PNO - PN - Mỗi tháng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận từ 20-30 trẻ đến khám do nghi bị chứng tăng động, giảm chú ý, nhưng kết quả xác định chỉ ba-năm ca, do nhiều trẻ dưới bốn tuổi nên chưa thể chẩn đoán chính xác. Mắc bệnh này,...
edf40wrjww2tblPage:Content
Nghịch mọi lúc mọi nơi
Bé trai Ph.H.D. (mười tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) được mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM vì không chịu tập trung ngồi học như các bạn trong lớp. Mẹ của bé cho biết: “Cháu lanh lợi nhưng không thể ngồi yên, không tập trung vào việc gì quá lâu. Đang ngồi vào bàn học chưa được mười phút lại quậy phá đồ đạc trong nhà. Đang nằm xem ti vi bỗng nhiên cháu đứng lên vặn vẹo người. Đêm ngủ, cháu hay ú ớ và nói to. Ở trường, cháu không tập trung nghe cô giảng, thường quay lên quay xuống. Các phụ huynh khác than phiền là bé D. hay chọc ghẹo con của họ, không cho các bạn khác làm bài tập”. Qua nhiều tháng thăm khám và theo dõi bệnh lý, ThS-BS Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 chẩn đoán: D. bị tăng động, giảm chú ý. Theo BS Triết, mỗi tháng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận từ 20-30 trẻ đến khám do nghi mắc bệnh tăng động, giảm chú ý, nhưng kết quả xác định chính xác chỉ từ ba - năm ca, do nhiều trẻ dưới bốn tuổi chưa chẩn đoán được.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, chị Nguyễn Thị Nh., mẹ một bé gái (tám tuổi, ngụ Q.10) cho biết: “Từ nhỏ, cháu đã rất hiếu động. Nhiều người bảo, tuổi còn nhỏ cháu hay tò mò về thế giới xung quanh, khi lớn cháu sẽ hết. Nhưng từ lúc học lớp 1 đến giờ, cháu hiếu động quá mức. Khi ngồi học thì không tập trung, lơ đãng, mắt nhìn quanh, ngồi một tí là ngọ nguậy hết bơm mực lại gọt viết chì; dù mực trong viết vẫn còn hay viết chì không bị gãy. Nếu bắt cháu nằm hoặc ngồi yên một chỗ thì chân tay vặn vẹo không yên. Ở trường, cô giáo than phiền cháu hay kiếm cớ đi lấy cái này cái kia; những lúc không cho cháu lại nói muốn đi vệ sinh. Đặc biệt, cả lớp đang nghe cô giáo giảng bài thì cháu lại hỏi những câu hỏi ở đâu đâu, không liên quan đến bài học. Vì không tập trung nên cháu học hoài vẫn không nhớ”. ThS Kiều Thanh Hà, chuyên viên tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, trẻ mắc bệnh tăng động, giảm chú ý chiếm khoảng 10% trẻ đến khám tâm lý, trong đó bé trai nhiều hơn bé gái.
Nhiều phụ huynh còn nhầm lẫn giữa hiếu động với tăng động ( Ảnh chỉ mang tính minh hoạ)
Trẻ không thể kìm nén được
BS Phạm Minh Triết cho biết: trẻ bị tăng động, giảm chú ý dù ý thức được những việc làm của mình là không phù hợp, nhưng không thể kìm nén được, bất kể thời điểm, địa điểm bị cấm đoán. Hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây ra bệnh tăng động, giảm chú ý; tuy nhiên y khoa ghi nhận cơ chế sinh ra bệnh này là do các tế bào thần kinh ở não không liên kết tốt được với nhau, khiến trẻ khó nhớ, thường hay quên việc mà cô giáo, cha mẹ giao cho. Trẻ không tập trung sẽ giảm khả năng ghi nhớ những chi tiết, ngồi được khoảng năm phút là muốn đứng dậy. Bệnh nhi thường không nghe bài giảng nên sa sút trong học hành. Trẻ mắc bệnh này hay đi kèm với rối loạn cư xử như đánh bạn, chọc ghẹo bạn.
Nhiều phụ huynh thường nhầm lẫn hiếu động với tăng động. Các chuyên gia lý giải: không phải trẻ nào quá hiếu động cũng đều mắc bệnh tăng động, giảm chú ý. Nếu trẻ từ hai - bốn tuổi mà quậy phá, lăng xăng là chuyện bình thường, vì trẻ muốn khám phá môi trường xung quanh. Trẻ hiếu động chỉ quậy phá ở môi trường quen thuộc, biết dừng lại ở những lúc, địa điểm không được phép; trong khi trẻ tăng động thì nghịch phá mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh và trong tất cả các mối quan hệ. Thời gian rối loạn kéo dài ít nhất sáu tháng. ThS Kiều Thanh Hà phân tích: "Trẻ tăng động chạy nhảy không ngừng, không biết mệt mỏi, chỉ trừ lúc ngủ, có biểu hiện ngủ ít và khó ngủ hơn những trẻ khác. Nếu bị bắt ngồi yên, trẻ sẽ vặn vẹo, ngọ nguậy, đung đưa co duỗi chân tay liên tục. Những đứa trẻ này thường không tuân thủ các quy định ở trường hay trong các trò chơi tập thể; trẻ thích tham gia vào các trò nguy hiểm mà không nghĩ đến hậu quả... Ngoài ra, các em thường ít lắng nghe những gì người khác nói và không thể làm theo chỉ dẫn hay hoàn thành công việc được giao. Có những em hay đánh mất vật dụng như vở, bút chì, hay quên các hoạt động thường ngày, dễ xao nhãng bởi những thứ bên ngoài, chẳng hạn đang học lại muốn chạy nhảy đi chơi…".
Theo BS Phạm Minh Triết, bệnh tăng động, giảm chú ý thường được phát hiện chính xác khi trẻ đã đi học, vì đây là thời điểm trẻ tiếp xúc ở các môi trường khác nhau, từ việc học đến mối quan hệ bạn bè... Muốn chẩn đoán đúng bệnh phải theo dõi trẻ liên tục sáu tháng, ở nhiều môi trường khác nhau để loại trừ một số bệnh lý khác như: tự kỷ, rối loạn lo âu hay chỉ là chứng hiếu động thông thường. Ngoài ra, trẻ đến khám còn phải được đo chỉ số thông minh nhằm phân biệt với trẻ chậm phát triển tâm thần. Khi xác định chính xác có dấu hiệu kém tập trung, tăng động thì dùng thuốc điều trị và can thiệp tâm lý. Trong bệnh lý này, nguyên nhân kém tập trung là nguyên nhân gốc, vì kém tập trung nên trẻ mới tăng động, quậy phá bạn bè, không nghe lời người lớn. Nếu sau khi điều trị kém tập trung mà chứng tăng động chưa giảm, thì sẽ cho trẻ uống thuốc giảm tăng động.
Quá trình điều trị, quan trọng nhất là thái độ hỗ trợ của gia đình và nhà trường nơi trẻ học tập. Theo ThS Kiều Thanh Hà, phụ huynh, thầy cô nên khuyến khích hoặc khen ngợi khi bé có thể tập trung chút ít. Điều này giúp bé định hình hành vi và giảm thiểu sự tăng động. Khi cô giáo, cha mẹ giao việc cho bé phải viết ra giấy hoặc đặt câu hỏi đơn giản, ít chi tiết để bé làm quen dần, tăng sự chú ý từ đơn giản đến phức tạp. Như vậy sẽ giúp cải thiện hành vi, giúp nhắc trẻ không quên, tăng khả năng học tập cho trẻ.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.