Trưa, con gái đi học về và tôi cũng vừa đi làm về, hai má con đụng nhau ngay cổng, tay con gái vò vò cái khẩu trang. Tôi nhắc, lần sau con đợi vô nhà rồi hẵng tháo khẩu trang, ngoài này trời vẫn còn nắng mà.
“Tại cái khẩu trang này mà con bị ông tài xế bắt bẻ đó” - con gái xị mặt. “Giờ tan học đông lắm nên vừa lên xe buýt là đứa nào cũng nhìn ngó tìm chỗ ngồi, chỉ lo cầm vé lẹ mà đi về chỗ ghế trống kẻo có đứa nhanh chân hơn mình. Vậy mà bữa nay đụng ông tài xế càm ràm: “Tụi mày học hành cái gì mà không biết tháo khẩu trang ra để chào người lớn một tiếng hả?”.
Má biết không, bọn con vừa bị la xong, tới trạm kế, có thêm mấy đứa lên xe. Nhìn tụi nó cũng kín mít khẩu trang là bọn con “nín thở giùm” luôn. Y như rằng, tụi nó cũng bị ca một bài giống hệt bọn con. Đứa nào đứa nấy quê quá nên đi ra tuốt sau xe đứng dồn cục lại. Vậy là bị thêm một câu nữa: “Đứng dưới đó làm xóm nhà lá hả?”. Trời ơi, xe buýt giờ tan tầm, chen nhau không kịp nhìn thấy mặt, huống chi là chào”. Câu chuyện của con khiến tôi ngẩn ngơ cả buổi.
Tối hôm đó, tôi đến thăm nhà người bạn ở gần bến xe Chợ Lớn. Khi về, tôi đón chuyến xe buýt số 56. Lên xe, tôi nhìn quanh, thấy mình là người khách duy nhất. Không quen tuyến đường này nên tôi cẩn thận hỏi lại cô soát vé: “Cô ơi, xe mình có về trạm Nguyễn Kim không?”. “Có đó chị” - cô nhân viên trả lời và nhanh nhảu chỉ tay tới cái ghế sau lưng tài xế: “Ngồi đó đi”.
Sẽ không có gì đáng nói nếu chỉ là chuyến xe có cô nhân viên xởi lởi, nhưng vì ông tài xế cau mày quay lại nhìn tôi: “Ban ngày đổ thừa trời nắng chớ giờ này mà đeo khẩu trang hỏi chuyện là sao? Như là cô, cô có chịu trả lời với một người bịt kín mặt mũi không?”.
Nhận ra đây chính là ông tài xế mà con gái kể, tôi vội tháo khẩu trang: “Xin lỗi, chỉ là thói quen thôi”. Vẻ như tội nghiệp tôi đụng bác tài khó tính, cô soát vé cười cười: “Chị ở gần Nguyễn Kim hả?”. Tôi dạ. Đường vắng. Qua hai trạm nữa mà trên xe vẫn chỉ mình tôi.
“Tuyến này giờ này ít khách quá hả anh?” - tôi hỏi cho có chuyện vì đụng tia nhìn của ông trong kính chiếu hậu. “Ờ. Ai đi ra đường làm chi. Có công chuyện gì mà về Chợ Lớn giờ này?” - ông hỏi như bâng quơ mà phảng phất ý phê phán đàn bà sao lại ra đường khi trời tối vắng vẻ. Cha nội này đúng là vô duyên, tôi nghĩ thầm, chê trách bọn nhỏ không chào hỏi nghe ra còn được chứ tôi thì mắc mớ gì.
Xe ngừng lại. Cửa mở. Hai cô bé lên xe. Một cô tay chìa tấm thẻ học sinh, tay kia cầm ổ bánh mì đang ăn dở. Tôi đợi ông chê trách sao cô không chào người lớn, nhưng không. Thấy ông liếc nhìn vụn bánh mì rớt xuống sàn xe, tôi đợi nghe câu gắt gỏng, cũng không. Hình như xe chạy chậm hơn, như thể đợi cho hai cô bé ngồi yên ở băng ghế sau cùng, mùi thơm thơm và mùi nước tương bay lên.
“Mấy đứa nhỏ này sợ ngồi gần người lớn” - ông nói. Nghe cứ như là hai cô bé đang làm chuyện xấu nên tránh xa người lớn. Tôi đứng ngay về phía biện hộ. “Đang ăn mà” - tôi nói - “Ngồi xa dưới đó để nhai cho thoải mái là đúng rồi”. “Con gái con đứa, mà trạm thì vắng tanh như chùa Bà Đanh” - ông lầm bầm - “Còn mặc đồng phục là biết ngay đi học thêm luôn cho tới giờ này mới về. Tụi nhỏ bây giờ học hành cái gì mà đêm hôm còn ở ngoài đường. Hồi mình còn đi học như tụi nó thì giờ này làm bộ ngủ say, mà thiệt ra là trùm mền lén đọc truyện hả cô?”.
Tôi chợt thấy một khuôn mặt khác ẩn sau vẻ cau có của ông tài xế. Có lẽ ông cũng có con gái và con gái ông cũng đi học thêm tới cuối ngày như hai cô bé này. Ừ, có lẽ câu phê phán dành cho tôi chỉ là cái buột miệng của ước mong người phụ nữ có mặt ở nhà, để đứa con suốt cả ngày từ ca học này qua ca học kia, khi về tới, được mẹ chờ đón và hỏi han: “Hôm nay con đi học vui không?” Ừ, buổi tối…
Người đàn ông ngồi sau vô lăng còn mong gì khác cho con của mình là được có mẹ bên cạnh trong những buổi tối mà cha phải rong ruổi trên đường? Và gắt gỏng bọn nhỏ sao không chào hỏi có phải chính là nỗi lo lắng cho con của mình đi từ sáng tới tối chẳng biết học được những gì mà bài học lễ nghĩa cứ nhớ nhớ quên quên?
Cầm lái chạy ngang những đoạn vắng, lòng ông không khỏi lo lắng cho đứa con còn đang đâu đó trên đường. Có lẽ ông đang muốn gọi một cuộc điện thoại để chắc chắn là con mình đã về tới nhà và được mẹ pha cho ly sữa hoặc hâm lại cơm canh cho nóng.
Có lẽ câu phê phán dành cho tôi chỉ là cái buột miệng của ước mong người phụ nữ có mặt ở nhà, để đứa con suốt cả ngày từ ca học này qua ca học kia, khi về tới, được mẹ chờ đón và hỏi han: “Hôm nay con đi học vui không?”.
Nguyên Hương