Khá nhiều trẻ sơ sinh có lịch sinh hoạt trái ngược với bố mẹ: “ngày ngủ, đêm thức” và với những bé như vậy, chắc chắn sẽ làm cho các mẹ thêm phần vất vả khi chăm con và việc luyện cho con ngủ ngoan là điều khiến nhiều mẹ đau đầu.
Đối với chị Nguyễn Tâm, việc rèn cho con ngủ ngoan đã được chị chuẩn bị ngay từ khi con chưa ra đời và trộm vía từ khi mới sinh, con trai chị Tâm, bé Bơ ngủ rất ngoan và đúng giờ.
“Suốt thời gian bầu bí là lúc mình tranh thủ ngày rộng tháng dài rảnh rỗi dư thừa, ngồi tìm kiếm và đọc các tài liệu về giấc ngủ trẻ sơ sinh. Nhất là các kinh nghiệm của các tiền bối đi trước, lọc các ý kiến, nội dung có ích xong chụp ảnh màn hình, khoanh lại chú thích để tích lũy kiến thức chăm con. Nghĩ lại mình thấy những ngày tháng ấy thật không hề uổng phí”, chị Tâm chia sẻ. Sau khi tìm hiểu, chị Tâm đã quyết định áp dụng phương pháp EASY cho con.
|
Chị Tâm và con trai, bé Bơ. |
Ngay khi đi sinh, chị Tâm đã chuẩn bị những thứ cần thiết để giúp con ngủ ngoan và đúng giờ, chị quan niệm, khi mới ra đời, càng tạo những điều kiện ngủ dễ chịu tối đa, càng giống trong bụng mẹ bao nhiêu thì càng làm bé khoan khoái, an tâm bấy nhiêu. “Đồ nghề” chị Tâm mang theo là 2 cái quấn Chũn Cocoon.
Ngày đầu tiên ở viện, mọi chuyện diễn ra rất êm xuôi. Sang đến đêm thứ hai và sáng ngày thứ ba, Bơ quấy khóc liên tục và không chịu bú, “mọi người trong phòng bảo Bơ bị "quấn" chặt không thở được nên mới cáu kỉnh nhưng mình biết rõ con khó chịu là do quá nóng. Nhưng cái tư tưởng trẻ con cần được ủ ấm ăn sâu vào nếp nghĩ của mọi người quá nên phòng hậu sinh bật quạt ai cũng sợ con lạnh”, chị Tâm nhớ lại.
Khi được ra viện, đêm đầu tiên ở nhà, chị Tâm đã thực hiện bedtime routines lần đầu tiên cho Bơ và bé ngủ giấc đêm yên lành, trong môi trường bật điều hòa mát rượi.
|
Bơ ngủ rất ngoan. |
Chia sẻ thêm về bedtime routines, chị Tâm cho biết, khi còn trong bụng mẹ, bé luôn ở trong một môi trường tối om nên khi ra ngoài, có thể con sẽ bị lẫn lộn ngày đêm, nghĩa là ngày thì ngủ nhưng đêm lại dậy chơi. Điều này không phù hợp với lịch sinh hoạt của cả gia đình và bedtime routines sẽ giúp trẻ khắc phục được nhược điểm này, giúp mẹ rèn bé phân biệt được ngày và đêm.
Bedtime routines được chị Tâm áp dụng cho bé Bơ được thực hiện như sau: Gần đến giờ ngủ, Bơ sẽ được massage nhẹ nhàng rồi được tắm rửa sạch sẽ. Sau đó, chị Tâm cho con bú no, ợ hơi rồi quấn bé lại. Xong xuôi hết tất cả những việc trên, chị chúc con ngủ ngon rồi ra khỏi phòng.
Tất cả các bước massage, tắm, bú, thay đồ ngủ hay quấn,… nếu được làm thường xuyên hàng ngày sẽ giúp bé hiểu rằng đã đến giờ ngủ đêm.
Trộm vía, Bơ rất ngoan và ít khóc, nhưng nếu con khóc, chị Tâm không dỗ dành con như nhiều người khác mà chị thực hiện “nút chờ”. Có nghĩa là khi bé khóc thì mẹ sẽ vỗ về nhưng không bế. Khoảng 2 phút sau, mẹ lại vào dỗ tiếp, lần tiếp theo là 3 phút và 5 phút.
“Tất nhiên là khi thực hiện “nút chờ” thì mình phải kiểm tra kĩ: bỉm của con không ướt, con không bị đầy bụng, phòng không quá sáng hay quá ồn và con đủ mệt để muốn ngủ”, chị Tâm lưu ý.
Một số “điều kiện ngủ” chị Tâm thiết lập cho bé Bơ:
- Phòng ngủ tối và sạch: Nên để không khí trong phòng được lưu thông thường xuyên. Giờ Bơ chơi, không ngủ, chị Tâm thường mở cửa phòng, xịt tinh dầu và lau nhà dầu sả khử khuẩn đuổi muỗi.
- Đệm bông ép: Theo chị Tâm, bé cần có 1 không gian riêng và phẳng để ngủ nên chị không làm quen với võng, nôi điện và nôi bông handmade vì sợ ảnh hưởng đến não và xương cột sống còn non nớt của con.
- Quấn Cocoon mềm mỏng, co giãn nên khi quấn sẽ ôm gọn người trẻ, mỏng nhưng ôm khít như kén sâu. Bé Bơ thường giật mình thon thót, ọ ẹ mà được quấn thì im re và ngủ ngon. “Trộm vía nhờ quấn và những giấc ngủ chất lượng nên Bơ khá dài người, tỉnh dậy lúc nào con vui vẻ lúc ấy khiến giờ chơi của 2 mẹ con suôn sẻ, thú vị hơn”, chị Tâm tiết lộ.
- Tinh dầu xông phòng diệt khuẩn tràm, sả, quế, cúc, cam... trong đó tinh dầu lavender giúp bé thư giãn ngủ ngon. Hương hoa lavender là hương giúp trẻ ngủ ngoan tốt nhất.
- Whitenoise.
- Máy báo khóc: Vì phòng ngủ tối và kín, bố mẹ thường làm việc nhà và đóng hàng ở phòng ngoài mà thấy Bơ im ắng quá nên gia đình chị Tâm quyết định sắm máy báo khóc để đề phòng.
- Tinh dầu thông mũi: Vì Bơ còn nhỏ nên chị Tâm muốn dùng đa tinh dầu bôi phòng ngừa cho con lúc nằm điều hòa. Nhưng trộm vía Bơ thích nghi dễ dàng nên chị cũng không lạm dụng nhiều.
- Nhiệt độ phòng: Chị Tâm luôn đảm bảo phòng ngủ của con luôn mát mẻ, nhiệt độ phòng (không phải nhiệt độ điều hòa) thường ở mức 20-22 độ C. “Sự thật là thân nhiệt của trẻ con rất nóng, mình không dùng bao tay, mũ hay khăn sữa choàng cổ cho cả hai đứa con mình bao giờ và cũng chưa thấy đứa nào bị ốm vì nằm điều hòa quá nhiều cả”, chị Tâm chia sẻ.
Chị cũng nhấn mạnh rằng các mẹ đừng cho rằng chỉ có nhà có điều kiện mới chuẩn bị được những thứ như thế này vì gia đình chị hoàn toàn không khá giả, nhà vẫn đi thuê và không có lương hàng tháng.
|
Chị Tâm đang phấn đấu luyện cho bé Bơ "vứt đâu cũng ngủ được". |
Sau khi suy đi tính lại giữa lợi ích giấc ngủ đầy đủ của con đem lại, sự phát triển trí não và chiều cao trong khi ngủ, sự hồi phục sức khỏe nhanh chóng của mẹ và bố mẹ có thời gian dành cho nhau, không phải đầu bù tóc rối, không cãi nhau vì trông con thì chị Tâm thấy sự đầu tư này thực sự là xứng đáng.
“Trẻ con không biết đòi hỏi đâu. Giới hạn bao bọc, nuông chiều, rèn giũa như nào đều do người lớn cả”, chị Tâm chia sẻ.
Bé Bơ hiện tại đã được hơn 2 tháng tuổi, trộm vía bé rất ngoan và chị Tâm cũng luôn tràn đầy năng lượng vì lúc con ngủ thì mẹ cũng được ngủ đủ và “cuộc sống con mọn mà còn rảnh rang hơn cả lúc son rỗi”.
Khánh Linh