Khoảnh khắc đeo bông cưới cho em dâu như một sự kết nối kỳ lạ
Học làm chị chồng ở đâu?
Ai cũng cười cợt khi tôi nói ra ý nghĩ đó trước ngày cưới của em trai. Đâu ai biết tôi có trăm ngàn lý do để học làm… chị chồng. Trên đời này, ngoài việc ăn uống ngủ nghỉ là bản năng, còn lại, đâu phải cái gì mình cũng tự nhiên biết làm hết thảy. Mình đâu phải siêu nhân, nhất là chuyện tự dưng trong nhà có thêm thành viên mới. Tự dưng một ngày mình lên chức… chị chồng của con nhà người ta, cũng có trăm điều bỡ ngỡ, y như lúc đi làm dâu nhà người, khác chi đâu!
Có một thực tế khá phũ phàng: khi tôi thử tìm trên mạng cụm từ “học làm chị chồng hoàn hảo”, Google cho ra hàng trăm ngàn kết quả của “cách làm con dâu hoàn hảo”, “cách làm một người chồng hoàn hảo”… Tuyệt nhiên không thấy ai bày cách để phụ nữ trở thành “chị chồng hoàn hảo”. Tôi không ngạc nhiên, cũng không thấy có gì đáng buồn. Có lẽ vị trí “chị chồng” trong mỗi gia đình, trong xã hội này quá bình thường. Mặc dù tôi biết tỏng vị trí ấy có khi là nỗi ám ảnh cả đời của các “em dâu”, thật may tôi chẳng phải nằm trong số đông “đen đủi” đó. Có một nghịch lý là mẹ cô dâu luôn dạy con cách đối nhân xử thế khi về nhà chồng, cách để làm vừa lòng chị chồng, em chồng. Nhưng bên nhà trai, hiếm thấy bà mẹ nào lên tiếng dạy con gái mình cách làm chị chồng đúng mực đối với em dâu - người sẽ cả đời còn lại gọi ta bằng chị, dẫu không cùng máu mủ ruột rà.
Tôi không có đứa em gái nào. Nay em về làm dâu trong nhà, tôi như có thêm đứa em gái… ngang hông. Kiểu gì thì cũng phải tập tành làm quen với việc đó, sao cho nó… bài bản. Bởi, nếu em gái ruột thì không việc gì nhưng mối quan hệ chị chồng - em dâu luôn là đề tài gây tranh cãi và căng thẳng trong nhiều gia đình. Tôi không muốn mình vì một sơ hở nào đó mà làm mối quan hệ mới chớm này trở nên khó xử. Tôi đã từng là em dâu. Nay tự dưng tôi “được” hoán đổi vị trí, vừa thấy thú vị, vừa lo âu thấp thỏm.
Người mà tôi phải níu áo để học, không ai khác, chính là… chị chồng tôi. Mười mấy năm trôi qua rồi nhưng tôi vẫn luôn nhớ câu nói của chị lúc tôi và em trai chị chuẩn bị kết hôn: “Em suy nghĩ kỹ chưa? Chứ cưới nhau, sau này em sẽ khổ!”. Lúc đó, tôi ngớ người ra, không hiểu sao chị lại hỏi mình câu đó. Nếu là người khác, họ luôn tìm cách để vun đắp cho cuộc tình ấy, níu kéo cô gái về phía em trai mình. Nhưng chị lại khác. Hay chị không ưng tôi về làm em dâu chị?
Sau này, hôn nhân của vợ chồng tôi đúng thật trải qua nhiều sóng gió, đến mức chúng tôi đã có lúc đứng trên bờ vực ly hôn. Tôi mới vỡ ra một điều: chị thương tôi thật, thương như em gái nên mới “cảnh báo” tôi. Cái nết của em trai chị, chị rành hơn ai hết. Nhưng tôi lúc đó, tuổi trẻ bồng bột, trong mắt chỉ có tình yêu đơn giản nên mọi thứ về đối phương đều hoàn hảo, lấp lánh, không tì vết. Thời gian làm mọi thứ cũ dần, những lấp lánh rơi rụng dần, trơ ra những thói hư tật xấu khiến hôn nhân ngày càng nhàm chán, lợt lạt. Lúc này, tôi mới nhận ra ẩn ý sau câu nói của chị. Chị muốn tôi biết rằng hôn nhân khác xa tình yêu. Đi hết cuộc hôn nhân, cả hai phải cố gắng vun vén, có trách nhiệm và nghĩa vụ rõ ràng với nhau, với con cái; chỉ cần một người bỏ cuộc giữa chừng, cuộc hôn nhân ấy sẽ kết thúc.
Tôi, đến bây giờ, vẫn không quên nhiều lần chị ra tận quán nhậu vào giữa khuya để gọi chồng tôi về, khi tôi ôm con nhỏ mỏi mòn đợi ở nhà; những lần chị thức xuyên đêm canh con tôi khi 2 cha con bị sốt xuất huyết nằm viện cùng lúc, mà tôi phải chăm đứa út còn nhỏ xíu. Hoặc trong những cuộc cãi vã, chán chường, tôi đều gọi điện “méc” chị chồng. Chị ruột tôi biết chuyện, la cho một chặp “kiểu gì cũng là em trai, ai không bênh em mình?”. Nhưng không, chị chồng “giáo huấn” chồng tôi nhiều trận khiến anh “á khẩu” vì đuối lý. Nếu không có chị chồng, tôi không chắc cuộc hôn nhân của mình kéo dài đến tận hôm nay. Chị không bắc nhịp cầu cho chúng tôi đến với nhau nhưng là người giữ cho cây cầu nối giữa vợ chồng tôi không sập gãy giữa chừng.
Từ ngày có em dâu, tác giả (bìa trái) phải “học” cách làm… chị chồng
Sự kết nối kỳ lạ
Bây giờ, với em dâu, tôi cũng muốn mình đủ sức, đủ khéo léo để giữ nhịp cầu cho vợ chồng em. Muốn vậy, tôi càng phải học cách xử sự và đối đãi với em dâu như người thân thực sự, không phải người dưng đâu đó mới về. Tôi xót xa khi nhìn thấy em dâu lén lau nước mắt tiễn ba mẹ về sau tiệc cưới. Sau đám cưới chỉ 1, 2 tuần, em xin phép về thăm nhà, tôi và má vui vẻ động viên em về dù họ hàng ai cũng nói ra nói vào. Tôi còn mạnh miệng kêu em dâu ở lại chơi với gia đình, chờ đến cuối tuần, em trai tôi đón về. Em rối rít cảm ơn má con tôi. Em nói, bạn em nhiều người về nhà chồng bị bên chồng làm khó dễ. Lúc về đây, em cũng sợ, cũng tủi thân nhưng giờ nhìn lại, em thấy mừng vì được hiểu, được thương. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, ai cũng cần gia đình, huống hồ em đã ở cùng ba mẹ 30 năm nay. Ba tôi mất, má tôi mới mổ cườm nước cả 2 mắt nên hôm rước dâu, tôi là chị lớn phải thay ba má đeo bông cưới cho em dâu. Khoảnh khắc đó thật lạ lùng, trào dâng nhiều cảm xúc và sự kết nối kỳ lạ, in sâu vào tâm trí tôi, thành tình thương đến sau này.
Những ngày đầu về nhà chồng, em dâu chỉ có tôi để thủ thỉ vui buồn. Em mới về, chưa biết cái “nết” ưa buồn vu vơ của má chồng nên cứ phải nhìn sắc mặt má, rồi gọi hỏi tôi “Em làm vậy có sai chỗ nào không, chị chỉ em với, sợ má buồn em!”. Tôi vừa thương vừa tức cười, phải giải thích các thói quen, kể cả sở thích ăn uống của má để em nắm rõ. Má tôi lớn tuổi, lại thuộc kiểu “người của muôn năm cũ”, chỉ thích ăn những món rau dưa, cá đồng đạm bạc. Em mua đồ ăn sáng sang trọng một chút, chủ yếu tẩm bổ cho má, má lại kêu em xài sang, phí tiền. Má cũng hay rầy rà như vậy với chị em tôi nhưng tôi biết thực lòng má rất vui vì có con dâu biết quan tâm chăm sóc mình. Bằng chứng là má hay rề rà qua nhà hàng xóm, khoe chuyện được con dâu mua này kia cho mình, với niềm vui tíu tít như trẻ con.
Em trai tôi đi làm suốt, em dâu mới về còn đang chờ kết quả tìm việc nên cả ngày chỉ loay hoay với má chồng, chợ búa, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn thôi, cũng buồn. Tôi có gia đình riêng nhưng chỉ cách nhà má 2 cây số. Sáng nào em dâu cũng tranh thủ chạy qua nhà tôi chơi. Em cũng có sở thích trồng cây giống tôi. Về đây, 2 chị em suốt ngày bàn chuyện mua đất, mua hạt giống, ươm cây. Em trồng được một dây dưa hấu trước sân, háo hức tìm hiểu cách thụ phấn cho hoa đậu trái. Và rồi cũng có trái dưa hấu thật. Em chụp hình cho tôi xem từng quá trình trái dưa lớn, buồn khi một nhánh dưa bị héo úa, vui khi thu hoạch được thành quả là trái dưa bé tẹo bằng cái chén ăn cơm… Rồi khi tìm được việc làm gần nhà, em cũng vui mừng báo tôi biết.
Nhưng bao nhiêu đó chưa là gì. Tôi thấy mình chính thức ra dáng chị chồng khi huấn luyện em trai từ một thanh niên ham vui, ưa tụ tập bạn bè thành một người đàn ông của gia đình, biết nấu ăn, rửa chén giúp vợ. Thật ra, tôi biết em trai mình thương vợ. Nhưng nếu không được tôi tập từ sớm, thêm việc rỉ rả góp ý nọ kia, chắc gì em tôi đã tự nguyện làm. Cũng như nếu tôi không la rầy, chắc gì em đã bỏ tật bù khú đàn đúm với bạn bè như hồi độc thân. Khoản này, tôi phải cảm ơn chị chồng đã “dạy” tôi rất bài bản.
Dù ở vị trí nào, chị chồng hay em dâu, với tôi, điều cần nhất là cả hai phải mở lòng với nhau, có sự cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu…. Có vậy, mối quan hệ sẽ luôn tốt đẹp, thuận hòa.