Học làm người từ chơi cờ

24/10/2023 - 11:34

PNO - Qua đánh cờ mà biết tính người; chơi cờ cũng là thể hiện cách sống. Khó khăn không lùi bước, mạnh dạn tiến lên, nhưng có lúc cần biết lui về phòng thủ.

 

Một trận đấu cờ trong giải thể thao 2020 tại Tuyên Quang (ảnh minh họa)
Một trận đấu cờ trong giải thể thao 2020 tại Tuyên Quang (ảnh minh họa)

Ba tôi hay mượn chuyện cũ để dạy con cháu. Một trong những chuyện tôi nhớ nhất là bài học về chơi cờ tướng.

Hồi còn thanh niên, ba tôi chơi thân và hay đánh cờ với chú Hòa. Sức cờ của ba tôi không bì được với chú Hòa nên nhiều khi đánh thua 3, 4 ván liền, thậm chí có ván còn bị chú ăn hết quân.

Ván nào khá lắm thì ba tôi mới cầm hòa nổi. Thắng trận, chú Hòa thường “gáy”, ba tôi rất tức tối. Nhưng dù không vui, ba tôi cũng không để bụng. Chỉ là chơi cờ thôi mà!

Một bữa, ba tôi sang nhà chú Hòa mà không gặp chú, chỉ có bác Hai - anh của chú ở nhà. Anh em vui vẻ đem cờ tướng ra chơi. Bác Hai chơi chậm rãi, nước nào cũng chắc chắn. Bữa đó hòa, mỗi người thắng một ván. Những lần sau, đánh với bác, ba tôi thua nhiều hơn thắng, nhưng chỉ thua sít sao, 2-1 hoặc 3-2 và thường cũng chỉ hơn một vài quân chốt. 

Ba tôi tuy thua nhưng cũng lên cờ và thấy rất hài lòng. Một lần cao hứng, ba tôi hỏi: “Sức cờ của anh chắc không bằng chú Hòa?”. Bác Hai cười ngất: “Trời, cờ chú đó mới sạch nước cản. Sách cờ ở nhà, chú ấy mới đọc được có một nửa hà”. Nói rồi, bác Hai chỉ chồng sách cờ về khai cuộc, cờ thế, cờ tàn, các ván cờ hay để trên đầu tủ cho ba tôi xem.

Ba tôi không tin: “Anh nói sao chứ chú Hòa ăn tôi như ăn gỏi”. Bác Hai lại cười: “Chú không tin hả? Tôi chấp chú con xe đánh thử”. Ván đó, tuy nhiều hơn quân xe, cờ ba tôi chẳng triển khai tấn công được, muốn thí quân cũng không xong, đành thúc thủ. Ba tôi phục bác Hai sát đất.

Ba tôi bảo: qua đánh cờ mà biết tính người; chơi cờ cũng là thể hiện cách sống. Khó khăn không lùi bước, mạnh dạn tiến lên, nhưng có lúc cần biết lui về phòng thủ; đã chơi thì phải có tinh thần quyết thắng nhưng không háo thắng; thắng không kiêu, bại không nản; luôn thể hiện sự bình tĩnh, điềm nhiên; gặp kẻ mạnh không sợ, thấy kẻ yếu không khinh…

Có lẽ vì học được điều này, tôi giống ba ở chỗ đánh cờ hay lên tượng trước, rồi thả mã lên lần lần, giăng pháo 2 bên, đưa xe giữ sông, một cách chậm rãi, khá chắc chắn. Nhiều người bảo đó là kiểu “cờ già”.

Nhà tôi hay có đám bạn tới chơi. Món cờ tướng thường được nhiều anh em đem ra đọ tài, có lúc tôi cũng ứng chiến. Thấy tôi hơi “yếu”, ba hay động viên: “Có chiếu cứ chiếu” hoặc “đuổi quân họ về nước”, “nhắm ăn chưa nổi thì lui về thủ”… Sau ván cờ, dù bên nào thắng, ai nấy cũng đều thấy vui vẻ. Có lẽ tôi học được tính điềm đạm, từ tốn cũng từ cách dạy con của ba tôi qua những ván cờ.

Ba tôi cũng hay nhắc lại chuyện chú Hòa. Chú rất giỏi võ. Có lần ở bến xe, 2 tay ôm 2 con gà đá mà đánh nhào được 2 gã móc túi. Ngoài món đá gà, chú cũng mê đánh bài nữa.

Ba nói: “Chú háo thắng để lấy phần của người khác, thành ra cuộc đời sướng ít buồn nhiều, vui ngắn sầu lê thê”.

Cờ vua, cờ tướng là các môn thử thách trí tuệ (Ảnh minh họa)
Cờ vua, cờ tướng là các môn thử thách trí tuệ (Ảnh minh họa)

Còn ba tôi có lẽ có một cuộc đời khá viên mãn khi không bao giờ tranh phần với ai mà luôn nhún nhường và sẵn lòng hy sinh cho người khác, để rồi từ tay trắng ông đã gầy dựng được một gia đình sung túc, nhất là các con đều nên người.

Có lẽ hạnh phúc lớn nhất của ông là anh em chúng tôi đều sống giản dị, nghĩa tình, được họ hàng quý trọng, thậm chí nhiều người lấy đó là tấm gương để động viên con cháu họ noi theo. Với tôi, những điều đó, anh em chúng tôi có được đều là do sự nuôi dạy chu đáo bằng cả lòng yêu thương của ba mẹ.

Riêng tôi, trong nhiều bài học sâu sắc ba để lại, tôi vẫn luôn tâm đắc bài học làm người từ việc chơi cờ. 

Nguyễn Minh Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI