Bình thường, chị thích ngắm tranh, đọc sách, tìm hiểu về mỹ thuật và tái chế, thường dạy học sinh làm tranh xé dán như một hoạt động tự do. Vào thời điểm “nhàm chán” đó, ý tưởng tranh xé dán đã bật ra như một sự lựa chọn có thể dung hòa tất cả khía cạnh trên. Ngờ đâu từ đây, chị đã có thể biến những tờ giấy báo cũ, sách cũ thành những tác phẩm nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa với bản thân và cộng đồng.
“Tôi không học mỹ thuật hay vẽ tranh từ trước nên chỉ thuần túy để cảm xúc, trí tưởng tượng dẫn dắt. Trong quá trình làm thì không có sự tham khảo hay trình tự bài bản nào, cứ ngắm nghía và chỉnh sửa từng chút. Tôi nhớ là cảm giác lúc đó rất say sưa, cuốn hút nên quên cả mệt, có khi làm liên tục mười mấy tiếng” - chị Kim Hồng chia sẻ.
|
Với Kim Hồng, mỗi lần mày mò, suy nghĩ rồi hoàn thành một tác phẩm là một hành trình đến với sự thỏa mãn nội tâm trọn vẹn |
Thời điểm ban đầu không thể ra ngoài, báo giấy ngày nay cũng không phổ biến, chị Kim Hồng chỉ xin được một ít báo cũ và một quyển sách cũ từ người bạn. Hoa cúc là bức tranh đầu tiên chị làm, để minh họa bài thơ viết về nỗi nhớ lớp, nhớ học trò. Khi hoàn thành, bức tranh bất ngờ nhận được sự yêu mến và động viên của mọi người, thúc đẩy Kim Hồng đi tiếp cùng đam mê.
Những tác phẩm sau đó nối tiếp nhau ra đời với rất nhiều cảm hứng từ sách, đời sống, thiên nhiên và trẻ em… Chỉ cần được đóng khung, treo nơi thoáng mát tránh nắng, tránh ẩm mốc là tác phẩm có thể trưng bày được rất lâu. Khi đăng tải lên các hội nhóm, các tác phẩm của chị đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ công chúng với hàng ngàn lượt yêu thích, chia sẻ.
Kim Hồng đã truyền cảm hứng chân thật cho việc biến những thứ tưởng chừng bị vứt đi thành những tác phẩm nghệ thuật, minh chứng cho sự sáng tạo không giới hạn của con người.
Thông điệp chạm tới trái tim nhiều người là một món đồ không dùng được nữa có thể là vô dụng đối với mình nhưng lại hữu ích với người khác. Vậy nên trước khi bỏ vật nào đó, chúng ta có thể dành một chút thời gian suy nghĩ xem có thể làm điều gì tốt hơn là vứt bỏ.
“Bắt đầu có người hỏi han chia sẻ về cách làm tranh rồi đến nhiều “đơn hàng” đặt mua tranh nhưng vì đặc thù sản phẩm làm tay, cộng thêm quá trình làm một bức tranh khá lâu nên tôi vẫn thiên về sáng tạo tự do theo ý tưởng của mình hơn là theo đơn đặt hàng” - Kim Hồng chia sẻ về những bức tranh trong thời gian đầu.
|
Tác phẩm Nguyên sơ |
Mỗi tác phẩm làm ra đều là một dấu ấn cảm xúc khó phai mờ với Kim Hồng. Chẳng hạn như một người con ở xa không thể về với gia đình trong đợt COVID-19 đã mua một bức tranh với ý nghĩa sum vầy để tặng mẹ. Hay một bức tranh về chủ đề tết đã được lựa chọn để in lên tấm thiệp chúc tết các chiến sĩ Hoàng Sa - Trường Sa. Có người mẹ đặt tranh để tặng các con mình, trong đó có bức chị làm cả năm mới xong, với rất nhiều sự gửi gắm của người mẹ dành cho con. Có bức tranh được đem bán đấu giá ủng hộ dự án “Nhà chống lũ” và những người bị ảnh hưởng trong đợt lũ ở quê nhà Nghệ An…
Không chỉ là những đóng góp về giá trị tinh thần cho cộng đồng, bản thân Kim Hồng cũng cảm nhận được nhiều sự trưởng thành từ bên trong. Một trong số đó là việc làm tranh xé dán đã giúp chị học cách tập trung, kiên nhẫn và bình an hơn.
Mỗi lần làm tranh, chị thử chọn nhiều chủ đề, cách thể hiện để thử thách bản thân. Nhưng sau 4 năm, chị nhận ra cách mình lựa chọn ban đầu vẫn tốt nhất: để cảm xúc và chất liệu dẫn dắt trong từng bức tranh thay vì cố làm theo khuôn mẫu nào đó.
Từ những niềm vui bản thân nhận được, Kim Hồng rất thoải mái khi chia sẻ hoạt động này để bất kỳ ai cũng có thể tự làm nên những tác phẩm nghệ thuật của riêng mình. Bởi với chị, làm tranh cũng là đang thể hiện cảm xúc, thổi vào những mẩu giấy cũ thông điệp mới về đời sống hiện tại. Và quy trình để làm ra một bức tranh xé dán rất dễ dàng, hầu như ai cũng từng làm quen từ tấm bé.
|
Tác phẩm Mèo Mặt Trời |
Bước đầu làm tranh cắt/xé dán chỉ cần chuẩn bị ít đồ dùng đơn giản, tốn chưa đến 100.000 đồng: kéo, bút lông, tăm bông... Trên nền tảng là giấy, có nhiều phương pháp pha trộn thêm các chất liệu khác nhau để tạo hiệu ứng, hình ảnh đẹp cho tranh. Ví dụ dùng thêm màu để vẽ, vẩy; dùng con dấu chấm mực màu đóng lên giấy để tạo họa tiết; gắn thêm các chất liệu khác (nút áo, gỗ, nhựa, đất sét…) lên bề mặt…
“Hãy thử bắt tay vào làm với một chủ đề đơn giản như hoa lá, tĩnh vật. Bạn cứ xé dán thật thoải mái, tự do, để cảm xúc dẫn dắt. Chắc chắn bạn sẽ rất ngạc nhiên với thành quả” - Kim Hồng động viên mọi người.
Chị cũng đưa ra lưu ý rằng nên làm tranh hoàn toàn từ giấy báo vì chỉ riêng màu sắc, họa tiết trên giấy đã rất đẹp và sẽ hạn chế tối đa việc phát sinh nguyên vật liệu mới khi tái chế.
Chia sẻ về khó khăn lớn nhất đối với nghệ thuật sáng tạo từ giấy báo cũ, Kim Hồng cho biết: “Khó khăn lớn nhất đối với tôi vẫn là cảm hứng làm tranh, vì việc này đòi hỏi khá nhiều thời gian mà công việc hằng ngày của tôi khá bận. Nếu là tranh vẽ thông thường, cần màu gì thì có thể pha màu theo ý mình nhưng với tranh xé dán, bạn phải chọn màu phù hợp trong đống giấy có sẵn nên rất mất thời gian”.
Để vượt qua khó khăn về cảm hứng, lúc rảnh rỗi, chị thường dành thời gian ngắm báo, xé giấy và tưởng tượng với mảnh giấy này sẽ làm gì, rồi ý tưởng dần dần hình thành, trở nên rõ nét. Cảm giác nhìn ngắm một mảnh báo và tưởng tượng xem nó sẽ tạo ra được hình ảnh gì rất thú vị.
Chẳng hạn để có được hình ảnh những bộ phận khác của gà mái và hình ảnh gà con, chị lục tìm thêm nhiều mảng màu khác trong số giấy có sẵn. Thấy mảnh nào hợp, chị xé và dán thử nhiều lần cho đến khi tạo được hình khối ưng ý nhất.
Chị thường chỉ chấm một lượng nhỏ keo và dán thử nhiều mảng nhỏ. Khi đã ưng ý với một mảng lớn, chị mới bắt đầu dán cố định, tránh việc dán đi dán lại nhiều lần làm hỏng tranh.
Đến bây giờ, động lực làm tranh lớn nhất đối với Kim Hồng vẫn là sức hút của màu sắc, họa tiết trên từng trang báo và niềm vui mỗi khi nỗ lực hoàn thành được một tác phẩm mình ấp ủ. Bên cạnh đó là sự cổ vũ từ những người yêu tranh, ngắm tranh, chia sẻ cảm xúc về tranh và những đóng góp cho cộng đồng.
Kim Hồng không coi làm tranh xé dán là một công việc mà là một thú vui, một niềm đam mê. Trước mắt, chị vẫn duy trì việc làm tranh xé dán khi rảnh rỗi. Chị cũng đang thu xếp công việc để có thời gian dạy các bạn nhỏ trải nghiệm làm tranh xé dán. Xa hơn trong tương lai, Kim Hồng hy vọng mình đủ thời gian và sức sáng tạo để có một triển lãm cá nhân.
Cát Tường - Ảnh do nhân vật cung cấp