edf40wrjww2tblPage:Content
Thanh Sơn trong ngày nhận bằng thạc sĩ Trường ĐH Khoa học tự nhiên
BÀI HỌC TỪ BA
Khi Sơn được chín tháng tuổi, cậu thường xuyên lên cơn sốt. Các bác sĩ ở bệnh viện tỉnh chẩn đoán Sơn bị viêm màng não. Sau 20 ngày chữa trị, bệnh tình của Sơn không thuyên giảm mà càng thêm trầm trọng. Gia đình quyết định đưa cậu vào Sài Gòn chữa trị. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán Sơn bị sốt bại liệt nhưng vì nhập viện trễ nên không can thiệp kịp. Lẽ ra, sau khi cơn sốt bị đẩy lùi, Sơn có thể tự hồi phục và chỉ để lại di chứng nhẹ; nhưng do trước đó can thiệp không đúng bệnh, dẫn đến liệt tứ chi.
Sơn hồn nhiên: “May mà không ảnh hưởng đến não, còn cái đầu là tốt rồi”.
Từ ngày Sơn bị bệnh, ba cậu xin về hưu sớm để chăm sóc con. Sơn nhớ ngày mình vào lớp 1, thân hình oặt ẹo không thể ngồi trên chiếc xe đạp, chị gái phải theo đỡ để ba đèo đến lớp. Trên đường đi, mọi người dòm ngó, Sơn nằng nặc đòi về, nhưng ba kiên quyết đưa con trai đến trường. Lần đầu tiên làm quen với sách vở, trong khi bạn bè uốn nắn từng nét chữ thì Sơn chẳng thể nào cầm được cây bút. Đôi tay bị liệt chẳng chiều theo ý cậu bé, bút vừa cầm lên đã rơi xuống sàn. Ba kiên trì tập cho Sơn cầm bút. Đến giờ Sơn vẫn không quên lời ba khi đó: “Người ta lành lặn không học lớn lên còn có thể đi làm phụ hồ kiếm sống. Còn con, nếu không chịu học sẽ làm gì để nuôi thân? Con chỉ có con đường duy nhất, đó là học”. Dù khi ấy không hiểu lắm lời ba nhưng ánh mắt, hành động của ông như một động lực thôi thúc Sơn. Cậu bắt đầu tập cầm bút và ba tháng sau thì Sơn có thể viết bài.
12 năm Sơn đến trường là ngần ấy năm ba đưa đón. Ông luôn có mặt bên con chia sẻ từng chuyện nhỏ nhặt nhất. Vốn là bộ đội, ông dùng kỷ luật để giúp con rèn luyện. Ông đặt ra cho Sơn mục tiêu và bắt buộc cậu phải phấn đấu. Sơn thật thà: “Hồi ấy nhiều lúc tôi còn nghĩ sao ba ác với mình quá. Nhưng lớn lên tôi mới hiểu nếu ba không kiên quyết mà chỉ nhìn vào bề ngoài của tôi, thương yêu chiều chuộng thì có lẽ tôi đã không có ngày hôm nay. Tình yêu thương của ba đã giúp tôi tự tin, mạnh mẽ vượt qua mặc cảm, bệnh tật vươn lên trong cuộc sống”.
Trở ngại lớn nhất của Sơn là mọi sinh hoạt cá nhân, từ ăn uống, tắm rửa đến đi vệ sinh đều phụ thuộc vào người thân. Ở nhà thì đã có ba mẹ, chị gái lo, còn ở trường thì Sơn buộc phải “nhờ vả” bạn bè. Vậy là Sơn phải chủ động bắt chuyện, kết bạn với các bạn. Sơn chia sẻ: “Muốn kết thân với mọi người thì trước hết mình phải dẹp những tự ti, mặc cảm. Mình có mở lòng thì người khác mới chia sẻ với mình”. Có lẽ nhờ vậy mà mỗi cấp học Sơn đều có được một vài người bạn rất thân bên cạnh nâng đỡ khi cậu cần.
Thanh Sơn đang dạy tiếng Anh cho các em nhỏ tại Trường Vừa học vừa làm 15/5 (Q.1, TP.HCM)
TRÍ TUỆ BÙ HÌNH THỨC
Càng lớn, Sơn càng thấm thía câu nói ấy của ba, càng khát khao hoàn thiện bản thân mình bằng trí tuệ. Với Sơn, đó là đền đáp công ơn của ba mẹ, tri ân đến những người bạn đã sát cánh bên mình. Suốt 12 năm học Sơn luôn phấn đấu để trở thành học sinh giỏi và phần thưởng xứng đáng là tấm vé vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên trước sự nể phục của thầy cô, bè bạn.
Nhưng một nỗi đau bất ngờ ập đến với chàng trai trẻ, ngày Sơn nhận tin mình đậu đại học cũng là ngày ba anh phát hiện bị ung thư. Sơn kể, lúc đó anh cảm thấy rất sợ hãi và hụt hẫng, dù ba vẫn luôn lạc quan và động viên anh. Sơn nhớ như in ông ra đi sau ngày Sơn tốt nghiệp đại học 13 ngày. Sơn nghẹn ngào: “Trước lúc ra đi ba đã để lại cho tôi bài học sâu sắc về nghị lực và ý chí. Đó là hình ảnh ba cố gắng kéo dài sự sống của mình suốt bốn năm, thay vì chỉ vài tháng đến nửa năm như bác sĩ dự đoán. Sau này tôi vẫn lấy đó để làm bài học cho mình khi chán nản, tuyệt vọng”.
Ba mất, đúng lúc Sơn bị các doanh nghiệp từ chối tuyển dụng vì là người khuyết tật, Sơn như rơi xuống vực sâu, hụt hẫng, chán chường. Suốt một tháng trời anh không làm gì cả, đôi lúc miên man nghĩ đến cái chết. Nhưng rồi anh kịp nhận ra, anh không thể chết. Anh nợ nhiều lắm, nợ mẹ tảo tần khuya sớm nuôi anh khôn lớn, nợ ba hy sinh cả sự nghiệp để chăm sóc anh. Anh còn nợ nhiều bạn bè. Sơn vực dậy tìm kiếm cho mình một lối đi, không xin được việc làm từ các công ty, anh chuyển sang dạy tin học, tiếng Anh, dịch thuật. Ấp ủ ước mơ tiếp tục học lên cao học và tháng Sáu vừa qua, Sơn là người khuyết tật đầu tiên nhận hai bằng thạc sĩ gồm chuyên ngành hệ thống thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên và quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế.
Dẫu ít nhiều giành được thành công nhưng đôi lúc Sơn vẫn không tránh khỏi cảm giác cô đơn, buồn tủi. “Có những cái buồn mình giải quyết được, nhưng có những cái thuộc về đối nhân xử thế, nó không thuộc về chuyên môn, mà thuộc về kinh nghiệm, trải nghiệm thì không biết chia sẻ cùng ai”, Sơn ngậm ngùi. Những lúc đó Sơn tìm đến mộ ba, với anh đó là cách nạp thêm nghị lực để vươn lên.
Nói về mối tình hơn 5 năm gắn bó của Sơn và bạn gái Thanh T., Sơn cười: “Bạn gái tôi sẽ không được người yêu đưa đi uống cà phê, đi ăn hay dạo phố như những cặp tình nhân khác. Nhưng tôi tin mình có thể đảm bảo được một cuộc sống đầy đủ về vật chất cho gia đình. Đó cũng là cách tôi muốn bù đắp những thiệt thòi cho cô ấy. Không chỉ vật chất, tôi còn có cả trái tim chân thành, sự cảm thông, chia sẻ và yêu thương. Ngày còn sống ba tôi từng nói với tôi rằng, ba mẹ rồi cũng qua đời, các chị thì phải có gia đình, chỉ có vợ con mới sống cùng con đến cuối đời. Tôi nghĩ để giữ được mái ấm gia đình trọn vẹn đến ngày đầu bạc răng long với một người bình thường đã khó, với một người khuyết tật như tôi lại càng khó. Tôi biết mình cần phải cố gắng thật nhiều, tôi tin tình cảm chân thành sẽ được đáp lại bằng tấm chân tình”.
LINH GIANG
Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn