đất; đâu là phải, đâu là trái; đâu là ta, đâu là địch.
Em nào muốn thành phi công thì phải rèn luyện tinh thần cũng như thể chất tốt, đặc biệt với phi công không được phép sai sót”.
|
Học sinh đặt câu hỏi, giao lưu cùng nhân vật lịch sử - Ảnh: Đại Minh |
Còn để trở thành phi công bay vũ trụ, theo Trung tướng Phạm Tuân, bản thân người phi công phải rèn luyện vô cùng khó khăn vì quá trình con tàu quay lượn, lơ lửng ở không trung, cộng với thừa máu trên đầu tạo nên triệu chứng rối loạn tiền đình, nôn, chóng mặt. “Nếu như lái máy bay chiến đấu máu dồn xuống chân thì bay vào vũ trụ lại dồn lên đầu, mặt phình to lên.
Chúng tôi trong quá trình rèn luyện thành phi công vũ trụ đã phải tập trồng cây chuối. Cứ 30 phút trồng chuối đứng dốc đầu xuống đất, xong lại thay đổi tư thế đứng thẳng. Có những lúc ngủ trong điều kiện đầu chúc xuống đất chân giơ lên trời.
Để làm được tư thế này, chúng tôi phải buộc chân bằng sợi dây để quen với tình trạng máu lên não nhiều.
Tôi cũng nhớ có những bài tập người ta cho mình mặc quần áo và thả vào bể tắm, đổ thạch cao xung quanh người, nằm như thế bó chân từ sáng đến tối chỉ để đầu và tay điều khiển, những bài tập như thế rèn luyện không phải dễ, đó là chưa kể các bài tập quay lộn. Vì thế, chịu đựng tâm lý và tinh thần mới là điều khó trong bay vũ trụ”, Trung tướng Phạm Tuân kể.
Làm sao dạy Lịch sử hấp dẫn? Môn Lịch sử lâu nay không tạo được sự hứng thú cho cả người dạy và học vì thầy cô chỉ giảng dạy theo phương pháp đọc - chép là chủ yếu. Để học sinh và thầy cô cùng hứng thú với môn học này, trong thời gian qua, nhiều trường học đã đổi mới phương pháp dạy và học theo phương pháp trực quan và sinh động hơn như cho học sinh tham gia các tiết học trải nghiệm, giao lưu cùng anh hùng lịch sử hay đã đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy môn lịch sử; sử dụng sơ đồ, lược đồ, sa bàn… để tái hiện các sự kiện, diễn biến lịch sử. Đặc biệt, học sinh còn được đọc truyện lịch sử, sắm vai nhân vật, diễn sử ca hoặc tái hiện lại đặc điểm, tính cách các vị vua, các anh hùng của từng thời kỳ, trò chuyện, đặt câu hỏi với những anh hùng lịch sử. Qua những nhân vật “sống” đó, bối cảnh lịch sử sẽ khắc sâu hơn trong tâm trí mỗi em. Việc học Lịch sử bằng trực quan, sinh động thực sự đã rút ngắn khoảng cách quá khứ, hiện tại; biến kiến thức sách vở vốn trừu tượng thành những kiến thức gần gũi trước mắt. Qua các hiện vật sống động, những nhân vật lịch sử “sống” kèm theo những lời chia sẻ của họ học sinh vừa quan sát, vừa tưởng tượng, ngẫm nghĩ và nghe đến đâu thì nhớ đến đó ngay, thay vì phải học thuộc lòng. Cách làm này giúp học sinh hứng thú, vui tươi, dễ tiếp thu và yêu thích lịch sử hơn. |
Đại Minh